Những điều kiêng kỵ khi cho và nhận lì xì Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày đầu năm, các gia đình bắt đầu sum họp trò chuyện với nhau, cùng nâng ly chúc mừng năm mới. Tục lì xì cũng đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam, tuy nhiên, không phải ai cũng biết những điều kiêng kỵ khi cho và nhận lì xì Tết.

 
 Tặng lì xì Tết là một phong tục truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Thanh Ngọc
Tặng lì xì Tết là một phong tục truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Thanh Ngọc


Lì xì ngày Tết với ý nghĩa chúc nhau may mắn, sung túc, tài lộc, khỏe mạnh và an khang. Tiền lì xì là tiền đem lại điều may mắn, điều lành, điều tốt cho trẻ em dịp đầu năm.

Không chỉ người lớn lì xì trẻ nhỏ mà còn là con cháu mừng tuổi bố mẹ, ông bà; bạn bè, đồng nghiệp lì xì lẫn nhau.

Tuy nhiên, khi cho và nhận lì xì Tết, bạn cần phải tránh phạm phải những điều kiêng kỵ sau:

Không lì xì số lẻ

Nhiều người vẫn quan niệm rằng "điều tốt luôn đi đôi", do vậy, số chẵn là tượng trưng cho những con số tốt lành. Tiền đặt trong bao lì xì phải là số chẵn.

Những năm gần đây, thay vì lì xì theo những số chẵn 50.000 đồng,100.000 đồng,... thì nhiều người hiện nay thích lì xì theo những con số may mắn. Chẳng hạn như số 6 có nghĩa là "Lộc" hoặc số 8 có nghĩa là "Phát" – làm ăn phát đạt; hay số 10 có nghĩa là hoàn hảo,....

Một vài con số khác như 168 có ý nghĩa là "Phát lộc phát tài"; 188 có số 8 tượng trưng cho sự phát tài, phát lộc. Số 188 lặp lại số 8 hai lần ý bảo "Mau chóng phát lộc phát tài".

1001 là "độc nhất vô nhị", muốn bảo người nhận lì xì là duy nhất, không ai có thể thay thế.

Thế nhưng, số 4 dù cũng là số chẵn, nhưng tiền lì xì ngày Tết cần phải tránh số 4 như 40.000 đồng, 400.000 đồng. Bởi theo dân gian, số 4 là số không may mắn.

Không dán kín bao lì xì

Phong bao lì xì không dán kín giúp người nhận có thể mở dễ dàng, điều này có thể mang đến một năm an nhàn, thuận lợi, may mắn trong cả cuộc sống gia đình và công việc. Do vậy phong bao lì xì không nên dán kín tránh việc tạo khó khăn cho người nhận.

Không sử dụng tiền cũ

Khi lì xì bạn cần dùng tiền mới để mọi điều cũ thì trôi qua và trao tặng sự mới mẻ.

Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, tốt nhất không nên để gấp tiền lì xì. Bạn nên sử dụng phong bao lì xì dài, tiền lì xì nên để thẳng trong bao để tài lộc chứa đựng được nhiều hơn, cũng như là tài lộc không bị chia đôi, hao hụt. Đường tài lộc cũng vì thế mà thuận lợi, suôn sẻ hơn.

Số tiền trong bao lì xì trao cho trẻ phải bằng nhau

Số tiền lì xì cho con cháu nên bằng nhau, để tránh việc họ cho rằng người lớn tuổi thiên vị, so bì tị nạnh làm mất hòa khí ngày Tết.

Không nhận lì xì bằng một tay

Với người nhận phong bao, dù người trao là người lớn hay nhỏ hơn đều nên nhận bằng hai tay để bày tỏ sự tôn trọng với người tặng.

Không mở lì xì trước mặt người tặng

Trên thực tế, ai cũng tò mò về số tiền được lì xì phong bao đỏ. Nhưng việc bạn mở lì xì trực tiếp trước mặt những người tặng được xem là hành động rất bất lịch sự. Việc làm này thể hiện sự không tôn trọng đối phương, xem nặng đồng tiền hơn tấm lòng người tặng.

Không vòi vĩnh lì xì

Việc vòi thêm lì xì từ ông bà, cha mẹ, người thân là bất kính cùng với đó là làm mất đi ý nghĩa truyền thống của bao lì xì ngày đầu năm.

https://laodong.vn/chuyen-nha-minh/nhung-dieu-kieng-ky-khi-cho-va-nhan-li-xi-tet-1000501.ldo

Theo THIÊN MINH (t/h, LĐO)

Có thể bạn quan tâm