Hư danh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ban đầu gã học nghề may là để kiếm tiền, như bao con người cần phải học để kiếm tiền, rồi bắt đầu gã làm việc, nhưng gã đoảng lại vụng, gã cứ thích đưa cái số đo chuẩn mà mình cho là đúng vào, khiến khách béo lại phải mặc quá chật mà khách gầy thì lại quá rộng, cuối cùng gã phải đền vải. Gã nhận thấy, cứ đền vải suốt không phải là cách, thế thì vốn đâu nữa mà làm ăn, thế là phải dùng đến ba tấc lưỡi:
 

 Minh họa: Văn Phê
Minh họa: Văn Phê

- Này chị, chị gầy, em nghĩ cứ phong cách này khiến chị sang hơn, nên em mạo muội may rộng ra một tí, phá cách một tí… Những kiểu may này, đảm bảo đẹp mà không đụng hàng bất cứ một ai đâu nhé!

Vài khách thấy cũng có lý, ô, thằng này nó sáng tạo. Cứ cách đấy gã thoải mái làm hư đồ của khách, cứ việc chắp bên này, vá bên kia, thế là thành thứ của riêng gã, gã gọi nó là tác phẩm.

Những “tác phẩm” đó mang dấu ấn riêng của tiệm gã, người ta tôn gã thành nhà thiết kế, ừ, nhà thiết kế thời trang hẳn hoi nhé. Chuyện tôn sùng không có chuẩn nào cả, gã sung sướng khi nhận lấy danh hiệu đó. Ừ, có gì mà ngượng, đứa làm được dăm bài thơ, cũng được gọi là nhà thơ, đứa chưa in nổi một cuốn sách, cũng được gọi là nhà văn, đứa viết dăm bản nhạc, mà có khi đạo nhạc, cũng được gọi là nhạc sĩ. Thứ không cần bằng cấp, không cần chuẩn mực, thì người ta nói sao nghe cũng sướng. Mà, có bằng cấp cũng chẳng là cái quái gì hết, gã có tài, ắt gã phải được công nhận, đời công bằng với gã, vậy là được rồi.

Từ dạo trở thành nhà thiết kế thời trang, gã không nhận may những bộ quần áo tầm thường nữa, những cô Bảy cô Tám mang vải đến để may áo dài hay bà ba gã từ chối hết. Gã phải may những bộ trang phục có thể đưa gã lên một tầm cao của danh vọng, người ta phải gọi gã là nhà thiết kế đại tài, người sáng chói nhất trong những người sáng chói.

Nhờ những bộ trang phục mang phong cách không giống ai đó, tiệm gã bớt dần những quý bà quý cô mô phạm, nhưng các em chân dài chân ngắn trẻ xinh đẹp thì cứ một anh, hai anh nghe ngọt xớt. Thế rồi, gã cũng phải lòng một cô.

Gã tuyển cô vô làm người mẫu cho gã, nhà thiết kế làm việc với ma-nơ-canh là lạc hậu rồi, phải làm trên người thật mới sống động. Mỗi ngày cô thay ra thay vô bao nhiêu bộ quần áo, cô quấn trên người bao nhiêu lớp vải. Gã đo đo, cắt cắt, vẽ vẽ… Đôi khi vì hăng say, gã đâm kim vào người yêu mà gã cũng không biết. Gã ra một quy định, giờ gã làm việc, người mẫu là người mẫu, không lẫn lộn tình cảm và công việc. Nhưng gã quên mất một việc, người mẫu là người thật, chứ không phải là ma-nơ-canh, nên người mẫu cũng biết đau, mà giờ làm việc, đau cũng không được lên tiếng. Cô người mẫu vì yêu gã, vì tin vào việc ngày mai gã sẽ giàu, sẽ nổi tiếng mà chịu đựng gã. Cũng vì mỗi buổi sau khi xong việc, thì gã trở về với bản năng vốn có của một gã đàn ông bình thường.

Thời gian trôi, gã dần như cạn kiệt ý tưởng, kiểu chắp bên này, vá bên kia hoài thì nó cũng phải lặp lại. Vậy là gã đi học, gã cắp cặp đi học chỗ này chỗ kia, gã lên mạng xem những chương trình thời trang của nước ngoài, gã thần tượng những tên tuổi Ralph Lauren, Calvin Klein, hay Michael Kors, họ là những tỷ phú đấy, họ cũng bắt đầu như gã thôi. Vậy là tim gã lại đầy lửa, giục giã sáng tạo.

*

Gã tìm thấy một cuộc thi trên truyền hình, gã miệt mài vẽ tác phẩm dự thi. Lọt vào đến vòng cuối cùng cơ đấy, Ban giám khảo đều khen ngợi gã có tố chất, tuy vẫn còn bảo gã sửa chỗ này chỗ kia cho phù hợp.

Trên bản vẽ đã xong, vòng thi cuối cùng gã cần phải may thành sản phẩm. Ban tổ chức gợi ý cho gã một vài nhà may nổi tiếng, họ đề nghị với gã một số tiền vượt lên trên sự tưởng tượng của gã, số tiền mà nếu gã có đoạt giải cao nhất, cũng chỉ là vừa đủ để bù vào chi phí đó. Gã nhếch môi lắc đầu “Tôi biết may, tôi tự may lấy!”. Ban giám khảo và Ban tổ chức từ đó không còn khen gã có tố chất của nhà thiết kế nữa, cứ từng sản phẩm trong bộ sưu tập của gã hoàn thành thì nhận được những cái lắc đầu âu lo từ họ, rằng đường may vụng, rằng xẻ tà chưa sắc sảo… Gã bắt đầu thấy nản, nhưng gã cần mọi người công nhận tài năng của gã, nên phải cố gắng để hoàn thành. Khi bộ sưu tập xong thì cũng đã đến ngày thi chung kết. Những bộ trang phục được những người mẫu mà gã chọn mặc lên sân khấu, gã miệt mài tập cho họ. Cô người mẫu riêng của gã dạo này kém vui, không giữ được nét mặt ma- nơ-canh khi làm việc nữa, cô bắt đầu cáu bẳn, bắt đầu đỏm dáng. Hình như lâu lắm, đêm về, gã không còn lên giường với cô vì quá bận rộn.

*

Đêm thi diễn ra đúng như những gì gã nghĩ, khán giả vỗ tay tung hô, nhiếp ảnh gia chụp hình chớp nháy lòa cả mắt. Giám khảo gật gù rồi chép miệng “giá như… (thế này thế kia) thì bộ sưu tập của em đã hoàn hảo đến mức khó tin, rất tiếc…”. Gã hiểu chứ, vì gã không tốn vài chục triệu đồng cho mấy gã thợ may dở hơi cám hấp nào đó mà họ giới thiệu, nên tất nhiên sản phẩm của gã phải giảm đi một phần giá trị.

Gã được giải ba, không sao, có giải là gã vui rồi, đứng lên bục vinh quang là gã vui rồi. Tiền thưởng cũng không bù được vào số tiền gã đã mua vải và công đã bỏ ra, nhưng gã không hối hận, đó là năng lực thật sự của gã đấy.

Đêm ấy, ôm giải thưởng về nhà, gã dự định sẽ tặng bó hoa ấy cho người tình của gã, dự định dùng tiền đấy đãi người tình một đêm lãng mạn với rượu và nến, với tất cả những ngọt ngào mà gã có thể làm cho cô. Để bù cho những ngày tháng vất vả mà cô đã làm việc cùng gã, bù cho những bất công mà cô phải chịu đựng vì gã.

Nhưng mệt quá, gã ngã vật ra rồi ngủ quên.

Tỉnh lại, hoa, cúp danh dự còn trên bàn. Người tình của gã biến mất cùng phong bao tiền thưởng. Gã tìm quanh từ nhà ra tiệm, gọi hết các số điện thoại có thể, cô người mẫu biến mất như cô chưa hề tồn tại. Gã chặc lưỡi, thôi, coi như tiền lương của cô ấy. Giải thưởng vẫn là của gã, gã cần danh tiếng, đâu phải tiền. Mỗi người, có nhu cầu khác nhau mà!

Gã lên mạng, xem thử những hình ảnh đăng quang đêm qua trông thế nào, gã có nổi trội không, có xứng tầm là nhà thiết kế đại tài không. Cái gã không thể tin vào mắt mình, hình ảnh đăng quang thì khiêm tốn, nhưng hình ảnh của gã cùng bộ sưu tập với lời bình “người đoạt giải cuộc thi XYZ đã ăn cắp ý tưởng từ các bộ sưu tập nước ngoài…” thì đầy rẫy.

Láo! Một lũ láo! Gã cần bằng chứng!

