Ba đời chồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhà cũ của tôi trước kia có mảnh vườn trồng dăm chục cây cà phê, đi sang bên kia đường là tới. Bố tôi không ham làm vườn, để cỏ lên lởm chởm, ổi dại mọc quanh rào. Cô Lành chết giữa trưa đứng bóng, ấy là sau khi trèo lên hái ổi rồi trượt chân ngã. Cành gãy lưng chừng, chỉ cách gốc cỏ chưa đầy hai mét. Chuyện ấy tôi chỉ nghe mẹ kể lại, mỗi khi nhắc đến người đàn bà cục mịch, hiền lành, gá nghĩa với ông Ba từ Bình Định lên, được hai mụn con là bé Ngọc và thằng cu Ánh. Trời không thương kẻ khó, cô ra đi. Người đàn ông vốn đã có cháu ngoại dưới xuôi, nay ngược lên vùng đất đỏ, lại thành gà trống nuôi con.

*
Trời xui đất khiến, bố tôi bán tám mét đất ở trục đường chính, là của bà nội chia cho, đưa cả vợ con lên sống trong một con hẻm nhỏ, đối diện nhà ông Ba Lành. Xóm hồi ấy còn thưa, chỉ neo đôi nhà, xung quanh nheo nhóc từng bụi mía gầy rạc. Ba chị em tôi ngày nào cũng tựa cửa trông sang sân nhà đối diện. Thân ngày tắm hai dạo, đời nào chị em tôi lại được vục đất với chị em nhà Ngọc. Tôi lại lo học nhiều, ít ra ngoài. Mãi đến khi lớn hẳn lên, chị em hàng xóm mới qua lại đôi câu giao đãi.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Ngọc hai mươi tuổi, giống hệt cô Lành ngày xưa, tay chân cục mịch, đi đứng nói năng lại đặc sệt chất nông dân. Tôi thấy Ngọc khờ khạo, ừ thì cả xóm này chẳng phải mình tôi thấy thế. Học chung với thằng Ánh hết lớp 8 rồi nghỉ hẳn, Ngọc ở nhà chăm... bàn thờ mẹ. Ông Ba đầu hai thứ tóc, chân khập khà khập khiễng, lấy gì nuôi con muộn. Ba cha con lấy miếng đất cô Lành để lại-có trồng nhúm rau, nhúm ớt-làm của ăn dần. Sớm nào đi chợ cũng xách về một túi đậu khuôn chiên sẵn, tiền ấy, bà con ở chợ chẳng lấy bao giờ.

Ngọc đến tuổi hai mươi, ngực mới nẩy mùi con gái. Nhà thường tụ họp vào chiều tối, ấy là cuộc “rượu vào lời ra” của ông Ba và mấy người thợ xây ở mãi Phú Yên, lên làm cho nhà bên cạnh. Nhà ấy đổ đến mê thứ hai là Ngọc chửa hoang, cả xóm đồn ầm lên, đồn chứ không dám nói trước mặt. Nhà ba người những ngày như thế cứ đóng cửa im ỉm. Tôi cũng chẳng dám hỏi han, chỉ thương em thân gái còn khờ dại quá…

Chẳng biết nghe lời ai, Ngọc đùm túm vào ở với các sơ trong Sài Gòn đến hết thai kỳ. Được mẹ tròn con vuông thì về. Nói quả tội, tôi có qua đôi lần, bé gái mà Ngọc đưa trong nôi nom sáng sủa, bụ bẫm vô cùng. Mẹ tôi ôm gọn trên tay, nhoẻn miệng cười:
-  Thằng cha mày! “Canh tập tàng thì ngon, con tập tàng thì khôn”!

*
Bé gái chưa được một tuổi thì người ta thấy Ngọc đi lại với một người đàn ông trạc ba mươi. Riêng hắn thì xóm này chẳng ai lạ gì. Bà Bảy Kiệt nói oang oang:
- Thằng ấy là Tuấn, ở xóm 2 chứ đâu. Nó mới ly dị con vợ xinh lắm. Mà cặp gì với thằng hai con khố rách áo ôm ấy!
Tôi ra đầu ngõ, nháy mẹ vô nhà khi câu chuyện còn xôn xao lắm. Ngày Ngọc đám cưới, tôi không được mời nhưng mừng ra mặt. Đời người con gái dẫu có thế nào cũng nên một lần hạnh phúc. Mẹ tôi vừa quẹt ngang bì thư mừng vào kẽ môi, bập bập cho dính vừa liếc dọc:
- “Vào ba ra bảy, khéo sàng khéo sảy cho đến mùng mười”, để rồi xem!

