Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết các dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới tôn vinh là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa. Người đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta những di sản vô giá, trong đó, tư tưởng nổi bật và chủ đạo của Người là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung, xây dựng khối đoàn kết các dân tộc thiểu số nói riêng.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều quãng thời gian gắn bó với vùng đồng bào dân tộc. Ngày 28-1-1941, sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc, sau này là Hồ Chí Minh đã về đến Pắc Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng - là nơi dừng chân ban đầu, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Sau đó, Người tiếp tục dùng những địa danh: Định Hóa (Thái Nguyên); Tân Trào, Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) làm vùng căn cứ địa cách mạng cho đến tháng 8 năm 1945. Nơi đây chính là vùng sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Mông… Họ đã ngày đêm che chở, bao bọc, nuôi dưỡng, bảo vệ cách mạng; là những người đầu tiên hưởng ứng và tham gia khởi nghĩa, làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngoài cùng bên trái) với các đại biểu về dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ I, ngày 3/12/1945 (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngoài cùng bên trái) với các đại biểu về dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ I, ngày 3-12-1945 (Ảnh tư liệu)

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, cùng với những vấn đề vô cùng cấp bách trước mắt cần phải thực hiện ngay như: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm; mở rộng quan hệ với các nước tiến bộ trên thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam… Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác dân tộc. Điều này được chứng minh qua việc trong cơ cấu thành phần tham gia Quốc hội khóa I đã có sự tham gia của đại diện các dân tộc thiểu số. Với cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã mời đại diện các dân tộc thiểu số tham gia Chính phủ hoặc giữ trọng trách ở các cơ quan Trung ương và địa phương.

Tư tưởng về củng cố, xây dựng khối đoàn kết giữa các dân tộc thiểu số đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương hiến định trong Hiến pháp. Tại kỳ họp lần thứ 11, Quốc hội khoá I, ngày 18-12-1959, trong báo cáo do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo giải trình về việc xây dựng dự thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà đã khẳng định: "Nước ta là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Các dân tộc anh em trong nước ta gắn bó ruột thịt với nhau trên một lãnh thổ chung và trải qua một lịch sử lâu đời cùng nhau lao động và đấu tranh để xây dựng Tổ quốc tươi đẹp. Đế quốc và phong kiến cố tình phá hoại tình đoàn kết và sự bình đẳng giữa các dân tộc, gây thù hằn giữa các dân tộc, thi hành chính sách "chia để trị". Đảng và Chính phủ ta luôn luôn kêu gọi các dân tộc xoá bỏ xích mích do đế quốc và phong kiến gây ra, cùng nhau đoàn kết chặt chẽ trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Các dân tộc thiểu số đã sát cánh với anh em đa số chiến đấu chống kẻ thù chung, đưa Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến đến thắng lợi. Từ ngày hoà bình lập lại, Nhà nước ta đã giúp đỡ các dân tộc anh em tiến bộ thêm về mặt kinh tế, văn hoá và xã hội. Các dân tộc đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đang hăng hái thi đua xây dựng nước nhà. Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội…"[1]

Chỉ hơn 3 tháng sau ngày giành được chính quyền và tuyên bố với toàn thế giới về sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Chính phủ đã sớm tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ngày 3-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nói chuyện với các đại biểu về dự Đại hội. Người nói rất ngắn gọn, nhưng đã tập trung nêu bật vấn đề phải xây dựng khối đoàn kết giữa các dân tộc thiểu số. Người cho rằng: "Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa…".[2]

Cũng trong ngày 3-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi các đại biểu về dự Đại hội các dân tộc thiểu số lần thứ nhất. Trong thư, Người nhấn mạnh: "Xưa kia, nước ta còn chế độ nhà vua, thì triều đình ít chăm nom đến các dân tộc thiểu số. Trong thời kỳ Pháp thuộc, thì chúng xui dân tộc này chống dân tộc kia. Chúng làm cho đồng bào ta chia rẽ. Chúng tìm mọi cách đè nén bóc lột các dân tộc ta. Ngày nay, nhờ sự đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc, nhờ sự hy sinh phấn đấu của tất cả đồng bào, mà chúng ta tranh được quyền tự do độc lập, và xây nên nước Dân chủ Cộng hòa. Từ đây về sau, các dân tộc đã đoàn kết càng phải đoàn kết thêm, đã phấn đấu càng phải phấn đấu nữa, để giữ gìn quyền độc lập cho vững vàng để xây dựng một nước Việt Nam mới. Khi khó nhọc chúng ta cùng gắng sức, lúc thái bình chúng ta cùng hưởng chung…".[3]

Tuy là Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc, nhưng do điều kiện đường xá lúc bấy giờ hết sức khó khăn, xa xôi nên nhiều dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên và Nam bộ không ra dự được, nên hơn 4 tháng sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Chính phủ tiến hành Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, tổ chức tại Pleiku. Lúc này, do bận nhiều việc nước trong những này đầu mới thành lập, nên Người không vào dự được. Ngày 19-4-1946, từ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Đại hội. Trong thư Người nhấn mạnh: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu giây liên lạc, hai là vì có kẻ xui giục để chia rẽ chúng ta. Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có "NHA DÂN TỘC THIỂU SỐ" để săn sóc cho tất cả các đồng bào. Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta…".[4]

Trong cuộc kháng chiến 9 năm sau đó (1946 - 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn bộ Chính phủ đã quay trở lại Tân Trào, sử dụng lại nơi này làm căn cứ địa cách mạng, tiếp tục chỉ huy cuộc kháng chiến trường kỳ đánh đuổi thực dân Pháp, làm nên thắng lợi trận Điện Biên Phủ vang dội năm châu, chấn động địa cầu. Suốt một dải chiến dịch đều nằm trọn trong địa bàn vùng rừng núi Tây Bắc, là nơi sinh sống chủ yếu của rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như: Thái, Mường, Tày, Nùng, Mông… Để có được chiến thắng đó, trước hết, những người chỉ huy cuộc cách mạng và toàn dân tộc Việt Nam, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số đã xây dựng được khối đoàn kết, tạo ra sức mạnh to lớn đánh đuổi đế quốc thực dân, phong kiến. Chính giai đoạn này đã củng cố thêm những tư tưởng trong con người và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng khối đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tư tưởng ấy càng về sau càng hoàn thiện.

