"Anh khách lạ đi lên đi xuống"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tháng 3-1976, tôi vừa từ Hà Nội vào Trại sáng tác văn học quân khu 5 thì gặp và chơi thân ngay với thi sĩ Vũ Hữu Định.

  Phố xá Pleiku ngày xưa. Ảnh: K.N.B
Phố xá Pleiku ngày xưa.

Lúc đó anh Định làm công nhân nhà máy điện Đà Nẵng, còn trước đó, thời chiến tranh, thì anh trốn lính, đi lính, rồi trốn lính và làm… thơ. Mới gặp nhau nhậu vài cuộc, Vũ Hữu Định đã đọc tôi nghe bài thơ “ruột” của anh: “Em Pleiku má đỏ môi hồng”. “Em” ở đây là em gái Pleiku tiêu biểu cho… khí hậu một thành phố. Pleiku có khí hậu tương đương với khí hậu Đà Lạt và tôi nhớ ra liền: mình đã lên Đà Lạt ngay sau giải phóng, và các cô gái ở đó đúng là… má đỏ môi hồng. Tự nhiên thôi, không cần son phấn gì. Trong bài thơ của Định, tôi thích nhất 2 câu:  “Anh khách lạ đi lên đi xuống”“Đi dăm phút đã về chốn cũ”. Lúc ấy tôi chưa biết Pleiku, cũng chưa biết đi dăm phút lại về chốn cũ là thế nào, nhưng qua bài thơ Vũ Hữu Định đã hình dung thành phố này giông giống như Đà Lạt, nơi những con phố nhỏ bé ngoằn ngoèo, hai bên bờ rào đầy những hoa tường vi và mimosa.

Bài thơ của Vũ Hữu Định viết về Pleiku rất nổi tiếng trong thời chiến tranh và đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Vũ Hữu Định là một thi sĩ giang hồ và tôi khoái chơi với anh ở đặc điểm ấy. Bài thơ về Pleiku của Định cũng đậm chất lãng tử giang hồ, nó hay một cách thật hồn nhiên. Có lẽ vì bài thơ ấy mà năm 1977, khi “trại trưởng” Nguyễn Chí Trung phân công các “trại viên” đi thực tế sáng tác, tôi và nhà văn Thái Bá Lợi đã xung phong đi Tây Nguyên, lên Binh đoàn 15 đang khai hoang trồng lúa nước trên Gia Lai-Kon Tum, hồi đó hay gọi là tỉnh “Gia-Kon”.

Chúng tôi đi xe đò lên Pleiku, rất yên tâm vì đã có chỗ tá túc. Đó là ngôi nhà của nhà văn trẻ Trung Trung Đỉnh (mới về Trại sáng tác), theo Đỉnh kể là khá ấm cúng, được Đỉnh nhường cho vợ chồng nhà thơ Lê Nhược Thủy (nổi tiếng từ phong trào tranh đấu của học sinh-sinh viên đô thị miền Nam trước năm 1975) ở, do vợ chồng Thủy không có nhà. Chúng tôi tìm đến nhà Lê Nhược Thủy và nhớ ra ngay bài thơ của nhà thơ Xuân Diệu tặng vợ chồng nhà giáo-nhà thơ này: “Cảm ơn vợ chồng anh giáo Huế/Đãi tôi một bữa Lệ Cần khoai”.

Nhà thơ Xuân Diệu đã lên Pleiku trước chúng tôi và đã có bài thơ tứ tuyệt vừa chân tình vừa… kỳ kỳ đó. “Lệ Cần khoai” là cái gì nhỉ? Chúng tôi thắc mắc hỏi anh Lê Nhược Thủy và được anh vui vẻ giải thích: “Anh Xuân Diệu lên Pleiku nhưng không chịu ở khách sạn mà đến ở với vợ chồng mình. Chúng mình quả tình rất nghèo nhưng cũng chạy vạy mượn tiền làm bữa cơm “coi được” đãi nhà thơ lớn. Trong bữa cơm cũng có nhiều món ngon, nhưng Xuân Diệu đặc biệt thích đĩa khoai lang luộc. Ông ăn và khen khoai ngon quá, hỏi đây là giống khoai gì? Chúng mình mới thưa đây là khoai Lệ Cần, một giống khoai lang đặc sản của Gia Lai, ruột khoai vàng ươm, ăn rất thơm và nhẹ bụng. Anh Xuân Diệu đã một mình ăn hết 2 đĩa khoai luộc và có bài thơ cảm tạ gia chủ. “Lệ Cần khoai” chính là “khoai Lệ Cần”, vậy thôi. Còn “vợ chồng anh giáo Huế” thì do vợ chồng mình đều là người Huế, vào Pleiku dạy học”. Tôi hết sức thú vị với câu chuyện của anh Lê Nhược Thủy, càng thú vị với bài thơ của Xuân Diệu. Hồi đó, có người nói thơ Xuân Diệu dễ dãi, riêng tôi lại nghĩ khác. Xuân Diệu từng có “Nguyệt Cầm” thì không bao giờ là nhà thơ dễ dãi cả. Nhưng ông muốn làm một thứ thơ giản dị như đời sống, thơm ngon mộc mạc như khoai Lệ Cần, rất dễ… ăn và dễ nhớ.

Pleiku lúc đó quả là nhỏ, “đi dăm phút đã về chốn cũ”, cũng là một cách nói, thực ra thì phải đi mười hay mười lăm phút, do các con phố cứ lên lên xuống xuống và kết nối với nhau khá bất ngờ. Chúng tôi đi bộ một lúc tự nhiên lại quay về khu trung tâm, tôi nhớ ở đó có quán cà phê Diệp Kính. Pleiku bé, nhưng là bé xinh. Phố hẹp, nhà thấp, nhiều con dốc, nhưng khí hậu thì cực kỳ dễ chịu. Tôi còn nhớ những cây thông cổ thụ rất đẹp trên nhiều con phố, còn người dân ở đây thân thiện và thật thà. Buổi sáng se lạnh mà ngồi uống cà phê ở Diệp Kính thì hết ý. Dù tôi lớn lên ở Hà Nội, đã quen với cái rét miền Bắc, nhưng cái se lạnh của miền cao nguyên dường như có một phong vị khác, nó không sắt lại vì gió bấc, mà mơn man trên da thịt khiến ta chợt khẽ rùng mình dễ chịu. Phải ở Pleiku mới thấm hết bài thơ của Vũ Hữu Định và mới biết thế nào là “anh khách lạ đi lên đi xuống”. Có một cái gì hơi vu vơ, hơi lãng đãng ở đây, nhất là khi chúng tôi được nghe chị Huệ-vợ của anh Thủy cao đàm khoát luận về triết học hiện sinh (chị vốn là cử nhân triết ở Đại học Văn khoa Sài Gòn). Khác với Buôn Ma Thuột, Pleiku có vẻ gì đó của một “thành phố triết học”.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...