Vùng đất thuốc kỳ vọng vào "thần dược" để thoát nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với thế mạnh về tiềm năng cây dược liệu và được mệnh danh là vùng đất thuốc, chính quyền tỉnh Kon Tum phấn đấu khai thác bền vững nguồn dược liệu từ tự nhiên có trữ lượng lớn, đạt 50 tấn nguyên liệu/năm.

Cây dược liệu sẽ nâng cao đời sống cho người dân. Ảnh: T.T
Cây dược liệu sẽ nâng cao đời sống cho người dân. Ảnh: T.T
Đang nghèo trên vùng đất tiềm năng
Năm 2021, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng hơn 1 triệu cây giống sâm Ngọc Linh trên núi, phấn đấu trồng mở rộng với diện tích 500ha sâm.
Dưới chân ngọn núi Ngọc Linh, nơi chỉ có chất đất, khí hậu và độ ẩm phù hợp với sự sinh trưởng tốt của cây sâm là những bản làng của đồng bào Xơ Đăng ở xã Măng Ri. Xã là địa phương có thế mạnh về phát triển cây dược liệu, toàn xã hiện có hơn 50ha sâm dây, hơn 3ha sâm Ngọc Linh (tương đương trồng 32.000 gốc) của hơn 260 hộ trồng. Chính quyền xã đã thành lập 7 mô hình liên kết trồng sâm Ngọc Linh với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum thu hút 150 hộ tham gia.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông A Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông - cho biết: “Với giá trị cao trên thị trường, trung bình mỗi kilôgam sâm Ngọc Linh thật được rao bán từ 120-150 triệu đồng, địa phương xác định trồng sâm là hướng thoát nghèo bền vững. Nhưng cái khó là việc trồng sâm không phải như cây lúa, cây mì, vài tháng sau là thu hoạch được, đáp ứng nhu cầu lương thực của bà con. Ít nhất mỗi cây sâm sinh trưởng đến khi thu hoạch phải từ 7-10 năm mới có chất Saponin, hoạt chất có lợi cho sức khỏe. Bởi vậy, cán bộ xã tuyên truyền, vận động bà con hợp tác trồng sâm còn gặp khó”.
Một số người dân ở Măng Ri tự trồng sâm Ngọc Linh trên đất rẫy, đất vườn nhà của mình, nhưng lại bị trộm cắp đột nhập lấy mất. Số khác không kiên nhẫn chờ đợi thời gian dài nhiều năm để thu hoạch sâm, họ vẫn trồng lúa, trồng mì kiếm sống qua ngày.
Số ít người dân khác nhận thức được lợi ích giá trị từ sâm nên tìm cách đổi con trâu, con bò để mua lại giống cây sâm về trồng.
Hiện mỗi hạt sâm có giá khoảng 100.000 đồng, khi ươm thành công ra cây sâm giống thì giá trên thị trường khoảng 300.000 đồng/cây.
Bám vào trồng dược liệu đổi thay
Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, xã Măng Ri dưới núi Ngọc Linh hiện có hơn 500 hộ, gần 1.900 nhân khẩu người Xơ Đăng, trong đó hộ nghèo chiếm gần 60% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022-2025.
Ông Dương Văn Trang - Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum - cho biết: “Xã Măng Ri là một xã đặc biệt vì có loài sâm Ngọc Linh quý hiếm, nhưng tại sao đời sống người dân bao nhiêu năm vẫn nghèo khó. Khí hậu, tiềm năng dược liệu ở Măng Ri không có xã nào, tỉnh thành nào trên cả nước có. Vì thế, cần tạo điều kiện vay vốn, tuyên truyền vận động bà con tham gia vào các mô hình trồng sâm với Công ty rồi tính toán tỉ lệ chia lợi nhuận sao cho phù hợp để nâng cao đời sống người dân”.
Theo ông Dương Văn Trang - Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, huyện Tu Mơ Rông - cần tập trung phát triển mạnh cây dược liệu sâm Ngọc Linh, sâm dây, sơn tra, cà phê xứ lạnh.
Từ năm 2022 trở đi, mỗi năm địa phương trồng thêm 20.000 gốc sâm Ngọc Linh, mỗi làng trồng thêm 2ha sâm dây, chuyển dần diện tích lúa rẫy, mì sang trồng cà phê xứ lạnh, đặt mục tiêu mỗi năm tăng thêm khoảng 20ha để giảm tỉ lệ nghèo xuống thấp.
THANH TUẤN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm