(GLO)- Để ngăn ngừa, kiềm chế tín dụng đen ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các giải pháp không chỉ dừng lại ở phương diện quản lý Nhà nước mà vấn đề căn bản là tăng cường công tác hỗ trợ bà con dân tộc thiểu số tạo nguồn sinh kế bền vững nhằm xóa đói giảm nghèo, gắn với xây dựng thói quen tích lũy, tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày. Đây cũng là cách làm của huyện Ia Pa-một trong những địa phương có tỷ lệ DTTS chiếm khá cao.
Đời sống kinh tế của bà con dân tộc thiểu số (DTTS) phát triển thì mới giảm được tình trạng tín dụng đen. Đây là một vấn đề cốt lõi mà chính quyền huyện Ia Pa đặt ra khi thực hiện cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm trong bà con DTTS, gắn với việc triển khai chương trình cánh đồng mỳ lớn tại xã Ia Tul và cánh đồng mía lớn tại xã Chư Mố, Ia Kdăm. Thông qua việc đưa giống mới, áp dụng 100% cơ giới hóa vào sản xuất trên cánh đồng liền vùng, liền thửa, năng suất cây mỳ có thể đạt 40 tấn/ha, cây mía đạt 90 tấn/ha. “Chỉ có làm cánh đồng lớn thì mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Còn nếu cứ làm theo tập quán cũ, canh tác nhỏ lẻ thì bà con thu xong cây mỳ, cây mía chỉ đủ trả nợ tư thương”-ông Siu Sứ (Chủ tịch UBND xã Ia Tul) nhìn nhận.
Bà con Jrai ở Ia Tul, Ia Pa đang tham gia sản xuất cánh đồng mì lớn nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập và tạo sinh kế bền vững. Ảnh: Sơn Ca |
Với một địa bàn đặc thù như Ia Pa, tỷ lệ đồng bào DTTS hiện là 8.758 hộ/12.582 tổng số hộ toàn huyện, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 27,85%, hộ cận nghèo chiếm 10,73% thì việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS, gắn với việc xây dựng thói quen tích lũy, tiết kiệm vừa đạt mục tiêu trước mắt, vừa là giải pháp trọng tâm lâu dài. Để góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo, tín dụng chính sách là kênh vốn, là “cần câu” hỗ trợ đắc lực. “Đầu óc thì muốn làm ăn nhưng nguồn vốn không có sẵn nên đôi lúc cũng bí bách lắm”- anh Siu Chbai (một hộ vay ở Plei Toan 2, xã Ia Kdăm) bộc bạch.
Trước đây, cũng giống như bà con khác, trở ngại lớn nhất của anh là tâm lý muốn có ngay-lấy nhanh nên thỉnh thoảng anh vẫn có vay mượn bên ngoài. Sau khi được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, anh đã đầu tư nuôi bò kết hợp trồng mía, trồng mì. Nhờ chăm chỉ làm ăn và biết tiết kiệm, anh Siu Chbai đã trả xong nợ vay bên ngoài, xây dựng được căn nhà mới khang trang. Tháng 4-2018, anh tiếp tục vay ngân hàng thêm 50 triệu đồng để phát triển sản xuất, bởi theo anh “Lãi suất ngân hàng như hiện nay rất tốt, có điều mức vay còn hơi thấp so với nhu cầu thực tế”.
Cho đến thời điểm hiện nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Ia Pa đạt 254 tỷ đồng/7.913 hộ, trong đó tỷ lệ hộ vay là DTTS chiếm khoảng 80%, và đa phần các khoản vay là trung hạn, dài hạn được thiết kế phù hợp với chu kỳ sản xuất cây trồng, vật nuôi.
“Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng của chúng tôi gần 20 tỷ đồng. Thông qua công tác phối hợp với chính quyền các xã, hội đoàn thể, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo nếu đủ điều kiện và chưa vay vốn thì ngân hàng sẵn sàng đáp ứng vốn vay đầu tư phát triển sản xuất”-ông Nguyễn Văn Diệu (Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện) cho biết.
Qua rà soát, thống kê cuối năm 2017, trên địa bàn huyện Ia Pa có 52 đầu mối cho vay bà con DTTS với số nợ lên tới 33 tỷ đồng/ hơn 2.200 hộ vay. Thì đến thời điểm hiện nay, tổng số hộ vay là 1.207/27,879 tỷ đồng, giảm 993 hộ và giảm hơn 5 tỷ đồng tiền nợ. Đáng lưu ý, tình trạng xiết nợ, sang nhượng đất đai trái phép chưa diễn ra trên địa bàn. “Huyện đã có văn bản chỉ đạo, khuyến cáo với chính quyền các xã, khi xác định bà con chuyển nhượng đất đai thì phải xác minh nắm rõ mục đích. Nếu chuyển nhượng nhằm cấn trừ nợ thì có giải pháp xử lý kiên quyết”-ông Nguyễn Thế Hùng (Chủ tịch UBND huyện Ia Pa) cho biết.
Từ nguồn vốn đầu tư của Agribank Đak Đoa, gia đình bà H'Klek đã mạnh dạn phát triển nông nghiệp đa canh, cho nguồn thu nhập rất cao. Ảnh: Sơn Ca |
Đến làng Ring (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa), bà con hầu như ai cũng biết đến gia đình bà H’Klek-một điển hình về sản xuất giỏi trong cộng đồng người Jrai. Là người có tinh thần cầu tiến, luôn chịu khó đầu tư học hỏi nên gia đình bà H’Klek gần như tiên phong trong việc sản xuất nông nghiệp đa canh, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật ngay trên đất vườn mình để gia tăng năng suất, sản lượng. Nhờ chăm chỉ làm ăn và biết đầu tư tích lũy đúng hướng, hiện nay gia đình bà đang sở hữu vườn tiêu tại nhà hơn 500 trụ, 18 hecta rẫy đa canh cao su tiểu điền, cà phê, hồ tiêu, chanh dây, khoai lang Nhật.
Với kinh nghiệm sản xuất lâu năm của bà H’Klek, dòng vốn luân chuyển luôn là mối quan tâm hàng đầu của người nông dân: “Chi phí đầu tư hàng năm cho vườn cây là rất lớn. Nặng nhất là tiền phân bón, thuê mướn thêm nhân công khi vào vụ. Tính sơ sơ, công làm cỏ, đào hố là 180-200 ngàn đồng/ngày, công hái lúc cao điểm lên tới 250 ngàn đồng ngày. Nếu không có thêm nguồn vốn vay ngân hàng thì nhiều lúc gia đình không xoay sở kịp”.
Tạo điều kiện tối đa cho bà con tiếp cận nguồn vốn thương mại cũng là mục tiêu của chính quyền địa phương, gắn với việc tích cực vào cuộc chỉ đạo các ban ngành chức năng của huyện rà soát, nắm tình hình để có giải pháp xử lý hoạt động tín dụng đen theo quy định của pháp luật. “Chúng tôi đã làm việc với các đại lý, hộ kinh doanh có giao dịch mua bán hàng hóa, nông sản với bà con DTTS, vận động họ làm cam kết. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con nhằm tạo điều kiện vay vốn ngân hàng thương mại. Riêng các đối tượng khác, giao Công an rà soát, lập danh sách để răn đe, giáo dục”-ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa cho biết.
“Từ năm 2017 trở về trước, tỷ trọng cho vay trung hạn của Chi nhánh dưới 30% thì hiện nay, chúng tôi đang nỗ lực nâng tăng tỷ trọng cho vay trung hạn đạt 38%, mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2018 đạt từ 40%-50%/tổng dư nợ”-ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện khẳng định. Với quy mô dư nợ của Chi nhánh hiện đạt 1.432 tỷ đồng/ hơn 5.800 khách hàng, dư nợ khách hàng hộ chiếm 85% /tổng dư nợ, (trong đó khách hàng DTTS chiếm 27% dư nợ) là một kết quả đáng ghi nhận cho sự nỗ lực của đơn vị.
Với sự vào cuộc không chỉ của ngành Ngân hàng mà cả hệ thống chính trị, hy vọng trong tương lai gần, tín dụng đen không có đất sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Sơn Ca