Tôi im lặng, nhưng buồn mẹ vì câu nói ấy. Ngọc chịu nhiều thiệt thòi, dẫu sao cũng xứng đáng có một gia đình ấm áp. Tôi vẫn tin trên đời này còn tình yêu đích thực. Hay ít nhất cũng là lòng vị tha. Nhưng “gừng càng già càng cay”. Tuấn bỏ đi sau đám cưới với Ngọc một ngày, tiền mừng tất nhiên đã không cánh mà bay. Mẹ tôi mang cơm nguội sang cho gà, ông Ba Lành nói bằng cái giọng tủi hổ:

- Đốn mạt lắm cô Mai ơi, nó nhòm ngó cái vườn nhà này, đòi cắt sổ đỏ từ những ngày mới qua thậm thụt. Mà đất của cha con tui đâu. Má tụi nhỏ để lại được nhiêu đó. Tui giờ đâu chỉ nuôi con…
Dạo ấy, tôi sang chơi nhiều hơn, thỉnh thoảng lại cho bé Trang-con gái Ngọc (đã đi lẫm chẫm)-bịch kẹo. Cô bé có đôi mắt sáng, cười nụ rất hồn nhiên. Còn Ngọc thì bao giờ cũng lặng lẽ…

*
Mẹ tôi đặt mâm cơm xuống chiếc chiếu hoa trải ngoài hè, mùa này nực, dọn trong nhà thì chẳng ai nuốt nổi. Tôi thò tay gắp miếng rau luộc, chưa kịp đưa vào chén thì thả xuống, dỏng tai nghe tiếng xì xào ngoài bụi dâm bụt trước nhà:
- Chị cho em thêm hai triệu đồng nữa đi. Em dắt nó ra đầu đường rồi.
Tôi bật dậy, suýt nữa thì vấp vào chiếu, đổ cả mâm cơm, chạy ra cổng:
- Em bán con hả Ngọc? Hổ dữ cũng không ăn thịt con cơ mà.
Ngọc trơ ra trong cái dáng diệu của người phụ nữ biết mình mang tội, nhìn xuống bụng lúp lúp, nghẹn ứ đi:
- Em chỉ gửi họ hết tháng, khi nào có tiền rồi chuộc lại…
Sao em khờ thế Ngọc ơi! Tôi thấy cổ họng đắng chát, chỉ biết đứng trân ra. Mẹ tôi chạy lại giựt lấy tay con bé nhỏ, đẩy vào trong nhà, nhét cho Ngọc mấy trăm ngàn đồng rồi bảo:
- Mày cầm lấy, đừng có tính đường dại con ạ.
*
Ngày sinh ở bệnh viện, khi máu còn chưa kịp khô đũng quần, Ngọc đã dọn về nhà,    chưa kịp ấp con dù chỉ một lần. Cặp vợ chồng-nghe đâu ở tận Tiên Sơn-gói chục triệu đồng vào khăn rồi nhét cho ông Ba, hí hửng ôm đứa bé trai đỏ lòm lõm đi, từ trên bàn mổ. Ừ thôi người ta hiếm muộn, biết đâu chừng…

Tôi làm gia sư nên thường đi dạy về khuya. Cứ thấy Ngọc lang thang bên lề, tay áp chiếc điện thoại đã cũ vào tai, cười nói tíu tít với ai đó. Người con gái nào chẳng khao khát được yêu thương. Tôi cũng vậy. Chỉ là tôi may mắn hơn em vì tôi có ý thức với những khát khao của mình. Tôi quá bận với những ngày lao mình ra cuộc đời để mưu sinh. Có lẽ lâu dần, tôi thành ra quên Ngọc. Ngày nhớ ra thì em đã làm vợ một người đàn ông nghiện ngập khác ở tận Kon Tum. Tôi nghe thế. Bé Trang ở nhà với ngoại, chiều nào cũng lững thững, cháu trước ông sau. Thằng cu Ánh ra dáng thanh niên rồi, đêm thức trắng ở khu công nghiệp làm đá, ngày chui về nhà ngủ lấy sức đặng còn nuôi cháu, nuôi cha. Mấy hôm trước, ông Ba qua mượn mẹ tôi hai trăm ngàn đồng, nói là lên Kon Tum thăm cháu, đứa cháu ngoại thứ ba. Mẹ tôi thở dài, nếu giờ mà khuyên ông đi đoạn sản cho con thì tàn nhẫn quá. Chồng Ngọc trên ấy, làm thợ “đụng”, ai kêu gì làm nấy, được đồng nào thì chích đồng đó. Mẹ chồng thì nhè Ngọc ra mà chửi suốt ngày. Mãi đến khi bị chính chồng mình cầm rựa rượt cùng đường vì lên cơn thì Ngọc mới ôm mặt chạy về. Hoảng loạn và tột cùng đau đớn. Chưa kịp ôm theo con.

*
Canh chập tối, tôi sang nhà, không phải để hỏi cháu thứ ba là trai hay gái. Tôi nép lưng vào cánh cửa ván lụp xụp, tay nắm chặt đến nhàu cả gói kẹo. Nước mắt rớt xuống kẽ chân. Nghe từ phía trong nhà, bé Trang đang ngon giấc trên võng, mẹ nó cứ ầu ơ:
- “Mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ lót lá mà nằm”.
Trên bàn thờ cô Lành, tấm vải điều còn tươi…

Lữ Hồng

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...