Uống vitamin C đúng cách như thế nào để phòng dịch virus Corona?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo bác sĩ Lại Thanh Hà - Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), khi sử dụng vitamin C phòng virus Corona nên có chỉ định của bác sĩ để phù hợp với thể trạng từng người tránh tác dụng phụ.



Theo Channel NewsAsia, trước diễn biến phức tạp và số ca do virus Corona liên tục tăng lên, cuối tuần qua tại Hong Kong, hàng trăm người đã xếp hàng trong nhiều giờ để mua khẩu trang và các sản phẩm tăng cường miễn dịch đặc biệt là vitamin C. Tại Việt Nam, nhiều người dân cũng truyền tai nhau về khả năng tăng sức đề kháng của loại vitamin này nên đổ xô đi mua về uống để nâng cao thể trạng phòng dịch virus Corona

Vitamin C có tác dụng ra sao?

Vậy tác dụng của vitamin C như thế nào, có ý nghĩa ra sao trong việc phòng virus và dùng bao nhiêu là đủ? Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Lại Thanh Hà - Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) đã phân tích rõ về tác dụng và mặt trái nếu dùng quá nhiều vitamin C.

Theo đó, vitamin C là một vi chất dinh dưỡng rất quan trọng vì tham gia vào tất cả phản ứng trao đổi chất của cơ thể. Cơ thể con người không thể tự tổng hợp được vitamin C, chính vì vậy phải nhờ vào lượng thức ăn đưa vào.

Vitamin C có nhiều trong rau tươi và hoa quả tươi. Khi cơ thể thiếu vitamin C sẽ dẫn đến hội chứng Scorbut. Đây là một trong những căn bệnh điển hình khi cơ thể bị thiếu vitamin C. Các triệu chứng biểu hiện lâm sàng của bệnh Scorbut gồm có: viêm lợi, răng dễ rụng, sưng khớp, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da,... dẫn đến nhiễm trùng.


 

1 Bác sĩ Lại Thanh Hà - Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội).
 Bác sĩ Lại Thanh Hà - Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội).



Vì thế cho đến nay Vitamin C được chứng minh giúp tăng sức đề kháng, tăng miễn dịch của cơ thể, tham gia vào quá trình chuyển hóa của cơ thể như chuyển hóa protid, lipid, glucid.

Đồng thời, tham gia vào quá trình tổng hợp một số chất như catecholamin, hormon vỏ thượng thận, tăng tạo ra interferon. Ngoài ra vitamin C còn chống oxy hóa bằng cách trung hòa các gốc tự do sinh ra từ các phản ứng chuyển hóa trong cơ thể, từ đó bảo vệ được tính toàn vẹn của màng tế bào.

Nên dùng vitamin C với liều lượng ra sao?

Vitamin C thường được bác sĩ chỉ định kê khi cơ thể có dấu hiệu nhiễm trùng, ung thư, dị ứng hoặc trường hợp nghiện thuốc lá, nghiện rượu.... Tuy nhiên liều lượng vitamin C được khuyến cáo từ 0,2 - 0,5 g/ngày.

Vì thế, không nên uống quá 1 g/ngày. Khi thừa vitamin C dễ dẫn đến nguy cơ rối loạn tiêu hóa, loét dạ dày, tá tràng, viêm bàng quang, tiêu chảy, tăng tạo sỏi thận, gây bệnh gút, giảm độ bền hồng cầu, cản trở hấp thụ vitamin A, B12 và có thể gây ra hiện tượng ức chế ngược nếu ngừng đột ngột.

Theo bác sĩ Hà, khi sử dụng vitamin C nên có chỉ định của bác sĩ. Trong chế độ ăn hàng ngày khi ăn đủ rau xanh và hoa tươi thì lượng vitamin C đã khá đầy đủ.

Uống vitamin C nên uống sau ăn và nên uống dạng sủi hoà tan giúp hấp thu nhanh hơn. Mỗi ngày uống 1 viên C đúng theo khuyến cáo. Ngoài ra, theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, rất nhiều hoa quả có vitamin C như bưởi, rau xanh....

"Hiện tại dịch virus Corona đang bùng phát nên việc phòng tránh lây nhiễm virus này cần phải thận trọng. Bởi viêm phổi cấp này có nguyên nhân, virus gây bệnh rõ ràng.

Chính vì thế để phòng bệnh việc tốt nhất là tránh bị phơi nhiễm với mầm bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc nơi đông người, ăn thực phẩm chín,... Vì thế không phải chỉ sử dụng vitamin C đã có thể phòng bệnh 100%. Đó chỉ là yếu tố giúp nâng cao thể trạng" -bác sĩ Hà nhấn mạnh.

 

Theo Thảo Anh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ 'đại bổ' nhưng những người này ăn vào chẳng khác gì tự đầu độc

Táo đỏ (táo tàu) từ lâu đã được xem là một loại ‘thần dược’ với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như bổ máu, an thần, tăng cường miễn dịch,…Tuy nhiên, một số người cần đặc biệt thận trọng hoặc tránh xa táo đỏ để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.