Trò chuyện với người dũng cảm cứu 5 em nhỏ trong lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc cho dòng suối Ia Mlah đục ngầu cuộn chảy, khi nghe thấy tiếng kêu cứu của các em nhỏ, Nguyễn Văn Kiên đã dũng cảm lao mình theo con nước dữ, giành giật với tử thần để cứu sống được 5 em học sinh.

Buổi chiều định mệnh

Chỉ mới 25 tuổi nhưng Nguyễn Văn Kiên (tổ 12, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) đã bị bệnh viêm đa khớp nhiều năm nay. Một bên đầu gối trái của Kiên đã trải qua vài lần phẫu thuật nhưng vẫn chưa lành lặn nên phải đi cà nhắc. Dáng người nhỏ thó, gầy còm, chỉ cao 1,55 m, lại hay đau ốm nên gần như Kiên không thể làm được việc nặng nhọc. Hàng ngày, Kiên chỉ quanh quẩn ở nhà cùng ông bà ngoại đã hơn 80 tuổi và phụ giúp ông bà những việc vặt trong nhà.

 

Anh Nguyễn Văn Kiên chỉ về đoạn suối Ia Mlah, nơi anh đã dũng cảm lao mình theo dòng lũ để cứu sống 5 học sinh lớp 7.                                  Ảnh: Đ.P
Anh Nguyễn Văn Kiên chỉ về đoạn suối Ia Mlah, nơi anh đã dũng cảm lao mình theo dòng lũ để cứu sống 5 học sinh lớp 7. Ảnh: Đ.P

Kiên có thói quen đi dạo tha thẩn xuống phía bờ suối Ia Mlah, cách nhà chừng 300 m. Khoảng 15 giờ ngày 10-11, khi anh đang thả bộ theo đường mòn xuống phía bờ suối thì nghe tiếng các em nhỏ kêu cứu. Đoán là có chuyện chẳng lành vì khúc suối này cứ vài năm lại có người chết đuối, Kiên vội lê bước thật nhanh. Nhìn xuống lòng suối, anh hoảng hốt khi thấy có nhiều cánh tay trẻ nhỏ đang chới với giữa dòng nước lũ.  

Không ngần ngại, Kiên vội lao mình về phía các em nhỏ đang chìm dần. Dòng nước lũ do hồ thủy lợi Ia Mlah xả lũ mấy ngày qua vẫn còn cuộn chảy rất mạnh. Kiên bơi lựa thế lần lượt dìu được 2 em nhỏ vào bờ. Khi bơi trở ra thì các em nhỏ khác đã bị dòng nước đưa ra xa hàng chục mét. Kiên gắng sức bơi ra dìu thêm được 3 em nhỏ nữa vào bờ. Lúc này một số người dân đã có mặt, hô hấp nhân tạo cấp cứu các em. Khi cậu bé thứ 5 được dìu vào bờ, nhìn thấy vẫn còn 1 em nhỏ nữa bị nước cuốn ra xa, chỏm tóc đen chìm dần, Kiên cố gắng hết sức bơi theo nhưng dòng nước lũ lạnh buốt khiến một bên chân bị tật của anh tê dại không còn cảm giác. Sức đuối dần, anh buộc phải bám lấy bụi cỏ ven bờ rồi được người dân kéo lên.

“Mình biết vẫn còn một học sinh bị nước lũ cuốn đi nhưng không tài nào cứu được. Thật tội nghiệp, khi 1 giờ sau mọi người tìm thấy xác em ở gần cầu Ia Mlah chỉ cách đó hơn 1 km. Thật tiếc là mình đã kiệt sức, không cứu được em”-Kiên rưng rưng nước mắt, kể lại sự việc. Em học sinh không may ấy là Nguyễn Tường Nghiêm, lớp 7A5 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc).

Tấm lòng hào hiệp

Tôi cùng Kiên ra bờ suối Ia Mlah nơi hơn chục ngày trước anh đã liều mình lao vào dòng lũ để cứu sống được 5 học sinh lớp 7 đang bị dòng nước nhấn chìm. Lũ đã rút, bãi cát như thoải dài ra. 2 bên bờ, nhiều cụm rác bị nước lũ cuốn theo còn vướng lại trên ngọn cây bụi cao lút đầu người. Mặt nước lòng suối chỉ còn rộng chừng 30 m trồi lên vô số tảng đá to. Kiên cho hay, lòng suối đoạn này nhiều đá tảng nên cứ vài ba năm lại có người bị nước lũ cuốn va vào đá nhấn chìm. “Khi em Nghiêm bị nước cuốn trôi, nhiều người đã chạy xuôi dòng dọc theo bờ suối để tìm tung tích nhưng không thấy bóng dáng em đâu”-Kiên buồn bã nói.

Những ngày sau đó, gia đình của 5 em nhỏ may mắn được anh Kiên giành lại cuộc sống trước miệng hà bá đã lần lượt dẫn các em đến nhà để tạ ơn ân nhân của mình. Thấy hoàn cảnh gia đình anh Kiên thuộc diện hộ nghèo, có người đã ngỏ ý tặng anh một số tiền lớn để giúp đỡ, nhưng anh một mực chối từ. “Mình cứu các em không phải để mong được trả ơn. Vì thế mình chỉ giữ lại mấy giỏ trái cây của các em”-anh bày tỏ.

Trò chuyện về hành động dũng cảm của Nguyễn Văn Kiên, bà Phạm Thị Mít-Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ 12, thị trấn Phú Túc cho biết: “Kiên là người hiền lành, lại tàn tật mà làm được việc phi thường. Hôm trước, tôi có đưa lãnh đạo thị trấn đến nhà em tặng giấy khen; Huyện Đoàn cũng đang làm thủ tục đề nghị Trung ương Đoàn khen thưởng cho Kiên”.

Quên mình làm việc nghĩa cứu người, anh Nguyễn Văn Kiên coi đó là việc nên làm. Khi tôi hỏi anh còn nhớ tên của 5 em nhỏ mà mình cứu sống không thì Kiên lắc đầu. “Khi gia đình đưa đến, gặp lại các em mình thấy mặt quen quen thôi chứ không nhớ tên”-anh Kiên cười hiền.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.