(GLO)- Để giáo dục học sinh các kỹ năng sống, biết đoàn kết khi làm việc nhóm, đồng thời gây quỹ để giúp những bạn có hoàn cảnh khó khăn, một số liên đội trên địa bàn TP. Pleiku đã triển khai hiệu quả công trình măng non “Vườn rau của em”.
Công trình măng non “Vườn rau dinh dưỡng và cây thuốc Nam” rộng 300 m2 của Liên đội Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (xã An Phú, TP. Pleiku) bắt đầu thực hiện từ tháng 12-2017. “Lúc trước, khoảnh đất này toàn cỏ dại. Được Ban Giám hiệu nhà trường đồng ý, Ban Chỉ huy Liên đội đã nhờ Hội Phụ huynh làm cỏ và cải tạo đất. Sau đó, Ban Chỉ huy Liên đội chia thành từng lô nhỏ, giao cho từng chi đội phụ trách và trồng rau theo mùa vụ. Trên mỗi luống rau cắm 1 tấm biển ghi tên lớp”-cô Lê Thị Thùy Vân-Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến, cho biết.
Công trình măng non vườn rau dinh dưỡng và cây thuốc Nam của Liên đội Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến. Ảnh: T.B |
Trường có tổng cộng 20 lớp, nhưng chỉ có khối lớp 3, 4 và 5 được giao đất trồng rau, khối lớp 1 và 2 sẽ được tham quan trải nghiệm. Mỗi lớp được giao trồng một loại rau khác nhau như: cải, rau ngót, mồng tơi, rau muống, cà chua… Bên cạnh đó, một số lớp còn trồng xen thêm tía tô, sả, ngải cứu, bạc hà. Để hỗ trợ các em, nhà trường đầu tư hệ thống tưới nước tự động. Vườn rau do chính tay các em chăm sóc, thu hoạch rồi bán cho thầy-cô giáo và căng tin nhà trường. Số tiền thu được sẽ được bổ sung vào nguồn quỹ của mỗi lớp để mua đồ dùng học tập và sinh hoạt.
Cô Lê Thị Thùy Vân chia sẻ: “Các em rất thích thú với công việc này và đều tự giác chăm sóc vườn rau. Thời gian chăm sóc thường là ngoài buổi học chính của các em để không ảnh hưởng đến việc học tập. Tiền thu được từ vườn rau không nhiều, nhưng công trình măng non này vừa giúp các em biết quý trọng công sức lao động và biết làm việc nhóm, vừa có tiền gây quỹ lớp. Mô hình này cũng đã được nhiều liên đội tham quan để nhân rộng”. Em Hồ Quốc Huy (lớp 5/1) cũng hồ hởi kể: “Em rất thích thú với vườn rau của lớp mình, em cũng đã biết cách trồng một số loại rau. Hè này, em sẽ thực hành trồng rau ở vườn nhà”.
Trường THCS Trần Phú (phường Trà Bá, TP. Pleiku) cũng có cách làm tương tự để gây quỹ Đội. Mô hình “Vườn rau sạch của em” được triển khai từ năm học 2016-2017 và giao cho khối lớp 8 đảm nhận. Đến năm học 2017-2018, mô hình này được giao lại cho 18 lớp thuộc 2 khối 6 và 7. Các loại rau quen thuộc như: cải cúc, xà lách, rau muống, mồng tơi… được các em trồng trong thùng xốp; mỗi lớp đảm nhận 7 thùng rau. Các thùng xốp được đặt trong khuôn viên trường học; mỗi lớp cử 2 thành viên nhổ cỏ và tưới nước cho rau mỗi ngày.
Đặc biệt, vườn rau này còn phục vụ việc giảng dạy môn Sinh học, giúp các em học sinh hiểu rõ sự sinh trưởng của rễ, thân, lá, cách gieo hạt giống… Tất cả sản phẩm thu hoạch đều được giáo viên trong trường mua ủng hộ và rất “đắt hàng”. Số tiền thu được dùng để gây quỹ “Chăm sóc học sinh nghèo” của Liên đội. Sau gần 2 năm triển khai, Liên đội Trường THCS Trần Phú đã mua được 2 chiếc xe đạp tặng học sinh vượt khó học giỏi của trường. Bên cạnh đó, nguồn quỹ này cũng được dùng để hỗ trợ 2 học sinh nghèo khác. Em Nguyễn Nhật Anh Thi (lớp 6/6), một trong 2 học sinh được Liên đội tặng xe đạp, tâm sự: “Bố em bị bệnh thận đã nhiều năm, mẹ đi làm thợ may. Nhờ có chiếc xe đạp của Liên đội tặng, mẹ em đã đỡ vất vả hơn trong việc đưa đón em đi học mỗi ngày”.
Gây quỹ từ vườn rau là một mô hình hay và ý nghĩa đã được Liên đội Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến và Liên đội Trường THCS Trần Phú thực hiện thành công. Ngoài mô hình này, các liên đội khác ở TP. Pleiku cũng đã triển khai gây quỹ từ các phong trào “Kế hoạch nhỏ”, “Vì đàn em thân yêu” do Hội đồng Đội các cấp phát động. “Mô hình gây quỹ từ vườn rau ở các liên đội đã góp phần xây dựng cảnh quan xanh-sạch-đẹp tại nhà trường. Đồng thời, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em biết yêu lao động, biết chia sẻ, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Đây là những mô hình hay cần được nhân rộng trong các liên đội khác”-anh Thái Giang Nam-Phó Bí thư Thành Đoàn Pleiku chia sẻ.
Thủy Bình