Ách ngoài đàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hắn đến thì con tàu đã rời ga. Khách xuống tàu đã tản hết về mọi ngả. Dưới bóng cây bàng là quán chè cụ Thìn còn đúng một người đàn ông trạc ngoài bảy mươi đang hút thuốc lào. Hắn nhìn quanh một vòng đầy vẻ thất vọng rồi quay đầu xe. Bỗng nhiên, trong suy nghĩ của hắn lóe lên chút hy vọng. Hắn ngoái cổ hỏi: “Về đâu cụ ơi, để con đưa cụ về”. Ông già ngước nhìn hắn, phả khói: “Tôi sang sông, nhà ngay bên kia, ngồi đây cho mát”.

Hắn vội vàng vít ga chạy cật lực ra bến đò. Đò cũng đã quay đầu ra giữa sông. Những khách lên bờ đã bị mấy tay xe ôm thổ công hớt hết. Xe kẹp đôi, xe kẹp ba nhúc nhích. Hắn tiếc. Rồi hắn chửi thầm. Bao nhiêu nông nỗi bực tức cứ dồn vón lại. Hắn phóng xe về nhà. Nhà hắn ở rìa cái chợ xã. Vợ hắn đang ngồi tước những cọng hành bầm dập, úa vàng. Nhìn cái sạp hàng lèo tèo của vợ, mọi tức tối của hắn cũng xẹp xuống. Mấy mớ rau dút héo quắt. Mấy quả chanh khô deo cả vỏ. Ít hành tỏi khô đang nhú mầm. Cà chua, khoai tây, cà rốt, khế chua… chẳng thứ củ quả nào trông đáng để cho vào mồm cả. Chợ chiều nó thế đấy. Trông thấy hắn đứng dạng chân sừng sững ngay cạnh, cô vợ hất hàm trống không: “Không được mống nào hả?”. Hắn thở hắt ra phì phì: “Có mà lại về đây à? Mẹ con nó thế nào rồi?”. Vợ hắn sáng mắt lên: “Ôi, trộm vía, trông thích lắm. Vào mà xem”. Hắn bặm môi. Xem với xét gì. Chó đẻ cũng gọi chồng. Thế nên mới chậm giờ tàu dừng, chậm cả đò ngang. Con thì vào học rồi, trăm khoản đóng góp, chữ nghĩa đắt đỏ, lấy gì ra mà nộp bây giờ. Mỗi buổi chợ, vợ hắn nhặt ra vài chục ngàn đồng, nào có thấm thía gì so với các khoản chi tiêu thời bão giá.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Hắn kinh qua mấy chục nghề, xuống sức thảm hại, giờ trụ lại cái nghề xe ôm. Hồi trai trẻ thì đào ao, đào giếng, đổ bê tông, xây trát. Rồi thì bổ củi, trèo cọ, chặt lá. Rồi thì buôn cá giống, heo con, vịt ngan con. Lúc chớm ba mươi thì đò ngang đò dọc. Rồi thì đóng than, đóng gạch. Rồi thì sơn, quét, vôi ve. Rồi giết mổ gia súc. Rồi dăm tre, mành cọ. Chán chê lại nuôi heo, nuôi gà, đấu thầu đầm thả cá… Cái phố Lận này có bao nhiêu nghề thì hắn ôm vào thân hết thảy. Giờ có bảo lấy giấy bút mà chép ra thì hắn cũng chả nhớ cho hết. Vậy mà nghèo vẫn hoàn nghèo.    

Đang đực mặt ra mà hồi tưởng thì vợ hắn đặt vào tay hắn que kem rồi giục: “Ăn đi cho mát”. Hắn ngồi xuống cái ghế gỗ thọt chân, ngó quanh sau trước. Vợ hắn nhìn chằm chằm, rồi giục: “Ăn đi, lại còn điệu”. Điệu gì đâu. Hắn ngoạm dọc hai miếng, ngang hai miếng thì hết que kem. Hắn hỏi: “Ở đâu thế?”. Vợ hắn cười tươi: “Mua”. Hắn quắc mắt: “Phần con chưa?”. Vợ hắn gật gật: “Rồi, gớm, tuần chay nào chả có nước mắt”. “Thế mẹ mày ăn chưa?”. Vợ hắn gật, cái mặt tươi tỉnh. Hắn vừa quệt miệng và vứt cái que ra nền đường chiều tháng tám còn bỏng rẫy thì thằng Tũn bốn tuổi trong nhà dụi mắt đi ra. Nó lăn vào vòng tay mẹ hờn dỗi, ỷ ôi đòi quà. Mẹ nó phát vào mông nó đen đét: “Kem này, bim này… bán nhà đi mà ăn quà. Ngày nào cũng đòi. Cứ ngủ dậy là đòi. Có con nhà nào hư thế không?”. Thằng bé khóc giãy lên. Vị đường hóa học trong cổ hắn đắng khé. Hắn bế thốc thằng bé lên, đi về phía hàng kem. Móc túi ra, còn mấy chục ngàn đồng, mua luôn cả bịch mười que. Cho ăn thỏa thích.

