Từ nhu cầu của nhiều người muốn lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ cùng gia đình trong những ngày tết, dịch vụ chụp ảnh dạo trở thành nghề 'hot', thợ ảnh thu nhập gần nửa triệu mỗi ngày .
Bắt đầu từ ngày 27 tháng Chạp, khi đường hoa xuân Cần Thơ (TP.Cần Thơ) chính thức đi vào hoạt động thì những thợ chụp ảnh dạo cũng bắt đầu "chạy sô" ngày tết.
Những ngày tết, thợ chụp ảnh dạo có thu nhập cao. Ảnh: Duy Tân |
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, vào ngày mùng 4 tết, lượng người đổ về đường hoa xuân Cần Thơ vẫn rất đông. Các thợ chụp ảnh dạo cũng làm việc hết công suất để lưu lại những bức ảnh kỷ niệm cho du khách.
Một thợ nữ in ảnh gửi ảnh cho khách. Ảnh: Duy Tân |
Tại vườn hoa xuân Cần Thơ có hơn 20 thợ chụp ảnh dạo. Mỗi thợ đều trang bị những tấm ảnh mẫu để giới thiệu khách và cả máy in tại chỗ để in hình giao ngay giao khách.
Một thợ chụp ảnh dạo giao ảnh lưu niệm cho khách nhí ở đường hoa Cần Thơ. Ảnh: Duy Tân |
Đổ mồ hôi vì chụp ảnh không ngơi tay, ông Trần Phước Lộc (50 tuổi, ngụ TP.Châu Đốc, An Giang), có thâm niên trong nghề chụp ảnh dạo hơn 30 năm, cho biết những thợ chụp ảnh tại vườn hoa xuân hầu hết là thành viên từ nghiệp đoàn nhiếp ảnh ở Châu Đốc. Tuy nhiên, khi nghiệp đoàn giải tán, anh em trong nhóm cũng lập thành những nhóm chụp ảnh riêng để mưu sinh tại các tỉnh, thành vào dịp Tết Nguyên đán hoặc những lễ hội trong nước.
Ngoài ảnh đã được in ra, khách còn xin thêm file để đăng mạng xã hội. Ảnh: Duy Tân |
“Từ 27 tháng Chạp, anh em chúng tôi gần 20 nam, nữ cùng rời An Giang đến Cần Thơ để chụp ảnh dạo. Đường hoa xuân Cần Thơ thu hút rất đông khách đến tham quan, chụp ảnh. Nhờ khách đi theo nhóm và gia đình nhiều nên nhu cầu chụp ảnh tăng cao”, ông Lộc nói.
Một thợ đang chăm chú chụp ảnh cho khách. Ảnh: Duy Tân |
Để làm nghề chụp ảnh dạo, ông Lộc chuẩn bị máy ảnh cơ nhỏ gọn, kèm flash… Mỗi ngày, ông chụp cho hơn 10 khách, giá mỗi bức ảnh dao động từ 30.000 - 60.000 đồng (tùy kích cỡ). Nhờ đó, ông có thu nhập từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày.
Máy ảnh cơ nhỏ gọn để làm nghề. Ảnh: Duy Tân |
Cũng theo ông Lộc, phối cảnh trong đường hoa xuân đẹp mắt, linh vật dễ thương và được sắp xếp cách xa nhau để phòng dịch Covid-19 nên việc chụp ảnh cũng thuận tiện hơn. Hầu hết người dân đều thực hiện nghiêm 5K, chỉ khi chụp ảnh thì mới cởi khẩu trang. Chụp ảnh xong là lập tức đeo lại khẩu trang mới di chuyển sang nơi khác.
Chị Nguyễn Mỹ Huệ (38 tuổi, ngụ TP.Châu Đốc), thợ chụp ảnh, phấn khởi cho biết chỉ trong buổi sáng mùng 4 tết, chị có được 10 khách, với số lượng này, coi như hôm nay chị “trúng mánh”. “Khách chụp đa phần là gia đình và người lớn tuổi. Còn người trẻ ít có nhu cầu, bởi họ có điện thoại thông minh và máy ảnh du lịch nhỏ gọn”, chị Huệ cho biết.
Những tấm ảnh mẫu giới thiệu để khách chụp ảnh. Ảnh: Duy Tân |
Cũng theo chị Huệ, để có những tấm ảnh ưng ý nhất trong vườn hoa đông nghịt người, ngoài việc đợi thời điểm thích hợp để chụp và sắp xếp đứng ở tiểu cảnh nổi bật, đẹp mắt, thì hình ảnh phải đủ sáng mới cho ra tấm ảnh chất lượng, vừa ý khách.
Khoảng mùng 6 Tết, khi vườn hoa xuân Cần Thơ bế mạc, những người thợ chụp ảnh dạo sẽ di chuyển về núi Sam (TP.Châu Đốc, An Giang) để chụp cho khách hành hương và ăn tết muộn cùng gia đình.
Theo DUY TÂN (TNO)
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu