Ảnh hưởng của thần tượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vừa rồi có dịp theo chân các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San về biểu diễn phục vụ bà con ở xã Đak Song (huyện Kông Chro), chúng tôi mới cảm nhận rõ sự phấn khích của người dân khi chào đón những người mà họ xem như “thần tượng”. Việc bày tỏ sự yêu mến, ngưỡng mộ đối với ai đó là tình cảm hết sức bình thường của con người. Với người dân vùng sâu, vùng xa cũng không là ngoại lệ.
Chị Đinh Hoi (làng Bla, xã Đak Song) cho biết, thần tượng của chị chính là ca sĩ Siu H'Blup (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San). Lý do vì H'Blup đẹp, lại hát những bài mang âm hưởng dân ca rất gần gũi với đời sống tinh thần của người dân. Đây cũng là lần đầu tiên Đinh Hoi được tận mắt thấy thần tượng của mình biểu diễn trên sân khấu chứ không phải qua kênh Youtube mà chị vẫn thường xem. Chỉ vậy thôi cũng khiến chị hạnh phúc, thỏa mãn. Hình ảnh ca sĩ Siu H'Blup mặc trang phục dân tộc, đứng trên sân khấu rực rỡ, kiêu hãnh như một đóa pơ lang thắm sắc có lẽ gây thương nhớ cho không chỉ riêng chị Hoi mà cả với nhiều người ở làng. Thần tượng đối với họ đơn giản là bởi Siu H'Blup nhắc nhớ về những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Và họ cũng yêu cái đẹp như bất cứ con người nào trên trái đất này dù có thể cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn.
 Ca sĩ Siu HBlup (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) là thần tượng của nhiều người. Ảnh: K.N.B
Ca sĩ Siu H'Blup (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) là thần tượng của nhiều người. Ảnh: K.N.B
Một lần khác tôi có dịp dẫn vài người bạn ở xa vào làng Pleiku Roh (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) chơi. Tại đây, khi được hỏi, một cậu bé đã trả lời dõng dạc rằng thần tượng của em là cầu thủ Công Phượng. Vì thần tượng Công Phượng mà chiều nào em cũng ra sân đá bóng với các bạn trong làng, nuôi dưỡng ước mơ sẽ trở thành một cầu thủ giỏi trong tương lai. Khác với thế hệ trước, việc thần tượng một ai đó thường biểu hiện kín đáo, âm thầm thì nay nó được thể hiện công khai, nhất là ở giới trẻ. Bạn tôi nói rằng 2 đứa con của chị đều đang học tiểu học nhưng si mê ca sĩ Sơn Tùng M-TP đến mức, các cháu thuộc và hát được tất cả những bài hát của anh này. “Bảo con hát một bài hát thiếu nhi có lẽ khó khăn hơn nhiều so với thể hiện một bài nào đó của Sơn Tùng M-TP”-chị nói. Thậm chí, bài tập nhạc được giao về nhà các cháu còn lười tập, nhưng lại tự mày mò chơi được một số bản nhạc của Sơn Tùng M-TP. Theo chị, như vậy cũng là một sự ảnh hưởng tích cực từ thần tượng. Sợ nhất là các cháu không ý thức được hết, đua theo cách ăn mặc hàng hiệu của chàng ca sĩ này mới đáng lo.
Mỗi con người, mỗi thế hệ đều có hình mẫu thần tượng riêng. Như bản thân tôi đặc biệt yêu thích Murakami Haruki-nhà văn Nhật Bản được đề cử giải Nobel Văn học 2006. Trên giá sách, tôi dành hẳn một góc cho Murakami, rảnh rỗi có thể cầm xuống bất kỳ cuốn nào đó đọc lại. Mỗi lần đọc Murakami, tôi cảm thấy như đọc lại chính mình. Tôi cũng biết có một thế hệ nay đã bước vào tuổi trung niên mà thần tượng của họ chính là những tên tuổi lừng lẫy của văn học Nga.
Khi thần tượng một ai đó, người ta thường bị ảnh hưởng không ít thì nhiều. Thần tượng nhà văn thì tìm đọc tác phẩm của họ; thần tượng ca sĩ, diễn viên thì tìm nghe, xem những CD, liveshow của những người đó; thần tượng cầu thủ thì đến sân hay ngồi trước màn hình ti vi mỗi khi cầu thủ đó góp mặt… Nhưng không phải sự ảnh hưởng nào cũng tích cực. Báo chí từng đưa không ít trường hợp chạy theo thần tượng một cách thái quá, thậm chí lố bịch của một bộ phận giới trẻ. Sau những sự việc “quá lố” chạy theo thần tượng gần đây, nhiều người lo ngại giới trẻ đang tôn thờ thần tượng một cách tiêu cực hơn là nhìn vào những đóng góp thiết thực để làm theo. Trong khi đó, hiện tượng tôn thờ thần tượng đang ngày càng phổ biến, kể cả ở các em nhỏ. Vì vậy, việc con cái tôn thờ một thần tượng nào đó cần được cha mẹ lưu tâm, để ý và định hướng nghiêm túc bởi đây là một trong những biểu hiện của đời sống tinh thần, thẩm mỹ của con trẻ.
 MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm