Lá chuối, lá dong hút khách ngày giáp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi Tết cổ truyền dân tộc cận kề cũng là lúc những bó lá dong, lá chuối, lạt lồ ô trở nên hút khách. Bởi lẽ, đây chính là thời điểm nhà nhà cùng nhau gói bánh tét, bánh chưng chuẩn bị cho mâm cỗ ngày xuân. 

Một góc xanh của lá dong, lá chuối được bày bán tại ngã ba đường Ngô Gia Tự-Hai Bà Trưng (TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà
Một góc xanh của lá dong, lá chuối được bày bán tại ngã ba đường Ngô Gia Tự-Hai Bà Trưng (TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà

Trung tâm Thương mại Pleiku ngày 28 Tết khá nhộn nhịp. Trên khắp ngả đường dẫn vào chợ, hàng hóa được bày bán chật kín, đông đúc người vào ra. Trong số những mặt hàng ngày Tết, không khó để nhận ra những góc xanh rì màu lá dong, lá chuối hay trắng ngà của dây lạt lồ ô-nguyên liệu không thể thiếu để mọi người gói ghém chút hương vị Tết cổ truyền trong từng chiếc bánh chưng, bánh tét.

Từ thôn Thượng An (xã Song An, thị xã An Khê), bà Trần Thị Mỹ Dung mang theo hơn 2.000 chiếc lá dong theo xe đò lên Pleiku từ chiều 24 Tết. Chọn một vị trí trên đường Nguyễn Thiện Thuật, bà Dung bày những bó lá dong xanh mướt ra bán với giá 900-1.000 đồng/lá. Bà chia sẻ: “Đã 2 năm rồi, tôi mới lên lại Pleiku bán lá dong vào dịp Tết. Dù dịch bệnh nhưng không khí chợ trong những ngày cuối năm khá rộn ràng. Lúc mới lên, người hỏi mua ít lắm, cứ tưởng không bán được, nhưng càng cận Tết sức mua càng tăng. Tôi ráng bán hết hôm nay để về nhà chuẩn bị đón năm mới với gia đình”.


 

Bà Trần Thị Mỹ Dung (thôn Thượng An, xã Song An, thị xã An Khê) mang lá dong lên Pleiku ngồi bán từ chiều 24 tháng Chạp Âm lịch. Ảnh: Mộc Trà
Bà Trần Thị Mỹ Dung (thôn Thượng An, xã Song An, thị xã An Khê) mang lá dong lên Pleiku ngồi bán từ chiều 24 tháng Chạp. Ảnh: Mộc Trà

Ngồi cạnh bên, bà Y Nun (phường Lê Lợi, TP. Kon Tum) cũng nhanh nhảu mời gọi khách mua lá chuối và dây lạt. Như một thói quen, cứ giáp Tết là bà Y Nun lại nhờ con cháu hái lá chuối rừng, chặt lồ ô về chẻ lạt rồi một mình đón xe buýt từ Kon Tum xuống Pleiku bán tại các khu chợ. “Cứ 5 rưỡi sáng, mình bắt đầu rời khỏi nhà và trở về sau 5 giờ chiều. Mỗi ngày, mình mang theo khoảng 100 xấp lá và 200 bó lạt, có hôm bán hết có hôm còn ít đem về lại; trừ chi phí cũng kiếm được gần 1 triệu đồng. Con cháu bảo mình già rồi, bán ở gần nhà cho khỏe nhưng mình đi bán xa nhiều năm cũng thành quen”-bà Nun bộc bạch.

Như một thói quen, năm nào, bà Y Nun (bìa trái; phường Lê Lợi, TP. Kon Tum) cũng xuống TP. Pleiku để bán lá chuối và dây lạt. Ảnh: Mộc Trà
Năm nào, bà Y Nun (bìa trái; phường Lê Lợi, TP. Kon Tum) cũng xuống TP. Pleiku để bán lá chuối và dây lạt. Ảnh: Mộc Trà


Theo tìm hiểu của P.V, mỗi bó lá dong có khoảng 50-100 lá, giá bán dao động từ 40-100 ngàn đồng. Riêng lá chuối được bán theo xấp nhỏ với giá từ 20-50 ngàn đồng. Lá chuối đa số được dùng để gói bánh tét hoặc chả. Loại lá chuối được bán nhiều là lá chuối chát (chuối hột) và chuối mốc (chuối sứ) vì có độ dai dễ gói và vị không quá đắng làm ảnh hưởng tới bánh. Ngoài ra, muốn bánh đẹp, chuẩn dáng thì phải buộc bằng sợi lạt được chẻ mỏng từ cây lồ ô. Mỗi bó lạt gồm 10-15 sợi nhỏ được bán với giá 10 ngàn đồng.

Anh Hoàng Anh Tuấn (tổ 1, phường Hội Thương, TP. Pleiku) chọn nguyên liệu để gia đình gói bánh chưng, duy trì nét đẹp truyền thống của Tết Việt. Ảnh: Mộc Trà
Anh Hoàng Anh Tuấn (tổ 1, phường Hội Thương, TP. Pleiku) chọn nguyên liệu để gia đình gói bánh chưng, duy trì nét đẹp truyền thống của Tết Việt. Ảnh: Mộc Trà


Tỉ mẩn chọn bó lá dong rồi đến dây lạt, anh Hoàng Anh Tuấn (tổ 1, phường Hội Thương, TP. Pleiku) vui vẻ cho hay: “Thời nay, muốn mua bánh chưng, bánh tét chỉ cần lên mạng đặt hay ra chợ đều có. Thế nhưng, gia đình tôi vẫn quan niệm rằng, có gói bánh, nấu bánh thì mới ra không khí Tết. Hơn nữa, nấu bánh tại nhà còn là cơ hội để con cháu sum vầy, giúp chúng hiểu hơn về văn hóa Tết của người Việt. Do vậy, dù chỉ gói 10 cặp bánh, song tôi vẫn thích ra chợ mua nguyên liệu về làm. Lá gói bánh năm nay khá đẹp, giá cả cũng không tăng so với năm trước”.

Chị Puih Thiếu (bìa phải; làng Klăh 1, xã Ia Der, huyện Ia Grai) phấn khởi vì có được nguồn thu nhập khá từ việc bán lạt lồ ô những ngày giáp Tết. Ảnh: Mộc Trà
Chị Puih Thiếu (bìa phải; làng Klăh 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) phấn khởi vì có được nguồn thu nhập khá từ việc bán lạt lồ ô những ngày giáp Tết. Ảnh: Mộc Trà


Vì buôn bán lá dong, lá chuối, lạt lồ ô cho thu nhập tương đối khá nên người dân các làng ở vùng ven thành phố đều coi đây như một “nghề thời vụ”. Cứ từ 20 tháng Chạp trở đi, họ lại gác chuyện đồng áng để bám nghề, hy vọng có thêm khoản thu nhập cho Tết thêm ấm áp, đủ đầy. “Năm nào, tôi và mẹ cũng lên rẫy chặt lồ ô về chẻ lạt đi bán. Mỗi ngày, 2 mẹ con bán được 70-100 bó, tương đương 700-1.000 sợi. Năm nay, chúng tôi bán được nhiều hơn so với mọi năm. Với giá từ 8-10 ngàn đồng/bó, sau 5 ngày, chúng tôi đã thu về hơn 3 triệu đồng”-chị Puih Thiếu (làng Klăh 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) phấn khởi khoe.
 

MỘC TRÀ
 

Có thể bạn quan tâm