(GLO)- Tồn tại gần 30 năm trong một con hẻm nhỏ nối đường Hoàng Văn Thụ với bến xe Nhỏ (TP. Pleiku), hàng bánh xèo của bà Ba chẳng có tên gọi cụ thể, càng không bảng hiệu quảng cáo. Tuy nhiên, nó vẫn gắn liền với ký ức của cả một thế hệ người dân Phố núi từ sau giải phóng đến nay.
Con gái bà Ba đang đổ bánh xèo để phục vụ thực khách. Ảnh: H.N |
Sau một biến cố lớn xảy ra năm 1989 khiến gia đình mất hết gia sản, bà Ba bắt đầu gầy dựng lại bằng một hàng bánh xèo ngay trong khu vực bến xe Nhỏ. Không cần vốn liếng nhiều, chỉ dăm cái ghế nhựa con con dựng ngay trên nền đất nhưng đã có lúc, hàng bánh xèo của bà Ba trở thành hàng ăn đắt khách bậc nhất thời bấy giờ. “Hồi ấy, hàng ăn không nhiều, nhất là hàng ăn phục vụ buổi tối càng hiếm nên người ta không có nhiều sự lựa chọn. Những tiệm ăn lâu đời như phở Tàu Lý, Ngọc Sơn, cơm gà Mỹ Tâm… chỉ dành cho người có tiền. Còn bánh xèo thì ai ăn cũng được. Cũng có khi Pleiku trước đây trời lạnh quanh năm khiến người ta thích thú hơn với món ăn này. Bởi bánh xèo ăn ngon nhất vào những ngày mưa, ngày lạnh”-bà Ba lý giải.
Bán hàng ăn ở ngay bến xe Nhỏ-nơi hội tụ mọi thành phần trong xã hội, nơi diễn ra những cuộc đoàn tụ lẫn chia ly, đồng thời cũng là nơi đầu tiên mỗi khi khách lạ dừng chân khi đến Pleiku, thậm chí cả những thói tật của một bộ phận cư dân trong lòng đô thị cũng phần nào bộc lộ ở đây nên dễ hiểu khi bà Ba có cả kho chuyện gắn với những giai đoạn lịch sử tiêu biểu của những thị dân ở TP. Pleiku. Bà kể: “Những năm 90 của thế kỷ trước, hoạt động buôn bán giữa ta với người Campuchia rất tấp nập. Chiều tối, những thương lái Campuchia thường đổ về khu vực bến xe. Đó cũng là những thực khách thường xuyên của hàng ăn. Họ ăn uống và nói về giá cả thị trường, về những chuyến “đánh” hàng một cách kín đáo”.
Không chỉ có thương lái của nước láng giềng, khách ăn bánh xèo của bà Ba thuộc đủ mọi tầng lớp, thành phần. Chiều đến, những chiếc xe ba gác đạp, ba gác gắn máy, xe lam đậu kín một góc bến xe, các bác tài ghé vào tranh thủ ăn trước khi tản về các ngả đường. Ngoài ra còn có giới công chức, người lao động, bốc vác, dân buôn bán chợ đêm, có cả những cô gái ăn sương… Cứ như vậy, hàng bánh xèo của bà Ba tấp nập từ chiều tối đến nửa khuya. “Đông nhất là vào những ngày lễ, Tết, chúng tôi phục vụ thực khách từ các huyện lên Pleiku chơi đến 2-3 giờ sáng”-bà Ba nhớ lại. Cái dư vị của bánh xèo bà Ba không chỉ đến từ con tôm đỏ hồng, những lát thịt bò mỏng mềm, cọng hành giá trắng xanh mà còn đến từ những câu chuyện về mọi mặt đời sống đô thị.
Gần một phần ba thế kỷ nằm trên con hẻm ngắn chừng 50 mét, nền đất, hàng bánh xèo của bà Ba không có nhiều thay đổi so với ngày đầu tiên. Nhưng chừng ấy thời gian đủ để hàng bánh xèo của bà Ba có rất đông thực khách thân quen. Nhiều người còn xem đây là một phần ký ức mỗi khi nhớ về Pleiku. Giá của 1 lá bánh xèo cũng nói lên phần nào sự biến động về giá cả, thực phẩm trong đời sống mấy chục năm qua. Từ 500 đồng một lá bánh, rồi 1 ngàn rưỡi 2 lá, đến nay mỗi lá bánh xèo đã tăng giá… gấp 20-30 lần. Hai cô con gái lớn phụ mẹ bán hàng ăn rồi cũng theo bà Ba bán bánh xèo cho đến tận bây giờ.
Pleiku không còn lạnh như ngày bà Ba mới mở hàng bánh xèo. Những chiều mùa đông cũng không còn những vạt sương lạnh sà xuống thấp như trêu ghẹo lòng người. Bà Ba cũng không đúc bánh xèo bằng bếp củi nữa, không ai còn nhìn thấy cảnh mỗi chiều khói len ra nghi ngút từ con hẻm nhỏ hòa lẫn trong sương chiều tạo thành màu khói sương hư ảo. Bánh xèo bà Ba vẫn còn đó, nhưng chỉ còn lại chút hương xưa từ vị ngon của lá bánh xèo mấy chục năm không đổi.
Hoàng ngọc