Hiệu quả từ mô hình liên kết hộ ở Đak Đoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước thực trạng các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sang nhượng, cho thuê đất trái quy định dẫn đến thiếu đất sản xuất, Huyện ủy Đak Đoa đã ban hành Nghị quyết số 04 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ trong việc ngăn chặn chuyển nhượng và cho thuê đất sản xuất trái pháp luật trên địa bàn huyện”. Sau một năm triển khai thực hiện nghị quyết này bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, nhiều mô hình liên kết sản xuất hình thành.

Giảm tình trạng sang nhượng, cho thuê đất trái pháp luật

Theo thống kê của huyện Đak Đoa, đến cuối năm 2015, tại 14 xã, thị trấn của huyện có 655 hộ chuyển nhượng đất sản xuất với tổng diện tích 404,5 ha; 772 hộ cho thuê đất sản xuất với tổng diện tích 422 ha. Trong đó, 241 thửa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 1.183 thửa chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được người dân chuyển nhượng, cho thuê nhưng không có xác nhận của chính quyền địa phương. Việc chuyển nhượng, cho thuê đất sản xuất của người dân chủ yếu là giấy viết tay và do già làng, trưởng thôn ký xác nhận, với thời gian cho thuê từ 10 năm đến 30 năm, từ đó dẫn đến tình trạng mất đất, thiếu đất để canh tác, tranh chấp đất đai…

 
Nhờ liên kết hộ nên mô hình trồng tiêu và chanh dây của anh Đinh Kinh cho thu nhập cao.      Ảnh: V.H
Nhờ liên kết hộ nên mô hình trồng tiêu và chanh dây của anh Đinh Kinh cho thu nhập cao. Ảnh: V.H

Trước thực trạng đó, Huyện ủy Đak Đoa đã ban hành Nghị quyết 04 nhằm chấn chỉnh tình trạng này. Sau khi nghị quyết được ban hành, Đảng ủy các xã, thị trấn, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tập trung tuyên truyền, vận động, cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn thực hiện. Cùng với đó, các xã, thị trấn phối hợp với Mặt trận, đoàn thể chính trị và các thôn, làng vận động nhân dân không chuyển nhượng, cho thuê đất sản xuất trái phép. Trong đó, chú trọng tuyên truyền cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số giữ đất sản xuất để phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Đồng thời, các cơ quan chức năng của huyện, các xã, thị trấn cũng xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức các mô hình giúp nhân dân sản xuất, ổn định đời sống.

Bằng những giải pháp cụ thể, đến nay, tình trạng cho thuê, sang nhượng đất trái phép trên địa bàn huyện đã giảm. Trong năm 2016, trên địa bàn huyện chỉ còn 64 hộ chuyển nhượng đất sản xuất với diện tích 36,2 ha; 57 hộ cho thuê đất sản xuất với diện tích 21,1 ha. Ông Đặng Quang Hà-Chủ tịch UBND xã Hnol, cho biết: “Năm 2015, người dân trên địa bàn xã đã bán gần 30 ha đất, trong đó 13 hộ mua, bán đất bất hợp pháp với diện tích hơn 5 ha và 8 hộ cho thuê đất thời hạn 10-20 năm với diện tích gần 7 ha. Thế nhưng, khi triển khai Nghị quyết 04, tình trạng này đã giảm. Cụ thể, năm 2016, người dân mua bán 6,8 ha, giảm 76% so với năm 2015, diện tích đất chuyển nhượng trái phép cũng giảm 56% so với năm trước”.

Những mô hình liên kết hiệu quả

Khi người nông dân mạnh dạn giữ đất để có tư liệu sản xuất thì các mô hình liên kết sản xuất giữa hộ người Kinh có vốn, có kinh nghiệm nhưng thiếu đất sản xuất với hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đất nhưng thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất đã hình thành. Theo đó, người có vốn đầu tư mua giống, phân bón và các vật tư khác để cùng người góp đất trồng, chăm sóc và thu hoạch rồi ăn chia theo tỷ lệ đã được thỏa thuận. Đến nay, trên địa bàn huyện có 28 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia liên kết sản xuất với hộ người Kinh, tổng diện tích là 13,1 ha.

 Dẫn chúng tôi ra thăm vườn hồ tiêu của mình, anh Đinh Kinh (làng Hlang, xã Hnol) cho biết: “Mình có 5 sào đất rẫy, nhiều năm trồng cây không hiệu quả. Năm vừa rồi, chính quyền địa phương vận động nên mình cùng anh Nguyễn Cảnh Lịch ở thị trấn Đak Đoa liên kết để sản xuất. Mình bỏ đất, anh Lịch bỏ tiền mua giống, phân bón, trụ để cùng nhau trồng hồ tiêu. Khi cây hồ tiêu chưa lớn thì hai bên bàn bạc và trồng chanh dây, mỗi tuần cũng thu về hơn 2 triệu đồng tiền chanh, cuối vụ sẽ chia đều lợi nhuận”.

Liên kết sản xuất không chỉ phát huy hiệu quả nguồn vốn dôi dư trong dân, sử dụng hiệu quả quỹ đất mà còn góp phần giải quyết việc làm, giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo. Là người có hoàn cảnh khó khăn, bản thân lại bị mù nên nhiều năm nay ông En (làng Dung Rơ, xã Đak Krong) chỉ trồng ít bắp và mì trên hơn 3 sào đất của mình. Thu nhập thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, chính vì thế, khi có chủ trương liên kết để sản xuất, ông đã đồng ý cùng anh Đặng Văn Danh đầu tư trồng hồ tiêu. Ông cho biết: Nhờ cách liên kết này mà rẫy mình được cải tạo để trồng hồ tiêu, giờ đây hồ tiêu phát triển rất tốt, hy vọng ít năm nữa sẽ có thu nhập ổn định.

Từ năm 2013, ông Bak (làng Weh, xã Hà Bầu) đã cùng gia đình anh Nguyễn Văn Hà (thôn 5, xã Nam Yang) liên kết sản xuất. Năm nay là năm đầu tiên 2 gia đình thu hoạch tiêu. Chỉ tay về vườn hồ tiêu xanh tốt, ông Bak chia sẻ: “Vụ hồ tiêu này, 2 gia đình thu được hơn 200 triệu đồng. Qua quá trình sản xuất cùng nhau, mình đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm trồng hồ tiêu. Bây giờ gia đình mình đang chuẩn bị trồng thêm 6 sào hồ tiêu. Do biết cách chăm sóc hồ tiêu nên mình không liên kết nữa”.

Từ mô hình liên kết sản xuất, nhiều hộ người dân tộc thiểu số đã từng bước tiếp cận cách sản xuất hiện đại, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Từ đó, họ mạnh dạn đầu tư sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác ở các địa phương.

Vĩnh Hoàng

Ông Y Đức Thành-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đak Đoa: Bước đầu mô hình liên kết sản xuất đã mang lại hiệu quả thiết thực, hạn chế việc sang nhượng đất trái phép trong đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con có tư liệu sản xuất. Liên kết hộ còn giúp giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới, Huyện ủy Đak Đoa sẽ chỉ đạo các địa phương nhân rộng các mô hình liên kết hộ, đồng thời tìm giải pháp phù hợp để hỗ trợ nông dân trong sản xuất.         

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.