(GLO)- “Sớm mai dừng chân bên cầu An Mỹ/ lắng nghe sắc lá cựa mình/lại thấy lòng như trẻ lại/nhớ hoài một nét làng xưa”-đôi câu thơ chợt đến của ông Lê Đình Long-Bí thư chi bộ thôn 2 (xã An Phú, TP. Pleiku) khiến tôi thêm một lần ruổi xe về phía Đông thành phố. Bình yên chảy giữa nhịp đời phố thị, An Phú vẫn giữ được sự hài hòa của sắc làng Việt xưa trong những nếp nhà khang trang, tươi mới; những dải đường sạch-đẹp-văn minh và nhiều hơn là những cánh đồng rau trải màu xanh tới phía chân trời.
Làng xưa
Trong trí nhớ của các bậc cao niên ở nơi “đất sinh những bạc vàng” này, cùng với những làng như Trà Đa-phía Nam chợ Biển Hồ, Gia Tường-phía Đông đồn điền Bàu Cạn, Trà Bá-gần đồn điền Ia Pet, thị xã Pleiku xưa thì 5 làng người Kinh là Phú Thọ, Nguyên Lợi, Quảng Định, An Mỹ và Trà Nhá ở phía Đông thị xã trong những năm đầu thế kỷ XX nay đều là địa phận của An Phú. Bởi vậy, người An Phú vẫn luôn tự hào khi bản quán mình chính là một trong những nơi phát tích của những làng Việt đầu tiên góp công gầy dựng Pleiku nói riêng, Gia Lai nói chung.
Đình làng An Mỹ xưa. Ảnh: Tuệ Nguyên |
Sau khi kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện quanh việc khai đất lập làng của các vị tiền bối, ông Trần Văn Bông (73 tuổi)-một người đang sinh sống tại thôn 2 với tay lấy cuốn Lịch sử Đảng bộ TP. Pleiku giai đoạn 1945-2005, đọc cho tôi nghe một đoạn dài trong trang 31. Giọng ông Bông chan chứa niềm tự hào: “Làng Phú Thọ do ông “chủ mộ” Nguyễn Miên (thường gọi là Câu Miên) mộ dân lên lập làng năm 1901, lúc đầu có 30 gia đình. Vùng đất này nằm ở phía Nam đường 19 trên địa bàn Phú Thọ, xã An Phú, TP. Pleiku hiện nay. Làng Nguyên Lợi ở phía Nam nhà thờ Phú Thọ do ông “chủ mộ” Nguyễn Giếng (thường gọi là thầy Giếng) đứng ra lập làng, lúc đầu có 12 gia đình; đến năm 1945, làng này nhập vào làng Phú Thọ.
Từ năm 1920, vùng này có thêm các làng Quảng Định, An Mỹ và Trà Nhá. Làng Quảng Định lúc đầu gồm một số dân Quảng Ngãi và Bình Định, có 7 gia đình sinh sống ở phía Đông đầu cầu An Mỹ; “chủ mộ” là ông Huỳnh Đạo; làng An Mỹ lúc đầu có 10 gia đình, ở phía Tây đầu cầu An Mỹ, “chủ mộ” là các ông Nguyễn Mai Luật (quê huyện Phù Mỹ, Bình Định) và ông Trần Cư (quê huyện An Nhơn, Bình Định); vì thế làng lấy tên là An Mỹ. Làng Trà Nhá lúc đầu có 8 gia đình, ở phía Bắc đường 19, tiếp giáp làng Phú Thọ, “chủ mộ” là ông Lê Hiếu Thuật (quê ở An Nhơn, Bình Định), lấy tên làng là Trà Nhá vì ở gần làng đồng bào dân tộc Plei Nhă; đến năm 1945, làng Trà Nhá sáp nhập vào làng Phú Thọ”.
Dứt một hơi đọc dài, ông Bông cười hỉ hả: Nghe các cụ ta xưa kể lại, các làng Phú Thọ, Nguyên Lợi, Quảng Định, An Mỹ và Trà Nhá ngày trước cũng rất phát triển, là nơi đất học, có nhiều hiền tài. Truyền thống tốt đẹp đó hiện đang được các thế hệ cháu con gìn giữ và phát huy.
Đất hát…
Dấu tích làng xưa còn lưu lại nhiều nhất ở đình An Mỹ-mái đình được dựng nên hồi mới lập làng, năm 1920, đã 2 lần nhận được sắc phong của Triều Nguyễn-trải qua nhiều thăng trầm dâu bể với 4 lần tu sửa, nay vẫn còn giữ lại nguyên vẹn được 2 trụ và tấm bình phong từ thuở sơ khai. Đình An Mỹ bây giờ trầm mặc đứng trước một dải đất rộng chừng vài hecta, giữa bời bời màu xanh của các loại rau trái. Cùng tôi và ông Trần Văn Bông đi thăm đình, ông Lê Đình Long, Bí thư Chi bộ thôn 2 nói trong niềm phấn khởi: “Thôn 2 nói riêng, An Phú nói chung đang giàu lên từng ngày. Trong làng, trong xã, ngày càng có nhiều hơn những gương sản xuất giỏi, những điển hình tiên tiến làm theo lời Bác. An Phú cũng đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Quan trọng nhất là, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, mỗi gia đình chúng tôi vẫn luôn giữ được những nét đẹp truyền thống của những gia đình Việt”.
An Phú hôm nay. Ảnh: Tuệ Nguyên |
Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Tài, An Phú là một trong 3 địa phương đầu tiên được xét công nhận đạt chuẩn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của TP. Pleiku vào cuối năm 2013. “Thu nhập bình quân đầu người của An Phú hiện đạt gần 24 triệu đồng/năm; kinh tế hộ gia đình phát triển năm sau cao hơn năm trước; các vấn đề về giáo dục, y tế, văn hóa ngày càng được đẩy mạnh, vấn đề an ninh trật tự xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững-Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Tài khẳng định-Riêng đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đề nghị thành phố hỗ trợ ngân sách để xây dựng một số công trình giao thông, thủy lợi cũng như trường học, từ đó hoàn thiện nâng cao các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia…”.
Tuệ Nguyên