Vì sao trước tết người Việt thường đi tảo mộ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ ngày 21, 22 tháng Chạp, nhiều gia đình tới các nghĩa trang tại TP.HCM để tảo mộ và thắp nhang. Vì sao cứ tới cuối năm, trước Tết Nguyên đán, người Việt lại có phong tục này?
Những ngày trước tết, các gia đình đi tảo mộ. Vì sao có truyền thống này?. Ảnh: Bảo Vy
Những ngày trước tết, các gia đình đi tảo mộ. Vì sao có truyền thống này?. Ảnh: Bảo Vy
Đi tảo mộ sớm hơn mọi năm
Sáng sớm 23.1.2022 (tức 21 tháng Chạp), một nghĩa trang nằm trong hẻm 80 Lã Xuân Oai, P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức, TP.HCM đã tấp nập người đi xe gắn máy, xe hơi vào để tảo mộ.
Tay cầm chiếc liềm cắt cỏ, tay cầm chiếc khăn lau, anh Lê Anh Tí, 32 tuổi, cho biết anh có mặt từ 7 giờ sáng để dọn dẹp cho phần mộ của ông bà ngoại và ba.
Hàng năm, cứ vào ngày 25 tháng Chạp, anh cùng với bà con cô bác và những đứa cháu trong gia đình hẹn nhau tập trung tại nghĩa trang, mỗi người mua một phần đồ cúng.

Đi tảo mộ là truyền thống đẹp của người Việt dịp cuối năm. Ảnh: Bảo Vy
Đi tảo mộ là truyền thống đẹp của người Việt dịp cuối năm. Ảnh: Bảo Vy

Con cháu cùng nhau tập trung phát quang cỏ, lau dọn phần mộ tổ tiên ông bà được sạch đẹp trước Tết Nguyên đán. Ảnh: Bảo Vy
Con cháu cùng nhau tập trung phát quang cỏ, lau dọn phần mộ tổ tiên ông bà được sạch đẹp trước Tết Nguyên đán. Ảnh: Bảo Vy
Người chuẩn bị hoa, người mua trái cây, người lo thịt heo quay, thịt vịt quay, bánh mì. Thanh niên trai tráng thì có mặt thật sớm để cắt cỏ, lau mộ phần cho sạch sẽ. Sau khi cúng kiếng ông bà tổ tiên, theo truyền thống, gia đình anh Tí cùng ngồi lại, mỗi người ăn một chút, vừa ăn vừa chuyện trò, hỏi thăm nhau một năm làm việc ra sao, nhất là sau một năm biến động vì dịch bệnh.
“Năm nay, ngày 21 tháng Chạp nhằm vào Chủ nhật, mọi người được nghỉ làm nên chúng tôi tranh thủ đi tảo mộ sớm hơn. Năm nay cũng vì dịch bệnh, sợ tập trung đông người nên gia đình chúng tôi đi trước vài ngày”, anh Tí nói.
Trong lễ vật cúng tảo mộ vào dịp cuối năm, ngoài trái cây, nhang đèn, bánh kẹo, nhiều gia đình cũng chuẩn bị thêm thịt heo quay và vịt quay. Trong những ngày này, các tiệm bán thực phẩm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, Q.5, TP.HCM cũng đông nghịt người mua. Nhiều người phải xếp hàng đợi 15 - 20 phút mới lấy được hàng.

