15 tập đoàn, tổng công ty vẫn có trên 90% vốn Nhà nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau quá trình bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), Nhà nước hiện vẫn giữ trên 90% vốn điều lệ tại 15 tập đoàn, tổng công ty lớn.
 

Nhà nước hiện vẫn giữ 94,4% vốn điều lệ tại Petrolimex.
Nhà nước hiện vẫn giữ 94,4% vốn điều lệ tại Petrolimex.


Theo báo cáo về tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước 2011-2015 và 9 tháng 2016 vừa được Chính phủ gửi tới Quốc hôi, 5 năm qua đã có 508 doanh nghiệp cổ phần hoá với tổng giá trị thực tế doanh nghiệp gần 761.000 tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn Nhà nước hơn 188.270 tỷ đồng. Tốc độ cổ phần hoá các “ông lớn” doanh nghiệp được ghi nhận tăng lên nhanh chóng trong 5 năm qua. Đơn cử, năm 2015 có 220 doanh nghiệp cổ phần hoá, gấp hơn 15 lần con số của 4 năm trước.

Tuy nhiên, tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước có vẻ đang chậm lại, khi 9 tháng năm 2016 chỉ có 49 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hoá, với tổng giá trị thực tế doanh nghiệp gần 32.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước là gần 23.000 tỷ.

Cũng theo báo cáo, trong số 557 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hoá từ 2011 đến hết tháng 9-2016, đã có 426 doanh nghiệp bán xong cổ phần lần đầu (IPO), thu về 43.475 tỷ đồng. Số còn lại đang tiến hành các bước để IPO.

Sau IPO, Nhà nước vẫn nắm giữ trên 90% vốn điều lệ tại 15 tập đoàn, tổng công ty lớn. Vốn Nhà nước còn lại tại Tổng công ty Lilama hiện lớn nhất, tới 98%. Kế đến là Tổng Công ty Hàng không Việt Nam với tỷ lệ Nhà nước nắm giữ vốn 95,5%.

Tỷ lệ này tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là 94,99%, Tổng Công ty Thép Việt Nam là 93,6%, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam có 92,5% vốn Nhà nước và tại Tổng công ty Viglacera Nhà nước nắm giữ 93% vốn điều lệ.

Ngoài ra, Nhà nước còn nắm giữ 65% vốn tại 82 doanh nghiệp; giữ 50% vốn tại 96 doanh nghiệp; có 156 doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ và 22 doanh nghiệp cổ phần hóa cùng công ty mẹ.

Giải thích về tỷ lệ vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp hiện còn cao, báo cáo chỉ ra, là do lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa doanh nghiệp.

Mặt khác, số lượng doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi cổ phần hóa còn lớn nên làm giảm mức độ hấp dẫn tham gia của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp và là rào cản của quá trình đổi mới quản trị doanh nghiệp.

Chính phủ cũng ghi nhận, sau cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đều có tốc độ tăng trưởng ấn tượng cả về tài sản, vốn, doanh thu và lợi nhuận…

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhìn nhận cơ chế cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước hiện nay đã bộc lộ một số điểm cần khắc phục và hoàn thiện. Cụ thể, cần tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp 100% vốn thuộc các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn; rà soát lại cơ chế bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược tránh lợi dụng (đặc biệt là hạn chế phương thức bán thỏa thuận)…

Bên cạnh đó, việc thoái vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp đã cổ phần hóa có gắn với quyền sử dụng đất cần phải được điều chỉnh, hoàn thiện để tránh thất thoát vốn Nhà nước.

Theo ndh.vn

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.