Lợi dụng thi cử, nhân viên Văn thư trường lạm thu tiền học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo quy định, thí sinh đăng ký tham gia kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học, cao đẳng nộp lệ phí 35.000 đồng/môn thi, thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp thì không phải nộp tiền. Thế nhưng, ông Trương Xuân Đông-nhân viên Văn thư Trường THPT Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) đã tự ý thu thêm của 119 thí sinh tự do, bỏ túi riêng nhiều triệu đồng.

Vụ việc chỉ được phơi bày khi 2 thí sinh bức xúc đến đòi lại tiền, biết hành vi của mình bị “lộ tẩy” ông Đông miễn cưỡng trả lại tiền cho các thí sinh này.

 

Ông Trương Xuân Đông thừa nhận việc thu sai quy định. Ảnh: M.N
Ông Trương Xuân Đông thừa nhận việc thu sai quy định. Ảnh: M.N

Thu lợi bất chính từ… “tiền điện thoại”

Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Trường THPT Nguyễn Huệ có 119 thí sinh tự do và 310 thí sinh lớp 12 đăng ký dự thi. Số học sinh lớp 12 nộp lệ phí cho giáo viên chủ nhiệm, 119 thí sinh tự do (70 thí sinh xét Đại học; 49 xét tốt nghiệp THPT) nộp lệ phí tại Văn thư của trường. Thông tư Liên tịch của Bộ Tài chính-Bộ Giáo dục-Đào tạo quy định, thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2016 để xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng và Trung cấp sẽ nộp 35.000 đồng/môn và không thu phí dự thi, dự tuyển đối với thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Quy định là vậy, nhưng ông Trương Xuân Đông đã lợi dụng việc được nhà trường giao thu phí dự thi của các thí sinh tự do, tự ý nâng giá thu đến 40.000 đồng/môn thi đối với thí sinh xét đại học, cao đẳng và 120.000 đồng với thí sinh thi chỉ xét tốt nghiệp TPHT.

Bức xúc việc thu tiền trái quy định của ông Đông nên 1 thí sinh đã bí mật ghi lại hình ảnh ông này trả lại tiền lạm thu và chuyển cho P.V Báo Gia Lai phản ánh. Mở đầu đoạn clip, nam sinh L.V. L (SN 1997, trú thị trấn Đak Đoa) hỏi: "Thi tốt nghiệp có phải đóng tiền thi lại không chú?", ông Đông trả lời: "Không". Nghe vậy, nam sinh L. quay sang chỉ bạn nữ P.T.H.N. đứng bên cạnh nói: "Bạn này chỉ thi tốt nghiệp (thi chỉ để xét tốt nghiệp-P.V) sao lại nộp 120.000 đồng?". Nam sinh này hỏi tiếp: "Còn đối với môn thi thì bao nhiêu ngàn đồng/môn?". "35.000 đồng"-ông Đông đáp. "Bữa trước, chú thu của cháu 40.000 đồng/môn", L. cắt lời ông này.

Bị nam sinh này liên tục truy vấn, ông Đông liền chống chế: “Tiền nhập hồ sơ, tiền điện thoại, rồi trả giấy báo thi, báo điểm cho tụi bay. Mày không thích thì chú trả lại, mai mốt có sai sót gì thì chú không điện thoại cho mày, vậy thôi”. Biết mình bị bắt bài, ông Đông miễn cưỡng móc ví lấy tiền thả xuống bàn trả lại cho thí sinh kèm lời hăm dọa: "Đây trả lại cho mày nè. Mai mốt mày sai sót gì thì không bao giờ điện cho tụi mày. Làm hồ sơ phức tạp lắm… Bây không biết được chứ làm rất vất vả, làm ngày làm đêm".


Trao đổi với P.V, đa số các thí sinh có tên trong danh sách ông Đông thu tiền đều xác nhận đã nộp tiền cho ông này. Những thí sinh này đều nộp tiền với “khung giá” kể trên, có khi nhiều hơn vì chẳng thấy ông này trả lại tiền thừa. Sợ bị làm khó dễ, họ đành bấm bụng làm thinh cho qua chuyện. Cá biệt, thí sinh H.T.M.N. (SN 1997, trú thị trấn Đak Đoa) đăng ký dự thi 4 môn: Toán, Ngữ văn, Sinh học, Địa lý với tổng số tiền nộp đúng theo quy định là 140 ngàn đồng, nhưng theo thí sinh này thì: “Chú Đông bắt nộp đến 190.000 đồng”. Tương tự, thí sinh N. T. H. Y. than thở: "Lúc nộp hồ sơ, chú Đông bảo sao thì tụi em nghe vậy, bạn em có người nộp 150.000 đồng, có đứa nộp đến 190.000 đồng”.

