Vì sao sân bay này khó hạ cánh nhất thế giới, chỉ 50 phi công làm được?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Được coi là một trong những sân bay khó hạ cánh nhất thế giới bởi việc di chuyển trên một đường băng ngắn giữa hai đỉnh núi cao hơn 5.400m đòi hỏi cả kiến thức kỹ thuật và thần kinh thép.

Sân bay quốc tế Paro và những điều kiện đầy thử thách của nó làm tăng thêm sự huyền bí xung quanh chuyến du lịch đến Bhutan, vương quốc trên dãy Himalaya với khoảng 800.000 dân.

Các điều kiện độc đáo khi bay đến và đi khỏi Paro không dành cho những chiếc máy bay phản lực cỡ lớn. Nhưng đối với những người hâm mộ hàng không, đó là một phần sức hấp dẫn của việc ghé thăm Vùng đất Rồng Sấm (Land of the Thunder Dragon).

Điều đầu tiên: Paro "khó khăn nhưng không nguy hiểm", cơ trưởng Chimi Dorji, người đã làm việc tại hãng hàng không quốc gia quốc gia Bhutan, Druk Air (còn gọi là Royal Bhutan Airlines), trong 25 năm, cho biết. "Đây là thử thách về kỹ năng của phi công nhưng không nguy hiểm, vì nếu nguy hiểm, tôi sẽ không bay", anh chia sẻ.

Sân bay quốc tế Paro chỉ có một đường băng trải nhựa dài 2.265m
Sân bay quốc tế Paro chỉ có một đường băng trải nhựa dài 2.265m

Vậy, những gì khiến Paro trở nên độc đáo? Đó là sự kết hợp của các yếu tố địa lý và cảnh quan tuyệt đẹp.

Paro là sân bay loại C, có nghĩa là phi công phải được đào tạo đặc biệt để bay tới đó. Họ phải tự thực hiện việc hạ cánh bằng các thao tác thủ công, không có radar. Như Dorji nói, điều quan trọng đối với các phi công là phải biết cảnh quan xung quanh sân bay - nếu làm rối tung nó dù chỉ một phần nhỏ, bạn có thể hạ cánh trên nóc nhà của ai đó.

"Ở Paro, bạn thực sự cần phải có kỹ năng địa phương và năng lực về kiến thức địa phương. Chúng tôi gọi đó là đào tạo năng lực khu vực hoặc đào tạo lộ trình bay từ bất kỳ đâu đến Paro," anh nói với CNN Travel.

Bhutan nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ có hơn 97% diện tích là núi. Thủ đô của đất nước, Thimpu, ở độ cao 2.350m so với mực nước biển. Paro thấp hơn một chút, ở 2.250m.

Sân bay Paro nhìn từ trên cao
Sân bay Paro nhìn từ trên cao

Dorji, người ngoài việc lái máy bay hiện còn đào tạo phi công của Druk Air, giải thích: "Ở những độ cao cao hơn, không khí loãng hơn, vì vậy về cơ bản, máy bay phải bay trong không trung nhanh hơn".

Tiếp theo, vấn đề cần xem xét là thời tiết. Bất kỳ ai đã bay đến Paro - từ New Delhi, Bangkok, Kathmandu, hoặc tính đến tháng 10 năm 2024, Hà Nội - rất có thể phải thức dậy sớm cho chuyến bay của họ. Đó là bởi các quan chức sân bay khuyến khích tất cả các máy bay hạ cánh trước buổi trưa để đảm bảo an toàn tối ưu do điều kiện gió mạnh.

Dorji nói: "Chúng tôi cố gắng tránh các hoạt động sau buổi trưa vì khi đó sẽ có rất nhiều gió, nhiệt độ tăng cao và mưa".

Tuy nhiên, vấn đề còn ở chỗ, không có chuyến bay đêm nào ở Paro bất kể mùa nào do thiếu radar.

Cuối cùng, anh nói, một phần của quá trình đào tạo phi công không chỉ là biết cách bay - mà còn là biết khi nào không nên bay và có thể thực hiện quyết định khi không phải là thời điểm an toàn để cất cánh.

Yếu tố khác nữa tạo nên độ khó của Paro là thứ mà Dorji gọi là "chướng ngại vật", cụ thể là địa hình đồi núi bao quanh sân bay. Đường băng của Paro chỉ dài 2.265m và được bao quanh bởi hai ngọn núi cao. Do đó, phi công chỉ có thể nhìn thấy đường băng từ trên không khi họ chuẩn bị hạ cánh trên đó.

Tuy nhiên, mọi thứ đang thay đổi ở Bhutan và ngành hàng không là một trong số đó. Sắp tới, một sân bay mới thuận tiện hơn sẽ được xây dựng ở Gelephu, ở phía nam Bhutan gần biên giới Ấn Độ. Sự khác biệt đáng chú ý nhất giữa Gelephu và Paro là địa hình - Gelephu bằng phẳng hơn nhiều và có đủ chỗ để xây đường băng dài hơn, dễ dàng hơn cho các phi công không chuyên và có thể tiếp nhận các máy bay phản lực cỡ lớn.

Bhutan sẽ xây dựng sân bay mới có các điều kiện tốt hơn Paro
Bhutan sẽ xây dựng sân bay mới có các điều kiện tốt hơn Paro

Trong vòng vài năm nữa, có thể sẽ có các chuyến bay thẳng đến Bhutan từ Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông.

Ngành công nghiệp hàng không vẫn còn tương đối trẻ ở Bhutan. Druk Air được thành lập vào năm 1981 - so sánh với năm 1919 của KLM, 1920 của Qantas và 1928 của Delta Air Lines.

Và mặc dù Bhutan chỉ có vài chục phi công được cấp phép, nhưng quốc gia này đã nêu rõ mối quan tâm đến việc tuyển dụng và đào tạo thêm nhiều phi công trẻ tại địa phương chứ không chỉ tuyển dụng từ nước ngoài.

Các phi công có nguyện vọng phải thể hiện khả năng bay trong tất cả các mùa khác nhau của Bhutan. Với tư cách là hãng hàng không quốc gia, Druk Air tự chịu trách nhiệm lớn về việc đào tạo phi công.

"Tôi tự coi mình… là cầu nối giữa thế hệ cũ và thế hệ mới", Dorji, 43 tuổi, nói. Anh cho biết, chỉ có 50 phi công được cấp phép ở Bhutan, nhưng con số đó có thể dễ dàng tăng gấp đôi trong vài năm tới.

Theo Vi Nguyễn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

Về Đak Trôi khám phá thác Ya Gloong

(GLO)- Ẩn sâu trong núi rừng và có phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thác Ya Gloong (thuộc địa phận làng Đăk Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là điểm đến lý tưởng của du khách gần xa khi đến khám phá, chiêm ngưỡng.