"Vua hồ tiêu"gốc Hải Phòng lội ngược dòng tìm chuẩn cà phê cho người Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
17 năm xuất khẩu cà phê thô ra thị trường quốc tế nhưng không ít lần uống phải cà phê trộn phụ gia khiến chàng trai xứ “hoa phượng đỏ” Phan Minh Thông quyết tâm phát triển sản phẩm cà phê chuẩn thế giới ở thị trường nội địa, dù con đường này được đánh giá là... “lội ngược dòng”.
Phan Minh Thông chia sẻ về nỗi buồn khi
Trong cái se lạnh của buổi chớm đông, bên tách cà phê nóng với thương hiệu K COFFEE, chàng trai gốc Hải Phòng Lê Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh - một trong những DN tư nhân xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam - lần đầu tiên chia sẻ về quá trình khởi nghiệp đầy sóng gió và quyết định “lội ngược dòng” khi phát triển sản phẩm cà phê chuẩn thế giới ở thị trường nội địa với niềm trăn trở: “Tại sao những hạt cà phê ngon nhất lại chỉ dành cho người nước ngoài?”
Bỏ DNNN, trở thành... “vua hồ tiêu”
Con đường đến với cà phê của Phan Minh Thông lại bắt đầu từ việc kinh doanh... hồ tiêu.
Anh Thông kể, cách đây gần 20 năm, sau khi tốt nghiệp 2 trường đại học danh giá là Trường ĐH Ngoại thương và ĐH Luật Hà Nội, Thông được nhận vào làm một DN Nhà nước có mức lương “khủng” thời điểm đó là Tập đoàn Petrolimex. Nhưng sau vài năm, chàng thanh niên 26 tuổi với một số vốn ít quyết định bỏ công việc ra ngoài lập nghiệp bằng việc xuất khẩu mặt hàng hồ tiêu. Chỉ sau vài năm khởi nghiệp, DN tư nhân do chàng trai gốc Hải Phòng làm chủ đã vươn lên trở thành một trong những DN tư nhân xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất Việt Nam.
Cái tên “vua hồ tiêu” được đặt cho Lê Minh Thông cũng không khó hiểu khi Công ty CP Phúc Sinh do anh sáng lập dần vươn lên dẫn đầu trong các DN xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu năm 2017 gần 87,8 triệu USD.
Cùng với thành công này, Thông được khách hàng nước ngoài tín nhiệm và... “lân la” hỏi mua cà phê. Không bỏ lỡ cơ hội, anh bắt tay với các khách hàng để gom cà phê xuất khẩu, dần dà, Phúc Sinh trở thành một trong những DN xuất khẩu cà phê tư nhân lớn. Theo thống kê của Bộ Công thương, trong 15 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2017 được xét chọn DN xuất khẩu uy tín, Phúc Sinh xếp thứ 8 trong danh sách với kim ngạch xuất khẩu lên tới hơn 110 triệu USD.
Con đường xuất khẩu đang hanh thông, đùng một cái Phan Minh Thông quyết định “lội ngược dòng” khi đầu tư phát triển cà phê chuẩn châu Âu ở thị trường trong nước.
Chàng trai Hải Phòng nhớ lại: “Cách nay vài năm, trong một chuyến bay của Vietnam Airlines, tôi có kêu một ly cà phê để uống nhưng sau đó bỏ dở vì hương vị toàn mùi hương liệu, hóa chất. Sau khi phản ánh với hãng bay, tôi lại suy nghĩ: Sao mình không làm cà phê nguyên chất chuẩn quốc tế cho người dùng Việt? Ý tưởng đó đã le lói trong suốt chuyến bay và sau đó tôi quyết định đầu tư dàn máy công nghệ của Ý để chế biến cà phê Việt Nam để trước hết phục vụ bản thân mình, phục vụ các anh em trong DN và khách hàng trước đã”.
"Vua hồ tiêu" Phan Minh Thông đang tiếp tục làm cú "lội ngược dòng" với sản phẩm cà phê
"Vua hồ tiêu" Phan Minh Thông đang tiếp tục làm cú "lội ngược dòng" với sản phẩm cà phê
Cuối năm 2015 đầu năm 2016, sau khi sản phẩm cà phê của Phúc Sinh được đồng nghiệp, bạn bè đánh giá cao, Phan Minh Thông quyết định một hướng đi táo bạo: “Phúc Sinh phải trở thành một DN không chỉ biết xuất khẩu mà còn tạo cơ hội cho người tiêu dùng nội địa được quyền sử dụng những hạt cà phê chuẩn châu Âu”. Thương hiệu K Coffee của Phúc Sinh cũng ra đời từ đó.