Tại buổi làm việc với P.V, ban đầu ông Đông phủ nhận hoàn toàn việc thu thêm số tiền trái quy định này. Ông Đông khẳng định: “Theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo thì tôi thu đúng mỗi môn là 35.000 đồng thôi. Làm gì có việc thu thêm”. Thế nhưng, sau khi P.V mở đoạn clip cho ông Đông xem thì ông này mới chịu thừa nhận có thu thêm 5.000 đồng/môn thi. “Tôi thu thêm là để dùng số tiền này liên lạc với các em. Vì quá trình làm hồ sơ và thủ tục cần phải thường xuyên gọi điện. Trong khi điện thoại bàn của trường chỉ gọi được trong tỉnh nên tôi thu cũng để làm chi phí gọi điện, liên hệ với thí sinh. Còn học sinh đưa thì tôi nhận chứ tôi không có yêu cầu. Số học sinh đưa thêm tiền cho tôi chỉ khoảng 50 em. Tôi cũng không nhớ rõ”- ông Đông chống chế.

 

Danh sách các học sinh đã nộp tiền cho ông Đông.
Danh sách các học sinh đã nộp tiền cho ông Đông.

“Đạo đức không cho phép, sai hoàn toàn”

Thử làm một bài toán: Trong số 119 thí sinh tự do đã nộp tiền cho ông Đông có 70 thí sinh dự thi xét đại học, cao đẳng, nhiều em đăng ký dự thi 3-4 môn, số tiền bị lạm thu là 1,4 triệu đồng/4 môn, 1,05 triệu đồng/3 môn; 49 thí sinh xét tốt nghiệp THPT (120.000 đồng/hồ sơ) thì số tiền là 5,880 triệu đồng. Như vậy tổng số tiền mà ông Đông cho là “tiền công” thu trái phép của 119 thí sinh là 7,280 triệu đồng. "Liên quan trên 7 triệu đồng là ở mức hình sự rồi, chứ không phải bình thường nữa"-thầy Phạm Ngọc Hai, Hiệu trưởng Trường THPT Đak Đoa nhận định.

Thầy Hai khẳng định: “Việc làm của ông Đông là sai hoàn toàn. Bộ Giáo dục-Đào tạo không cho phép thu thêm đối với thí sinh một đồng nào cả, đó là quy định. Hơn nữa trong môi trường giáo dục, đạo đức không cho phép. Ông Đông làm như vậy là sai, sai hoàn toàn”. Thầy Hai cho rằng: “Với mỗi em 15 ngàn đồng là không đáng giá bao nhiêu. Tuy nhiên nếu xét về tổng số (nếu ông Đông thu hết của 119 thí sinh) thì số tiền cũng không nhỏ. Trách nhiệm của nhà trường phải thông báo với thí sinh nếu hồ sơ dự thi có sai sót, chứ không có chuyện thu tiền để làm cước điện thoại gọi liên hệ, thông báo”.
Hiệu trưởng Phạm Ngọc Hai cho biết sẽ tiến hành kiểm điểm theo đúng quy định, đồng thời báo cáo Sở Giáo dục-Đào tạo vụ việc này. “Còn nếu vượt qua ngoài phạm vi của nhà trường thì sẽ đề nghị cơ quan pháp luật có biện pháp xử lý”- thầy Hai khẳng định.

Ngày 5-5, P.V chủ động liên hệ Sở Giáo dục-Đào tạo đăng ký làm việc với lãnh đạo Sở, tuy nhiên Giám đốc và Phó Giám đốc được ủy quyền đều bận họp. Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Thu Hà-Chánh Văn phòng Sở Giáo dục-Đào tạo Gia Lai khẳng định: “Nếu ông Đông thu thêm bất cứ khoản nào khác nữa là hoàn toàn sai quy định. Ông Đông phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vấn đề này. Ngoài ra, lãnh đạo trường cũng phải chịu trách nhiệm vì để xảy ra việc thu sai quy định. Chúng tôi sẽ đề nghị Trường THPT Nguyễn Huệ báo cáo cụ thể sự việc sau đó sẽ tham mưu với lãnh đạo Sở có hình thức kỷ luật thích đáng”- bà Hà cho biết.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.