Nhiều người xếp hàng dài chờ mua heo quay, vịt quay trên đường Bùi Hữu Nghĩa, Q.5, TP.HCM trong ngày tháng Chạp. Ảnh: Bảo Vy
Nhiều người xếp hàng dài chờ mua heo quay, vịt quay trên đường Bùi Hữu Nghĩa, Q.5, TP.HCM trong ngày tháng Chạp. Ảnh: Bảo Vy
Sáng 21 tháng Chạp, nghĩa trang Hóa An, P.Hóa An, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cũng có khá đông gia đình tới tảo mộ. Trẻ em được cha mẹ đưa đi cùng và tham gia dọn dẹp mộ phần ông bà tổ tiên, cùng chuẩn bị trái cây, trồng hoa trước mộ và nghe cha mẹ kể những câu chuyện ngày xưa.
Chị Phạm Thu Hiền, 34 tuổi, trú hẻm 63 đường Đặng Thúc Liêng, P.4, Q.8, TP.HCM, cho hay, vào những ngày cuối năm, trước tết, dù bận bịu công việc nhưng vợ chồng chị vẫn cố gắng thu xếp để cùng con nhỏ, mẹ chồng và các anh chị em trong gia đình tới tảo mộ, đốt nén nhang thơm, mời ông bà tổ tiên về ăn tết với con cháu.
Truyền thống uống nước nhớ nguồn
Thạc sĩ Văn hóa học Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó trưởng khoa Đông phương học, Trường ĐH Văn Hiến, TP.HCM, cho biết phong tục tảo mộ mỗi dịp tết đến là một nét đẹp văn hóa được người Việt gìn giữ và lưu truyền từ bao đời nay.
Theo bà Yến, người Việt vốn quan niệm “sống cái nhà, chết cái mồ” nên vào những ngày cuối năm vừa chăm lo quét dọn nhà cửa, vừa đi thăm viếng, sửa sang, tu bổ mộ phần những người quá cố.
"Khi cha mẹ còn sống thì con cái hiếu thảo quây quần, sum họp, chăm sóc; còn khi cha mẹ ông bà đã mất thì phát cỏ, dọn mộ, cúng kiếng như mời về ăn tết sum vầy cùng con cháu. Cận giao thừa mà việc tảo mộ chưa xong thì thấy lòng còn bề bộn chưa yên", bà Yến chia sẻ.

Một mâm cúng tảo mộ phổ biến ở TP.HCM. Ảnh: Bảo Vy
Một mâm cúng tảo mộ phổ biến ở TP.HCM. Ảnh: Bảo Vy
Về đồ cúng kiếng, theo thạc sĩ Hồng Yến, ngày nay bộ lễ vật đã được các gia đình giản lược, chủ yếu gồm hương, tiền vàng, hoa quả tươi…
Theo quan niệm hiện nay, các gia đình thường chọn lễ chay để tránh sát sinh, tránh gây thêm nghiệp cho người đã khuất, mong họ sớm siêu thoát nên chỉ cần chậu hoa vạn thọ, dĩa trái cây nhỏ, đốt nén nhang thơm… cũng đủ thấy ấm cúng mộ phần. “Người Việt quan niệm, người khi còn sống thích ăn món gì, thì khi mất sẽ cúng món đó nên cũng có người mang thuốc lá, trà, cà phê… ra phần mộ để cúng ông bà, cha mẹ của mình”, thạc sĩ Yến nói.

Phong tục tảo mộ cuối năm của người Việt là một phong tục đẹp, để con cháu cùng nhớ về tổ tiên. Ảnh: Bảo Vy
Phong tục tảo mộ cuối năm của người Việt là một phong tục đẹp, để con cháu cùng nhớ về tổ tiên. Ảnh: Bảo Vy
Phong tục tảo mộ cuối năm của người Việt là một phong tục đẹp, để con cháu cùng nhớ về tổ tiên, tri ân nguồn cội, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Thông thường, nhiều gia đình sẽ đi tảo mộ từ ngày 20 tới 30 tháng Chạp, cố gắng hoàn tất trước giờ giao thừa. Rồi nếu ngày mùng 2, 3 tết, con cháu có điều kiện cũng có thể tới nghĩa trang, đốt nén nhang để mộ phần tổ tiên bớt hiu quạnh, theo thạc sĩ Yến.
“Đi tảo mộ trước tết, bên nén nhang thơm, con cháu quây quần, cha mẹ kể cho các con nghe về ông bà mình ngày xưa ra sao, ông cố, bà cố sinh sống, làm ăn như thế nào, vì sao trải qua bao gian khó, các con có ngày hôm nay. Đây cũng là một cách người Việt dạy dỗ các con hiểu về truyền thống của dân tộc và thêm gắn kết với gia đình”, thạc sĩ Yến chia sẻ.
Theo Bảo Vy (TNO)

Có thể bạn quan tâm