Ươm mầm cho những ước mơ vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai còn giúp nhiều em học sinh nghèo được đến trường. Cũng chính từ đây, nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng biên đã nỗ lực vươn lên, quyết học lấy con chữ để biến ước mơ thành hiện thực.

Theo chân cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Chía (huyện Ia Grai), chúng tôi đến nhà em Rmah Miên ở làng Bía, xã Ia Chía. Đó là một căn nhà nhỏ nằm dưới con dốc trơn trượt. Dù đã bước sang tuổi 11 nhưng Miên chỉ mới học đến lớp 2 bởi gia cảnh khốn khó. 3 năm trước, cha của em mất trong một vụ tai nạn giao thông khiến gia đình đã khó càng thêm khổ. Không kham được gánh nặng gia đình, mẹ Miên dắt 3 đứa con về nhà bà ngoại nương nhờ. Cũng từ đó, niềm vui được đến trường của em đành ngắt quãng. Chị Rmah Plui (mẹ Miên) tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tiền ăn cũng không có nên học đến lớp 2 nó phải nghỉ để đi nhặt hạt điều hay đi mót mủ cao su bán  lấy tiền mua gạo. Ngày nghỉ học, nó cứ khóc miết nhưng mình cũng không biết làm sao”.

 

Thượng úy Lê Thanh Hải (Đồn Biên phòng Ia Nan) tới giúp chuẩn bị đưa em Rơ Châm H’Bình đến trường. Ảnh: Lê Anh
Thượng úy Lê Thanh Hải (Đồn Biên phòng Ia Nan) tới giúp chuẩn bị đưa em Rơ Châm H’Bình đến trường. Ảnh: Lê Anh

Nhiều lúc đứng nhặt hạt điều, Miên cứ bần thần nhìn những bạn cùng trang lứa tung tăng cắp sách tới trường. Biết được gia cảnh của Miên, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Chía đã đến vận động gia đình cho em đi học trở lại. Dù biết con gái rất thích đến trường nhưng chị Plui vẫn lắc đầu từ chối. Thế nhưng, khi nghe Bộ đội Biên phòng giải thích sẽ giúp đỡ cháu mỗi tháng 500 ngàn đồng để gia đình nuôi cháu, còn sách, vở, áo quần, bút viết bộ đội sẽ lo, chị Plui mới dám đồng ý. Đêm đó, Miên không ngủ được, cứ ôm mẹ vui mừng, còn chị Plui nằm ôm con mà nước mắt chảy dài vì ước mơ của con mình đã thành hiện thực. Miên trở thành học sinh “đặc biệt” trong năm học 2017-2018 của Trường Tiểu học Cù Chính Lan. Em bước vào lớp 2 khi đã 11 tuổi. Trước khi vào năm học mới, sợ Miên lâu ngày quên cái chữ, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị lại đến nhà giúp Miên học lại chương trình lớp 1, tạo động lực cho em tự tin đến lớp.

Cũng trong chuyến công tác, chúng tôi theo cán bộ, chiến sĩ Đội Công tác địa bàn Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ) đến nhà chị Rơ Châm H’Phuil (làng Tung, xã Ia Nan). Căn nhà thưng ván, lợp tôn rộng chỉ hơn 30 m2 là nơi sinh hoạt của 4 người trong gia đình. Nhấc từng bước chân tập tễnh, chị H’Phuil ra cửa đón chúng tôi. Qua tìm hiểu được biết, chồng chị mất năm 2010 nên chị và 2 con nhỏ trở về sống với ông bà ngoại trong căn nhà tạm bợ. Miếng ăn còn chật vật nên việc học của 2 đứa con cũng trở nên xa vời. Biết được gia cảnh của chị H’Phuil, cán bộ Đồn Biên phòng Ia Nan đã nhận đỡ đầu để em Rơ Châm H’Bình, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Kpă Klơng (xã Ia Nan) có cơ hội tiếp tục được đến trường.

Tại xã biên giới Ia Dom (huyện Đức Cơ), gần 5 năm nay, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh luôn duy trì “Bếp ăn tình thương” giúp đỡ cho 12 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã. Các em mỗi người một hoàn cảnh, em thì mất cha, em thì mất mẹ, cũng có trường hợp mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tại bếp ăn của Đội Công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, hàng ngày, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng lo cho các em từng bữa ăn. Nhờ đó, dù gia đình khó khăn và ở xa nhưng các em vẫn có thể viết tiếp ước mơ đến trường.

Tính đến cuối năm 2017, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã nhận giúp đỡ 48 em học sinh (trong đó có 4 em học sinh người Campuchia) được đi học đến hết lớp 12 với hình thức hỗ trợ mỗi em 500 ngàn đồng/tháng. Số tiền này do cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trong lực lượng Biên phòng tỉnh đóng góp hàng tháng và được trao đến tận tay các em học sinh. Đại tá Lê Thuần Huy-Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cho biết: “Chương trình “Nâng bước em đến trường” được chúng tôi thực hiện gần 2 năm qua. Nhiều học sinh có gia cảnh khó khăn đã được chúng tôi giúp đỡ để có điều kiện đến trường. Chúng tôi sẽ thực hiện chương trình này dài lâu để giúp đỡ các em vùng biên giới có hoàn cảnh khó khăn”.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm