Phượt an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, phượt đã trở thành một trong những sở thích không chỉ dành riêng cho các bạn trẻ. Những chuyến đi phượt giúp người ta có nhiều trải nghiệm và cách xử lý các tình huống trên đường. Nhưng việc trải qua các cung đường phượt cũng là một trong những khó khăn và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra cho các phượt thủ. Điều này cho thấy nhiều phượt thủ quá chủ quan và không chuẩn bị kỹ càng cho hành trình của mình.

Vì sao phượt được nhiều người yêu thích, nhất là các bạn trẻ? “Được ngồi trên xe của mình đi ngao du bất cứ nơi đâu, dừng bất cứ lúc nào cũng như ở lại điểm nào đó bao lâu hoàn toàn do mình quyết định. Phượt là loại hình du lịch tự túc rất tiết kiệm. Nhưng phượt giúp mình tìm hiểu sâu hơn về mỗi bản sắc văn hóa, cùng người dân ở địa phương mình đến, đồng thời được trải nghiệm những hoạt động mình chưa từng làm bao giờ”-Nguyễn Thị Thúy Loan-phượt thủ, thành viên nhóm Vespa Gia Lai, chủ quán cà phê PHƯỢT (29 Lê Hồng Phong, TP. Pleiku) cho biết. Đó cũng là lý do chủ yếu để nhóm Vespa hay nhóm moto phân khối lớn tại Gia Lai thực hiện những chuyến phượt liên tỉnh (có thể kèm theo một số hoạt động khác như làm từ thiện hoặc tham gia vào các lễ hội có liên quan tới Vespa hay moto phân khối lớn).

 

Một chuyến đi phượt của nhóm Vespa Gia Lai. Ảnh: H.D
Một chuyến đi phượt của nhóm Vespa Gia Lai. Ảnh: H.D

Tuy nhiên, thực tế, không ít bạn lựa chọn phượt như một cách chứng tỏ bản thân trước những cung đường khó, chạy xe với tốc độ nhanh để thể hiện mà chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa tìm hiểu trước cung đường sẽ qua. Do vậy, nhiều tai nạn thảm khốc đã xảy ra, thậm chí với cả những phượt thủ “lão làng”. Hẳn nhiều người còn nhớ vụ tai nạn đối với nhóm bạn trẻ chạy xe máy trên đường cao tốc theo hướng Lào Cai-Hà Nội vào khoảng 5 giờ sáng một ngày tháng 12-2015 tại địa phận tỉnh Phú Thọ. Một trong 3 chiếc xe máy đã đâm vào lan can bảo vệ đường khiến nam thanh niên cầm lái tử vong ngay tại chỗ, cô gái ngồi phía sau bị thương nặng. Đến trung tuần tháng 3-2016, đoàn phượt gồm 4 chiếc xe phân khối lớn đang chạy từ Phong Nha về Đồng Hới, khi đi qua đường Trường Sơn, cầu Dũng Cảm đoạn Km 976+375 thì một thành viên cầm lái chiếc BMW R1200GS đã tông vào dải ta-luy. Va chạm cực lớn khiến cho nam thanh niên cầm lái tử vong tại chỗ, cô gái ngồi sau bị chấn thương sọ não và đốt sống cổ, vỡ xương trán, hôn mê sâu. Hay mới đây, một phượt thủ khá nổi tiếng trong giới phượt là Chu Trung Kiên (25 tuổi, quê Phú Sơn, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội), mặc dù dày dạn kinh nghiệm phượt cũng đã tử nạn trong chuyến đi của mình...

Rõ ràng, vấn đề an toàn khi phượt đã không được nhiều phượt thủ coi trọng. Và chuyện xảy ra tai nạn chỉ là vấn đề sớm muộn. Anh Huỳnh Trọng Hiếu-một phượt thủ lâu năm, chủ cà phê Hội quán Moto (11 Lê Hồng Phong, TP. Pleiku) nói: “Vấn đề an toàn cho mỗi chuyến phượt đối với chúng tôi luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi loại xe chúng tôi sử dụng là xe phân khối lớn, có tốc độ cao, sơ sẩy một chút là phải trả giá bằng cả tính mạng. Thường thì cứ 2.000 km, xe phải được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ. Nhưng chúng tôi coi xe như là một người bạn nên phải chăm sóc thường xuyên. Đã chơi moto phân khối lớn và thường xuyên đi phượt thì bất cứ phượt thủ nào cũng phải biết xử lý các vấn đề thông thường của xe như két nước, nhông sên, lốp, săm... để có thể tự xử lý khi xe gặp sự cố trên đường đi. Tất nhiên mỗi khi phượt xa, chúng tôi đều có thợ chuyên sửa đi theo”. Và theo anh Hiếu, không phải cứ có xe là đi mà cần phải có những kiến thức nhất định về xe, về tốc độ, cách vào cua và cách xử lý tình huống, chưa kể mỗi phượt thủ phải trang bị cho mình rất nhiều đồ bảo hộ như mũ bảo hiểm loại chuyên dành cho xe phân khối lớn, áo chuyên dụng, găng tay, giáp khuỷu tay, giáp đầu gối...

Còn đối với Vespa, mặc dù phượt bằng Vespa có tốc độ không cao, nếu ở ngoại thành thì tốc độ trung bình chỉ từ 60 đến 65 km/giờ, nhưng “điều đó không có nghĩa là không có nguy hiểm và chúng tôi chưa bao giờ chủ quan vấn đề an toàn. Mỗi chuyến đi trung bình có từ 5 đến 10 xe, nếu đi xa thì số lượng xe ít hơn. Trên đường đi, phải đảm bảo khoảng cách an toàn. Khi di chuyển, các thành viên cũng thường xuyên nhìn gương chiếu hậu để đảm bảo đồng đội vẫn đi an toàn phía sau”-phượt thủ Thúy Loan cho biết. Vespa là dòng xe khó sửa, do đó, trong mỗi chuyến đi, bao giờ đoàn cũng có thêm một “bác sĩ” chuyên trị Vespa để nhanh chóng xử lý khi có xe nào gặp trục trặc. Tốc độ vừa phải là vậy, chuẩn bị cẩn thận là vậy, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những sự cố không mong muốn xảy ra. Loan kể, trong chuyến đi Tây Bắc, khi xuống đèo Mã Pí Lèng, một thành viên trong đội đã bóp nhầm côn tay lúc qua vòng cua khiến xe lao nhanh, may bên đường có cây bụi mọc dày đặc cản lại nên không bị lao xuống vực. Những lúc như vậy, phượt thủ cần phải hết sức bình tĩnh để xử lý.

Sự thú vị khi phượt không ai có thể phủ nhận. Song để có chuyến đi an toàn và suôn sẻ, theo các phượt thủ có kinh nghiệm, mỗi thành viên cần phải chú ý trong công tác chuẩn bị, đầu tiên là lên lịch trình cụ thể, chuẩn bị những vật dụng cần thiết, đảm bảo tốc độ và khoảng cách an toàn, sử dụng phanh xe đúng cách, tuân thủ hiệu lệnh của trưởng đoàn và giữ chặt đội hình di chuyển.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.