Xét xử lưu động vụ án phá rừng tại xã Mô Rai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sáng 24/5, tại UBND xã Mô Rai (huyện Sa Thầy, Kon Tum), Tòa án nhân dân huyện Sa Thầy mở phiên tòa lưu động xét xử vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” đối với bị cáo Lê Tiến Thụ, Lê Văn Thọ và Đỗ Văn Long.
Các bị cáo (từ trái qua phải): Đỗ Văn Long, Lê Văn Thọ, Lê Tiến Thụ. Ảnh: VT

Các bị cáo (từ trái qua phải): Đỗ Văn Long, Lê Văn Thọ, Lê Tiến Thụ. Ảnh: VT

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Sa Thầy, vào ngày 20/8/2022, Võ Văn Đức (sinh năm 1982, hộ khẩu thường trú số 56, đường Nguyễn Tri Phương, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) gọi điện cho Lê Tiến Thụ (sinh năm 1975, hộ khẩu thường trú thôn Hồi Phú, xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) để thuê Thụ vào xã Mô Rai, huyện Sa Thầy cưa hạ gỗ trái phép cho Đức và được Thụ đồng ý. Đồng thời, Đức cũng đã gọi điện cho Lê Văn Thọ (sinh năm 1983, hộ khẩu thường trú thôn Hòa Sơn, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) nhờ Thọ tìm thêm một người cùng Thọ đi cưa gỗ cho Đức thì Thọ đồng ý. Sau đó, Thọ gọi rủ Đỗ Văn Long (sinh năm 1985, trú cùng thôn đi làm với Thọ).

Khoảng 1 giờ sáng ngày 24/8/2022, Đức gọi cả nhóm dậy để đi vào rừng cưa hạ gỗ tại khu vực trên. Ngày 25/8/2022, Quý cầm hai máy bộ đàm và đưa cho Thọ một cái, Quý giữ 1 cái, nói có gì động thì sẽ gọi báo cho Thọ, rồi đi một mình ra bìa rừng canh gác. Trong 2 ngày (25-26/8/2022), tại khoảnh 6, tiểu khu 692, rừng sản xuất là rừng tự nhiên thuộc Lâm trường Mô Rai do Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Sa Thầy quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Mô Rai, Lê Tiến Thụ, Đỗ Văn Long, Lê Văn Thọ đã cùng nhau cưa hạ trái phép 84 cây gỗ, với tổng khối lượng 147,065 m3 (gỗ tròn) chủng loại gỗ từ nhóm III đến nhóm VIII với giá trị thiệt hại gần 572 triệu đồng. Hành vi của các bị cáo Lê Văn Thọ, Lê Tiến Thụ và Đỗ Văn Long đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 232, Bộ luật hình sự.

Trong vụ án này còn có đối tượng Võ Văn Đức đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Sa Thầy ra Quyết định khởi tố bị can về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại khoản 3, Điều 232, Bộ luật Hình sự. Hiện Đức đã rời khỏi địa phương (Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Sa Thầy đã ra Lệnh truy nã, Quyết định tách vụ án hình sự và tiếp tục điều tra, xác minh, truy bắt bị can Đức và xử lý sau).

Đối với đối tượng Quý, căn cứ vào kết quả điều tra chưa thể xác định được chính xác nhân thân, lai lịch và làm rõ được hành vi phạm tội của đối tượng. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Sa Thầy sẽ tiếp tục xác minh, điều tra làm rõ và xử lý sau.

Đối với trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan và trách nhiệm của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy khi để xảy ra sự việc khai thác gỗ nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Sa Thầy tiếp tục điều tra và xử lý trách nhiệm của các cá nhân có liên quan trong quá trình mở rộng điều tra vụ án theo Quyết định tách vụ án hình sự số 01/QĐ-CSĐT ngày 10/4/2023 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Sa Thầy.

Tại phiên tòa, tất cả các bị cáo đã khai nhận những hành vi phạm tội của mình. Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Sa Thầy đã tuyên bị cáo Lê Tiến Thụ 8 năm tù giam, Lê Văn Thọ 7 năm tù giam, Đỗ Văn Long 6 năm 6 tháng tù giam.

Việc tổ chức phiên tòa lưu động này nhằm nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và phòng chống tội phạm thông qua công tác xét xử.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.