Tuyển sinh đầu cấp tại TP. Pleiku: Nỗ lực "hạ nhiệt"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm học 2017-2018, TP. Pleiku tuyển sinh 144 lớp 1 với chỉ tiêu 4.117 học sinh và 104 lớp 6 với chỉ tiêu 4.403 học sinh. Những nỗ lực của ngành Giáo dục-Đào tạo thành phố trong suốt những năm qua đã giúp “hạ nhiệt” đa phần các “điểm nóng” trong mùa tuyển sinh năm nay. Nhưng cuộc đua “chạy trường” mà không ít phụ huynh bị cuốn theo vẫn như những “cơn sốt ngầm” gây ra áp lực không đáng có cho mỗi mùa tuyển sinh.
 

Việc thu nhận hồ sơ diễn ra rất trật tự ở Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Pleiku). Ảnh: H.U
Việc thu nhận hồ sơ diễn ra rất trật tự ở Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Pleiku). Ảnh: H.U


Thành phố Pleiku cam đoan không để cho em học sinh đầu cấp nào trên địa bàn không có trường học; các em học sinh thực ở trên địa bàn phường, xã nào sẽ được tuyển sinh vào trường đúng tuyến của địa bàn đó và các hồ sơ dù nộp ngày đầu hay nộp ngày cuối trong thời gian tuyển sinh (ngày 10 đến 22-7) đều có giá trị như nhau. Vì thế phụ huynh không nên quá lo lắng mà gây ra những áp lực không đáng có trong đợt tuyển sinh.
 

Ông Nguyễn Hồng Trinh-Phó Trưởng phòng phụ trách
Phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku

Đúng 13 giờ 30 phút ngày 10-7, đồng loạt 81 trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn TP. Pleiku triển khai công tác tuyển sinh cho năm học mới 2017-2018. Trật tự, thoải mái là nhận định chung của nhiều phụ huynh khi tham gia nộp hồ sơ cho con. Ngay cả với Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring), một trong những trường được đánh giá đứng tốp đầu cấp tiểu học của TP. Pleiku, việc thu nhận hồ sơ cũng diễn ra rất trật tự. Chị Huỳnh Thị Thu Loan-một phụ huynh phường Ia Kring nhận xét: “So với lần nộp hồ sơ cho đứa con đầu cách đây 4 năm thì năm nay phụ huynh không cảm thấy có bất cứ áp lực nào. Nhà trường mời phụ huynh vào phòng ngồi rất trật tự, chờ đến lượt thì lên nộp hồ sơ. Nhờ có quy định rõ ràng về thời gian nhận hồ sơ học sinh theo nguồn gốc hộ khẩu (theo cha mẹ, theo ông bà, hoặc theo bà con và người quen) nên không có cảnh chen lấn hay ồn ào gì hết”.

Quy trình tuyển sinh được thống nhất chung cho tất cả các trường với chỉ đạo cụ thể về kế hoạch tuyển sinh từ phía Phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku là giải pháp cấp thiết. Nhưng để “hạ nhiệt” thực sự các trường “điểm nóng” thì phải kể đến những giải pháp căn cơ đã được ngành Giáo dục-Đào tạo tập trung trong suốt những năm qua. Hiệu quả nhất phải kể đến là việc mở rộng mô hình lớp bán trú cho các trường mầm non, tiểu học và việc rút ngắn khoảng cách giáo dục giữa các trường trong cùng cấp học.

Cô giáo Nguyễn Thị Thoa-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (phường Hội Phú) khá lạc quan với công tác tuyển sinh năm nay vì: “Kể từ năm học trước, nhà trường đã mở được lớp bán trú, cộng với đội ngũ giáo viên luôn nhiệt tình và trách nhiệm với học sinh nên ngày càng có nhiều phụ huynh trên địa bàn tin tưởng gửi con em theo học, không còn phải chịu cảnh khó tuyển sinh của trường vùng ven”.

Hay như chuyện hiếm gặp vừa diễn ra trong buổi tuyển sinh đầu tiên ở Trường THCS Trưng Vương (phường Diên Hồng). Một phụ huynh trên địa bàn chủ động nộp hồ sơ xin học mặc dù trước đó đã “gửi hộ khẩu” cho con về phường Ia Kring (thuộc địa bàn tuyển sinh của Trường THCS Nguyễn Du). Điều này cho thấy đã có những thay đổi về nhận thức của phụ huynh trong việc lựa chọn môi trường giáo dục cho con em mình. Lý giải về một trong những nguyên nhân của hiện tượng này, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương-ông Bùi Hữu Nghĩa cho biết: “Một số phụ huynh nhận thấy chất lượng giảng dạy của nhà trường trong năm học vừa qua, thể hiện trên số liệu học sinh khá giỏi (hơn 70%), số lượng các giải thưởng học sinh giỏi các cấp (61 giải-có cả giải quốc gia) và kể cả hoạt động phong trào, đoàn thể nên đã có sự tin tưởng, do đó việc chạy trường hoặc nộp hồ sơ trái tuyến chắc chắn là sẽ giảm thiểu đáng kể”.

Tuy nhiên, trên thực tế, dù ngành chức năng nỗ lực “hạ nhiệt” nhưng vẫn không thể xóa bỏ triệt để cuộc đua chạy trường. Bởi nhu cầu của phụ huynh thì muôn hình mà phần “cung” của địa phương thì vẫn còn hạn chế. Theo tìm hiểu của P.V, với Luật Cư trú ngày càng thông thoáng, việc tách khẩu, nhập khẩu, thậm chí tách hộ được thực hiện khá dễ dàng. Chính vì vậy, hiện không hiếm những trường hợp, con ngay từ lúc lọt lòng đã được nhập hộ khẩu vào địa bàn có trường học mà phụ huynh “nhắm chọn” trước. Thậm chí, nhập mẹ/bố theo con rồi tách hộ ra thành một hộ khẩu riêng mặc dù thực tế không hề cư trú trên địa bàn. Đây là những thử thách không nhỏ cho giải pháp tuyển sinh phân chia theo địa bàn cư trú mà TP. Pleiku đang áp dụng.

Phải khẳng định rằng, việc lựa chọn môi trường giáo dục cho con em mình là nhu cầu chính đáng của các bậc phụ huynh và hoàn toàn phù hợp với Luật Giáo dục. Thế nhưng, với tình hình thực tế như hiện nay, việc áp dụng các quy định phân chia địa bàn và căn cứ nguồn gốc hộ khẩu để tuyển sinh là giải pháp tối ưu nhằm tạo điều kiện học tập và chăm sóc thuận lợi nhất cho tất cả các em học sinh trên địa bàn.

 Hải Uyên

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.