Vợ chồng sử thi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sử thi là của ngày xưa. Còn “thức sử thi, ngủ sử thi” là chuyện của người ngày nay. Ở đây, chúng tôi muốn nhắc đến đôi vợ chồng Xê Đăng-Bahnar là ông bà A Jar-Y Pứk ở làng Plei Đôn, phường Quang Trung, TP. Kon Tum.
Nghệ nhân Ưu tú A Jar tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chánh Sài Gòn năm 1974. Hiện nay, ông là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian các dân tộc Tây Nguyên. Hầu như những ai muốn tìm hiểu về văn hóa của vùng đất này cũng đều tìm đến ông. Còn bà Y Pứk từng là cô gái xinh đẹp, thông minh học Trường Cao đẳng Sư phạm Cao Nguyên tại Buôn Ma Thuột (trước năm 1975).
 Vợ chồng ông bà A Jar-Y Pứk. Ảnh: T.V.S
Vợ chồng ông bà A Jar-Y Pứk. Ảnh: T.V.S
Năm 1973, ông A Jar là thực tập sinh tại thị xã Pleiku thì tình cờ gặp bà Y Pứk đang nghỉ hè ghé thăm ông chú tại đó. Đôi trai tài, gái sắc phải lòng nhau nhưng phải tạm chia tay vì ai cũng đang bận học. Năm 1975, cả 2 người cùng về lại quê nhà, tìm gặp nhau và làm đám cưới. Sinh sống vài năm phía nhà chồng ở làng Kon Jong Kơtu (xã Ngọc Réo, huyện Đak Hà), theo phong tục, vợ chồng ông về quê vợ ở làng Plei Đôn và định cư luôn ở đấy.
Ngoài việc nương rẫy, ông A Jar còn làm Thư ký thôn, Trưởng Tập đoàn sản xuất nông nghiệp thôn, rồi Trưởng thôn. Năm 1994, ông được mời làm Hội thẩm Tòa án nhân dân thị xã Kon Tum. Năm 1996, ông là Ủy viên MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum; năm 2004 trúng cử đại biểu HĐND tỉnh. Bà Y Pứk cũng tham gia chi hội Phụ nữ thôn, rồi Hội Phụ nữ xã Vinh Quang (nay là phường Quang Trung), đại biểu HĐND phường.
Năm 1998, ông A Jar được “tiến cử” với đoàn sưu tầm sử thi Tây Nguyên, nhận nhiệm vụ dịch những bộ sử thi Bahnar và Xê Đăng ra tiếng phổ thông. Là người lâu nay vốn tâm huyết với mạch nguồn văn hóa dân tộc, lại có vốn tiếng Việt và vốn sống dày dặn, ông A Jar như cá gặp nước, hồ hởi bắt tay ngay vào việc gỡ băng cassette ghi âm lời nghệ nhân dân gian hơ mon và dịch thành tiếng phổ thông đến quên cả đêm ngày.
Những đêm khuya, thấy chồng miệt mài nơi bàn viết, bà Y Pứk pha bình trà thơm cho chồng tỉnh táo. Những sớm mai, trước khi lên rẫy hay bắt tay vào việc nhà, bà không quên chế cho chồng phin cà phê thơm lừng. Những khi được chồng yêu cầu “tham mưu, tư vấn”, bà Y Pứk lại tham gia bàn bạc chọn câu, lựa từ để chồng dịch hay hơn, đúng hơn.
Cứ thế, 2 vợ chồng trí thức này gần như… “ăn sử thi, ngủ sử thi”, cùng đắm hồn vào cõi sử thi, để “đọc” cho được cái “thần” cao sâu của nó. Họ thường ví nhau như là người cùng bước ra từ sử thi vậy! Ấy là vào những dịp vui chuyện, A Jar bảo trong sử thi Xê Đăng của dân tộc mình có chuyện Dăm Duông-Băr Mă là cặp vợ chồng rất đẹp đôi; bên cạnh người chồng Dăm Duông đầy nghị lực là người vợ Băr Mă hiền dịu, chịu thương chịu khó, yêu chồng thương con, “mà vợ Y Pứk của mình chính là nàng Băr Mă đó!”-ông nói đầy tự hào. Còn bà Y Pứk thì liên tưởng đến sử thi Bahnar của dân tộc mình với hình ảnh người chồng Sét dũng cảm thông minh. Với bà, ông A Jar chính là hiện thân của Sét, còn mình là cô vợ Bia Xin đảm đang, nhân hậu.
Đến nay, ông A Jar đã hoàn thành việc biên dịch gần 30 bộ sử thi, mỗi bộ dày vài ba trăm trang, đã in 10 bộ sử thi Bahnar và 4 bộ sử thi Xê Đăng. Hiện vẫn còn trên 10 bộ chờ in. Không chỉ có thế, ông còn tham gia dạy tiếng Bahnar, Xê Đăng cho cán bộ, công chức theo chủ trương của tỉnh; cộng tác biên tập tiếng dân tộc cho báo tỉnh; lại còn hăm hở đi điền dã sưu tầm và thao thức viết khảo cứu về phong tục tập quán, về cảnh sắc, con người, về văn nghệ dân gian… nhằm giới thiệu nền văn hóa còn nhiều ẩn số của Tây Nguyên đến với công chúng.
Mỗi sớm mai, dưới hiên trước của căn nhà nhỏ nơi góc làng, người ta thường thấy cặp “vợ chồng sử thi” này chuyện trò tâm đắc bên cốc cà phê. Họ tranh thủ chút thời gian thư giãn, bởi tí nữa thôi, ông A Jar lại lầm lụi bên bàn ghi ghi, chép chép. Còn bà Y Pứk thì quanh quẩn việc nhà, như có ý chờ đợi, biết đâu chừng có khi chồng lại gọi vào “tham khảo” ý kiến.
Cứ vậy, đôi vợ chồng này luôn khiến nhiều người thầm ngưỡng mộ bởi họ đẹp như bước ra từ sử thi!
TẠ VĂN SỸ

Có thể bạn quan tâm