(GLO)- Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đóng cửa rừng, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Tuy nhiên, đến nay rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá, gỗ lậu tập kết giữa thanh thiên bạch nhật. Một lần nữa, 2 huyện Ia Grai và Chư Pah trở nên “nóng” vì con đường vận chuyển lâm sản mà phóng viên phát hiện.
Lặn sông tìm gỗ
Từ thông tin của người dân cung cấp, chiều 3-1 chúng tôi đăng ký với Chủ tịch UBND huyện Ia Grai Dương Mah Tiệp để cử người phối hợp xác minh bãi tập kết gỗ trái phép ở làng Nú. Được Chủ tịch UBND huyện Ia Grai yêu cầu lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Ia Grai phối hợp cùng Báo Gia Lai đi xác minh nguồn tin, chúng tôi đến Hạt Kiểm lâm thì nhận được thái độ khó chịu của ông Tuấn-Phó Hạt trưởng.
Phóng viên Báo Gia Lai là người đầu tiên lặn xuống hồ và phát hiện gỗ lậu trên sông Sê San. Ảnh: Nhật Cường |
Ông Tuấn cho rằng Kiểm lâm không có trách nhiệm phối hợp với báo chí, Hạt Kiểm lâm không có người, toàn bộ kiểm lâm viên Ia Grai đều nằm ở địa bàn. Chúng tôi giải thích một hồi, rồi quay xe lên đường, ông Tuấn cũng chạy xe theo. Chúng tôi đi đâu, ông đến đó. Chúng tôi vào làm việc với Chủ tịch UBND xã Ia Khai, đề nghị được chính quyền địa phương phối hợp, Chủ tịch UBND xã cử Công an viên thôn phối hợp. Điều lạ là khi xe chúng tôi đi đúng vào con đường ngách mà lâm tặc mở xuống hồ để vận chuyển gỗ thì Công an viên này lại bàn lui, cho rằng đường cụt, đường xuống suối nước không đi được.
Tận cùng con đường này là lòng hồ Thủy điện Sê San 3A (thuộc địa phận làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai). Tại đây, một bãi tập kết gỗ hiện ra. Ngay khi xe chúng tôi đến thì 2 xe của lực lượng Kiểm lâm không rõ đi theo lúc nào cũng có mặt. Dấu vết gỗ được khai thác kéo về đây rồi đưa đi tiêu thụ vẫn còn. Một cán bộ Kiểm lâm cho biết, gỗ đã được cơ quan chức năng kéo về. Theo quan sát của chúng tôi, số lượng gỗ dưới sông vẫn còn, song khi yêu cầu xuống tìm thì lực lượng Kiểm lâm tỏ ra thờ ơ, bảo phải chờ xả đập hoặc thuê thợ lặn mới biết được gỗ còn hay không. Phóng viên Báo Gia Lai phải làm cái việc bất đắc dĩ là lội xuống hồ tìm gỗ. Chỉ cần ra độ sâu hơn 1 m nước đã đụng gỗ giấu dưới hồ.
Chúng tôi nhẩm đếm có hàng chục lóng gỗ lâm tặc giấu dưới sông, chờ cơ hội đưa lên bờ vận chuyển đi tiêu thụ. Nhiều lóng gỗ có đường kính 40-80 cm, dài 4- 5 m. Gỗ lớn nên mất nhiều thời gian chúng tôi mới đưa được một đầu gỗ lên khỏi mặt nước để chứng minh với lực lượng Kiểm lâm đang đứng trên bờ. Khi phóng viên lặn hồ tìm thấy gỗ, một số kiểm lâm viên đã xuống cùng kéo gỗ vô bờ. Do khu vực tập kết gỗ dưới lòng hồ không bằng phẳng nên chúng tôi không thể thống kê hết số lượng gỗ ở khu vực này, ước tính tầm vài chục lóng. Đa số gỗ mới khai thác vì nhiều lóng gỗ vẫn dính mủ. Không chỉ khu vực này mà một số khu vực khác của bãi tập kết, chúng tôi lặn xuống phát hiện nhiều lóng gỗ đường kính lớn cũng được cất giấu.