Thuyết phục nông dân làm cà phê theo chuẩn UTZ
Muốn có chất lượng cà phê tốt nhất theo tiêu chuẩn UTZ (tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc) với các yêu cầu khắt khe như: không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng, tỷ lệ trái chín, ít nhất là 90%... Phúc Sinh phải trải qua quá trình “trầy vi tróc vẩy” để thuyết phục người nông dân các tỉnh Tây Nguyên áp dụng quy chuẩn trên.
“Có người sợ hái trộm, có người quan niệm “xanh nhà hơn già đồng” nên chùm cà phê vừa có trái chín là họ hái. Tỷ lệ trái xanh nhiều hơn trái chín nên bột cà phê không thơm và không... “phê”. Bằng nhiều cách, từ từ chúng tôi đã giúp nông dân hiểu được chuyện này nên giờ đây, chỉ thu hoạch cà phê khi tỷ lệ trái chín trên cành đạt trên 90%”, Phan Minh Thông kể câu chuyện minh họa khi cùng nông dân trồng cà phê theo tiêu chuẩn UTZ tại Buôn Hồ cách đây nhiều năm.
Dần dà, từ một vài hộ, đến nay đã có 897 hộ với diện tích là 1.000,6 ha đã trồng cà phê theo tiêu chuẩn UTZ. Theo anh Thông, đến nay vùng cà phê Buôn Hồ sản xuất theo những tiêu chuẩn mới có sản lượng là 2.748,48 tấn. Sản lượng trên, theo lời anh chưa thấm vào đâu so với năng lực xuất khẩu hiện tại của công ty nhưng đó là: “Bước đệm quan trọng trong việc thay đổi tư duy của nông dân trồng cà phê thời nay. Ngày xưa, thời tiết thuận lợi nên việc trồng cà phê không đòi hỏi nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay. Còn bây giờ…”.
Cũng theo anh Thông, để thực hiện được những yêu cầu của tiêu chuẩn UTZ, đội ngũ nhân viên kỹ thuật của K Coffee đã đến từng nông hộ để giúp nông dân hiểu về quy trình tưới nước tiết kiệm, bón phân hữu cơ, cách sử dụng các hóa chất nông nghiệp: vi sinh, kiểm soát IPM, cách thức thu hái, phơi phóng phải an toàn như rải bạt trên sân xi măng…; đóng gói nguyên liệu, vận chuyển đến kho…
Trở lại câu chuyện mang cà phê chuẩn quốc tế xuất khẩu về lại phục vụ người tiêu dùng trong nước, theo anh Thông là chuyện cực kỳ không đơn giản. Đó là vấn đề cân bằng chất lượng, giá cả, khẩu vị của người Việt uống cà phê trộn “đậu” bao năm nay. Đi theo lối mòn của một vài đơn vị sản xuất cà phê trong nước khác để nhanh chóng có được thị trường hay tạo lối riêng cho mình và chấp nhận đi một mình và chắc chắn còn lâu mới... đến đích?
Trả lời vấn đề này, Minh Thông khẳng định: “Chúng tôi nói với không “nhồi” bột bắp, bột đậu… vào cà phê của mình; dù như vậy, giá sản phẩm sẽ phải tăng lên gấp bội. Vì nếu với 30% bột bắp, 30% bột đậu, giá “cà phê” gốc chỉ có 7.000 đồng/ gói, trong khi nếu là 100% cà phê thì đã lên tới 50.000 đồng/gói. Nhưng khi được khuyên làm việc “không có tâm” này, tôi đã gạt đi ngay và nói mình sẽ làm được việc để người tiêu dùng mua đồ đắt để uống, đắt vì đúng với chân giá trị, chứ không phải đắt vì hương liệu, vì phù phép”.
Có lẽ, đó chính là cách Phan Minh Thông thực hiện sứ mệnh “Người Việt Nam được quyền uống cà phê chuẩn Châu Âu tại quê nhà”, dù hiện tại thị phần của K Coffee còn rất nhỏ với sản lượng cung ứng nội địa chỉ khoảng 1% trong tổng số khoảng 70 nghìn tấn cà phê xuất khẩu hàng năm của Phúc Sinh.
“Nếu người nông dân áp dụng theo bộ tiêu chuẩn này, dù không muốn bán cà phê cho Phúc Sinh thì họ cũng bán cho nhiều nguồn khác với giá tăng cao trung bình từ 400.000 đồng - 1 triệu đồng/tấn, so với giá cà phê thông thường trên thị trường hiện nay. Còn nếu bán cho Phúc Sinh thì chúng tôi luôn sẵn sàng bao tiêu toàn bộ”, Phan Minh Thông khẳng định.

Quốc Hải (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.