Từ đó đến tối, vợ hắn cằn nhằn riếc móc nhức cả tai. Rằng thì là hắn chiều con. Rằng thì là tối nay viêm họng hai đứa nó ho, mai lại đổ vào mồm chúng nó bao nhiêu tiền thuốc. Rằng thiên hạ tưởng mình nghèo lại còn hoang, lúc túng bấn vay mượn chẳng ai thương. Hắn điên lắm, bật lại: “Thế sao bỗng dưng lại đi mua kem mà ăn?”. Vợ hắn làu bàu: “Mua đâu mà mua, cái Hường đi bán vịt về mua cho một chiếc, thấy mình nóng nảy, mồ hôi đầm đìa nên đưa cho mà hạ nhiệt”.

Đêm. Chủ đề quen thuộc của mấy đêm nay là tiền: “Thế nhà trường bảo bao nhiêu?”. Tiếng vợ hắn rành rọt, thuộc lòng: “Năm triệu bảy trăm tám mươi lăm ngàn đồng tất cả các khoản đóng góp”. Thật khốn nạn. Mới có sáu cái tuổi đầu và chập chững cái lớp một mà đã đóng góp từng ấy tiền thì biết sống làm sao đây. Hắn nghĩ đủ mọi cách. Vay thì hết chỗ rồi. Sau bão, làm lại mái ba gian nhà này đã vay mượn nhì nhằng, tứ tung. Thêm cái khoản nợ đận ông cụ nằm viện vẫn tồn đến già nửa nữa. Vay đâu bây giờ? Mấy con vịt thì đang đâm lông măng, lại rẻ như cho. Bỗng vợ hắn ngồi nhổm dậy như vừa có sáng kiến gì đó: “Hay là mình cho con Tý học chậm lại một năm. Ở chợ, ai cũng bảo mặt nó non như đứa năm tuổi, lại gầy còm”. Hắn lấy khuỷu tay khẽ thúc vào sườn vợ, quát khẽ: “Rồ à? Đến tuổi thì phải đi học chứ. Trật tự để người ta còn nghĩ”. Vợ hắn nằm im. Chợt hắn hỏi: “Chó đẻ mấy ngày mở mắt nhỉ?”. Vợ hắn bảo: “Bốn con thì mười bốn ngày mới mở mắt. Chả ai mua chó vừa mới mở mắt đâu mà tính. Hay là…”. “Là gì cơ?”. “Mình bán tạm cái xe đi, rẻ cũng được hai triệu đồng. Còn đâu xoay tiếp. Nhà trường cũng chả tát cạn bắt lấy đâu mà sợ. Con Hường hứa may chịu cho con Tý bộ quần áo rồi, Tết mới trả”. Hắn buông người xuống giường. Có nhẽ, dù là tính cua trong lỗ, phương án này khả thi nhất. Vì dạo này, hắn có chầu chực mãi ở ga, cũng chỉ vét được những ông già, bà cả ít tiền thôi. Khách xịn, người ta chọn xe đắt tiền mà đi, chứ con “dim” Tàu cũ tàng của hắn thì làm gì đến lượt. Có dạo, khách ngồi lên xe rồi còn tụt xuống vì xe đạp mãi chả nổ. Có khi, đưa khách đi cả chục cây số, về nhà, khách chả còn tiền, cũng chẳng vay đâu được, hắn đành nhận tạm yến mì khô về cho vịt. Chứ lại về tay không chắc? Chưa kể, ở ga, mấy tháng nay lại nảy nòi ra mấy thằng trên thị trấn dong tắc xi về phục vụ đưa đón khách. Mấy thằng lái xe vừa trẻ, vừa đẹp trai, lại dẻo mồm tán tỉnh. Bao nhiêu em trẻ, đẹp, bao nhiêu chị khá giả, vào tay chúng nó hết. Có bà về tận gò Bồng, mười bốn cây có dư, trả hắn ba chục ngàn đồng, hắn cố nì nèo thì bĩu môi: “Đi nhanh còn kịp, nếu không, để đây đi tắc xi, vừa mát, vừa sạch quần. Xe ôm bây giờ đói thối mồm ra, còn sĩ”. Hôm ấy, trên đường đưa mụ ta về, có lúc hắn cực đoan nghĩ đến việc đâm vào đầu xe tải kia cho rồi đời, đến đâu thì đến. Biết đâu mẹ con nó lại nhận về một cục kha khá mà thanh toán nợ nần và chi trả mấy khoản cấp bách… Rồi hắn cũng thiếp đi được giữa mớ bùng nhùng ngẫm ngợi.  

Sáng dậy, hắn mang xe ra rửa cho sạch sẽ. Lấy tô vít và đồ nghề siết vặn lại mấy con ốc long như răng bà lão. Còn chưa kịp rửa cái tay thì tiếng người ta gọi ơi ới ngoài cửa. Hắn vội chạy ra đường. Ra là cái đám đẻ rơi. Người ta phân công hắn chở sản phụ và trẻ sơ sinh ra bệnh viện. Bà hàng rau ngồi ôm mẹ con chị ta, chốc chốc lại than vãn đường xấu, đường xóc. Đến được bệnh viện là phúc bảy mươi đời cho hắn và cả nhà kia. Hắn dắt xe ngược dốc ba cây số mới đến trạm bơm xăng.

Về nhà, vợ hắn hỏi: “Mẹ con nó thế nào?”. Hắn mỉm cười: “Trộm vía, thằng bé mập mạp và khỏe lắm”. Nụ cười của hắn tắt nhanh khiến vợ hắn hiểu rằng hắn không được trả đồng nào cho chuyến xe ấy. Hắn nhìn chiếc xe như nhìn một chiến hữu thân thiết mưa nắng có nhau đến chục năm trời. Giờ bán đi cũng ngậm ngùi thế nào ấy. Đang nghĩ vẩn vơ thì lại có tiếng gọi xe ôm. Hắn chạy thốc ra đường, lòng khấp khởi mừng. Biết đâu đấy, cuốc cuối cùng này lại vớ bẫm. Mắt hắn tối lại khi thấy thằng Phường điên giãy giụa trong vũng máu. Cách chỗ thằng Phường nằm hai chục mét là chiếc xe tải chở chè đang cố kiết lao đi. Bụi mù trời. Thằng Phường bị mất trí, ở đâu dạt về chợ này sống bằng thức ăn bố thí gần tháng nay rồi. Ngồi sau xe lần này không ai khác, chính là vợ hắn. Vì chả ai chịu ngồi sau cái thằng ăn mày hôi hám, máu me bê bết và đang ngắc ngoải ấy cả.

Vợ chồng hắn bị bác sĩ phòng khám gô cổ vào cái biên bản để đưa lên phòng phẫu thuật vì thằng Phường gãy chân trái và hai cái xương sườn. Hai vợ chồng mặt tái xanh, ấp úng phân bua, trình bày mãi rằng mình chỉ là xe ôm mà bác sĩ cứ khăng khăng không có tiền thì không mổ. Vợ hắn lôi mớ tiền lẻ trong túi, xổ ra đếm, tất tật được khoảng năm trăm ngàn đồng là tiền vốn rau. Bác sĩ gọn lỏn: “Để đấy, đi ra ngoài chờ”. Mấy tiếng đồng hồ trôi đi sốt hết cả gan cả ruột. Chồng đứng, vợ ngồi, thở dài than vắn. Sao bỗng dưng cái ách ngoài đàng nó quàng vào cổ nhà mình thế này chứ. Đúng là chó cắn áo rách. Không đợi được nữa. Hai người mon men đi vào trong, ngó nghiêng các phòng. Cô bác sĩ lúc sáng đi ra, ấn vào tay vợ hắn mớ tiền lẻ, nói như ra lệnh: “Tiền của chị đây, về được rồi”. Vợ hắn rạp đầu cảm ơn bác sĩ. Hắn chả hiểu gì cả. Hay là bác sĩ chê ít? Hay là thằng Phường chết rồi họ mới trả lại tiền? Hắn giật lấy mớ tiền từ đôi bàn tay còn run run của vợ, chạy theo, cố dúi vào tay bác sĩ mà van lạy: “Vợ chồng chúng tôi khó khăn, của ít lòng nhiều, trăm sự nhờ bác sĩ, mong bác sĩ cứu lấy thằng Phường”. Cô bác sĩ chẳng nói gì, đi thẳng vào phòng hậu phẫu. Vợ chồng hắn bám theo. Cái đầu thằng Phường kia rồi. Tóc nó dài trùm tai, lẫn vào đâu được, dù cho toàn thân nó băng bó kín nằm bất động trên giường. Thấy vợ chồng hắn chỉ chỏ, cô bác sĩ quay lại, nói một câu rất đầu cuối: “Chúng tôi đã liên hệ được với người nhà bệnh nhân rồi.  Anh chị về đi”. Hắn mừng rỡ nhìn vợ. Vợ hắn vồ lấy tay hắn kéo ra tận cửa, thì thầm: “Thôi, thế là phúc tổ bảy mươi đời nhà ta rồi. Về. Từ giờ, ai gọi xe ôm, mình cứ để tôi ra thám thính trước đã nhé… Nhưng chiều nay bán xe rồi, còn đâu mà ôm với ấp. Năm triệu bảy trăm tám lăm ngàn đồng cơ mà. Đúng là cái ách ngoài đàng nó quàng vào cổ”. Hắn nghiến vợ: “Đừng ăn nói linh tinh”.

Ngồi sau xe, vợ hắn cứ lẩm bẩm như thầy cúng suốt đoạn đường về nhà. Hết cộng lại trừ xung quanh cái con số năm triệu bảy trăm tám lăm ngàn đồng.

Tống Ngọc Hân

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.