Sau khi phát hiện gỗ dưới sông, lực lượng Kiểm lâm của tỉnh và cơ quan chức năng huyện Ia Grai đã tiến hành trục vớt. Tuy nhiên, ngày 4-1, chúng tôi quay lại khu vực này thì chiếc xe cẩu gỗ vẫn đậu ven bờ, lực lượng Kiểm lâm đa số đã rút hết chỉ còn vài người ngồi tránh nắng trong những gốc điều, không có bất cứ hoạt động trục vớt nào. Chúng tôi tiếp tục lặn xuống sông để kiểm tra và phát hiện ra dưới sông còn khá nhiều gỗ.
Lâm tặc làm đường mà không ai biết
Để vận chuyển lượng lớn gỗ tập kết khu vực này đi tiêu thụ, lâm tặc đã mở một con đường dài hơn 4 km qua rẫy điều của nhiều người dân, từ điểm nối đường nhựa vào Thủy điện Sê San 3A, điểm cuối là bãi tập kết gỗ sát mép hồ. Con đường rộng 3-5 m được san ủi khá bằng phẳng, nhiều đoạn phải dùng máy múc đào sâu xuống gần 2 m để thuận tiện cho việc vận chuyển gỗ. Những người mở con đường này còn mua cả đá hộc về kè một số đoạn qua suối, đổ đất cấp phối và máy lu nền đường. Nhiều đoạn thiếu đất thì đưa đất từ nơi khác đổ bù.
Về con đường độc đạo đi qua rẫy nhiều người trong làng, Công an viên làng Nú nói rằng là do dân tự làm để vận chuyển nông sản, còn kiểm lâm địa bàn thì cho rằng do những người đấu thầu cát làm để vận chuyển cát. Trao đổi với chúng tôi về việc lâm tặc mở rộng con đường trên địa bàn xã để vận chuyển gỗ trái phép, ông Puih Dinh-Chủ tịch UBND xã Ia Khai, phân trần: “Đến nay, chúng tôi vẫn không biết ai mở con đường này. Đây là đất người dân trong xã trồng điều nhưng thuộc lâm phần của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Ia Grai. Trước đây đã có con đường nhỏ để người dân vận chuyển nông sản. Tuy nhiên, việc lâm tặc mở rộng đường để chở gỗ thì được làm từ cuối tháng 10.
Ông Phan Trung Tường-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai: “Khi phát hiện sự việc, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo vệ hiện trường, tiến hành trục vớt gỗ. Tuy nhiên do nước sông lớn nên việc trục vớt và kiểm đếm gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, chúng tôi vẫn chưa thống kê được số lượng. Quan điểm của huyện là điều tra làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan đến vụ việc này, quyết không bao che, dung túng”. |
Thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng các cơ quan liên quan tìm biện pháp quản lý con đường này, không cho lâm tặc vận chuyển gỗ. Trong năm 2017, xã Ia Khai đã phát hiện 7 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tịch thu 13,4 m3 gỗ trái phép và bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý”. Khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao con đường được mở rộng rất lớn, nhiều phương tiện chở đất, đá, san ủi làm đường, lâm tặc chở gỗ qua lại mà địa phương không phát hiện thì ông này im lặng.
Trong quá trình đi tìm câu hỏi nguồn gốc số gỗ tập kết trái phép tại khu vực này được khai thác từ đâu, phóng viên Báo Gia Lai tiếp tục lần về phía thượng nguồn và tìm ra vị trí khai thác gỗ trái phép. Nội dung vụ việc này chúng tôi sẽ phản ánh trong bài viết tiếp theo.
Nhật Cường-Vĩnh Hoàng
Kỳ 2: Truy tìm nguồn gốc gỗ lậu.