Gã lại lăn con chuột máy tính để dò. Có hẳn bằng chứng cho gã. Cứ mỗi hình ảnh sản phẩm của gã thì bên cạnh có một sản phẩm tương tự với thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, nếu có khác biệt, chỉ là khác biệt về màu sắc hoặc vị trí những thành phần phụ đính kèm như nơ, nút…

Facebook người ta share nhau những cái link đó kèm theo những bình luận và miệt thị kinh tởm. Gã bĩu môi, đám đông ngu ngốc, làm sao hiểu được sự lao lộng vất vả của mình. Chuyện cái nơ lệch sang bên phải cũng là của riêng gã rồi, rõ ràng gã thấy nó còn đẹp hơn cả bản so sánh với một nhà thiết kế nào đó.

Gã mở tiệm trở lại, các cô gái chân ngắn chân dài õng ẹo đã đứng trước cửa tiệm, họ hùng hổ xông vào để lấy lại vải đã đặt may.

- Tui cứ tưởng được mặc đồ không đụng hàng, ai ngờ... Không thèm mặc bản sao, không thèm mặc đồ ăn cắp!

Các cô õng ẹo đi ra, bỏ lại cái tiệm trống huơ trống hoác. Thế giới quả là độc ác, còn người quả là tàn nhẫn. Sau một đêm, những tưởng gã bước được một chân lên đài danh vọng thì gã lại trở thành tội đồ của cả nhân loại. Facebook của gã người ta ném vào bao nhiêu lời xú uế không tiếc thương, cửa tiệm của gã vắng ngắt không một bóng người. Bây giờ, những bà Tám bà Bảy cũng không còn liếc nhìn vào tiệm gã một cái cho đỡ buồn.

*

Gã bắt đầu thấy mệt mỏi, thấy túng thiếu. Bao nhiêu tiền bạc đổ hết vào cuộc thi rồi, cả cái giải thưởng là thứ vớt vát cuối cùng cũng bị người tình cuỗm đi ngay trong đêm. Gã đút tay trong túi quần rồi đi lang thang, chỉ mong là mình nghĩ ra được cái gì đó hay ho, để thay đổi được hoàn cảnh bi đát hiện tại của gã.

Gã vẫn tin ở đâu đó, có một cái thế giới dành riêng cho những người đam mê sáng tạo như gã, những người cảm thông và tung hô gã như gã mong muốn. Thế là gã nghĩ, hay mình từ bỏ cái thế giới người này đi, người chẳng ra người, ngợm không ra ngợm, khó sống quá. Cái ý tưởng nó thế, cái đầu gã nó gật ngay, đúng rồi, thế giới này có quái gì mà sống, đi tìm cái thế giới của mình ấy.

Mà cái thế giới ấy ở đâu nhỉ? Gã không biết, ừ, thì đi, nhưng ít nhất nó cũng có nơi để xuất phát, ít nhất nó là một bến xe, một nhà ga hay một sân bay chứ. Mà thôi, gã cũng chẳng cần nữa, tiền đâu còn mà gã tìm đến những nơi đó, gã tự đi trên đôi chân của mình vậy, nói nôm na không văn vẻ, là giờ gã phải đi bộ, thế thôi.

Vẫn hai tay trong túi quần cho đỡ lạnh, gã bước dần về phía sương mù, nơi người tình của gã đang tươi cười, cô xòe xấp tiền ra đếm trước mắt gã, lấy tiền vẫy vẫy ra hiệu gã. Đằng sau người tình của gã là cả Ban giám khảo cuộc thi nọ, họ cũng cầm những xấp tiền và những chùm đèn sáng lóa làm hào quang, bên cạnh là những gã thợ may lấy tiền nhét vào túi họ, mỗi lúc một căng đầy. Đầu gã ong ong, đau nhức, hình như đó là tiếng chửi rủa khi gã bị vứt ra bên lề của cuộc chơi, như một cầu thủ bị thẻ đỏ bị đuổi ra khỏi sân bóng. Những tờ tiền mới cứng, đủ màu bay ngập ngụa trước mặt gã, quyến rũ, bên trong là những tràng cười.

Nhưng rồi gã sực tỉnh. Gã đâu cần tiền, gã cũng chẳng cần cái danh vọng hão huyền sẵn sàng đè bẹp gã bất cứ lúc nào. Gã quay lưng, trở về phía mà mình vừa từ đó ra đi. Gã tin, ở đó có cái thế giới mà gã muốn nhìn thấy.

 Triều An

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...