Sau khi kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp kết thúc, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới chia cắt tạm thời giữa hai miền Nam – Bắc, theo đó, quân Pháp rút khỏi miền Bắc và miền Bắc tiến thẳng lên xây dựng xã hội XHCN. Trong dư âm của chiến thắng hào hùng trận Điện Biên Phủ và hào khí sôi động của công cuộc xây dựng xã hội XHCN ở miền Bắc, Chính phủ và Bác Hồ càng ra sức quan tâm hơn tới cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, nhất là vùng Tây Nguyên và Nam bộ lúc này vẫn nằm trong sự quản lý của bọn tay sai bán nước và bè lũ đế quốc thực dân. Người luôn đau đáu một nỗi lo là làm sao cho đồng bào có đủ cơm ăn, áo mặc, được học hành đầy đủ và điều quan trọng là không ngừng củng cố, xây dựng tình đoàn kết, thân ái, bình đẳng giữa các dân tộc.

Với chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954), một vùng rộng lớn các tỉnh Tây Bắc được giải phóng. Một năm sau, năm 1955, Chính phủ đã quyết định thành lập Khu tự trị Thái - Mèo với mục đích làm cho các dân tộc anh em ở nơi đây dần dần tự quản lý lấy công việc của mình, mau chóng phát triển kinh tế và văn hoá của mình, thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt. Ngày 7-5-1955, Nhân dịp kỷ niệm một năm ngày giải phóng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo, trong thư có đoạn viết: "Từ một năm nay, vùng Tây - Bắc ta được hoàn toàn giải phóng, đó là do các dân tộc đoàn kết chặt chẽ, hăng hái kháng chiến; do bộ đội ta anh dũng đánh giặc; do Đảng và Chính phủ ta lãnh đạo sáng suốt". [5]

Để thực hiện tốt công cuộc xây dựng xã hội XHCN ở miền Bắc, Chính phủ xác định phải quan tâm hơn nữa tới đời sống của đồng bào vùng cao, làm cho vùng miền núi nhanh chóng tiến kịp với miền xuôi. Muốn vậy, phải tăng cường cán bộ, bộ đội và nhân dân từ vùng xuôi lên giúp đỡ đồng bào vùng cao phát triển kinh tế - xã hội. Vì có chủ trương như vậy nên đời sống của đồng bào vùng cao đã khấm khá hơn, tình hình phân bố dân cư cũng phong phú, xen kẽ hơn giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số và giữa các dân tộc thiểu số với nhau. Nhưng điều đó cũng đặt ra yêu cầu phải tăng cường hơn nữa tình đoàn kết giữa các dân tộc. Thời gian này, tuy bộn bề lo toan việc nước, cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ và Quân ủy Trung ương tập trung cao độ sức người và sức của chi viện cho chiến trường miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, song Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không ngừng chăm lo đến đời sống của đồng bào vùng cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ luôn quan tâm, bồi đắp và tạo mọi điều kiện cho người dân được thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ khi nào mọi người dân đều được thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình, tức là làm chủ đất nước, thì khi đó, đất nước mới thực sự độc lập, tự do, bình đẳng, bác ái. Ngày 26-3-1966, khi lên thăm tỉnh Hà Giang, nói chuyện với hơn 1 vạn đồng bào các dân tộc nơi đây tại sân vận động trung tâm tỉnh lỵ, Người khẳng định: "Trước kia, bọn thực dân phong kiến nắm quyền làm chủ, chúng bắt đồng bào ta làm nô lệ. Ngày nay, chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là tất cả đồng bào các dân tộc đều là người chủ nước nhà". Tiếp đó, Người căn dặn đồng bào: "Nhân dân đã làm chủ, thì phải làm gì để xứng đáng là người chủ tốt? Trước hết, tất cả các dân tộc, bất kỳ to hay là nhỏ, đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà. Hai là, đồng bào phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để làm cho mọi người áo ấm cơm no. Muốn như vậy, thì đồng bào vùng thấp cũng như rẻo cao, phải tổ chức nhau lại thành tổ đổi công và hợp tác xã. Người đông thì sức mạnh, sức mạnh thì sản xuất được nhiều hơn. Những nơi đã có tổ đổi công và hợp tác xã thì phải ra sức củng cố nó cho thật tốt và thật vững chắc…".[6]

Giai đoạn những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy đã tuổi cao, sức yếu, nhưng Người vẫn dành nhiều thời gian đi thăm và nói chuyện với đồng bào dân tộc ở các tỉnh vùng cao, luôn quan tâm đến cuộc sống của đồng bào; tìm mọi cách để tiếp tục xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc. Khi biết mình đã "Thất thập cổ lai hy", Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Di chúc để lại cho dân tộc, trong đó Người dặn dò toàn Đảng, toàn dân phải không ngừng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người viết: "(…) NHÂN DÂN LAO ĐỘNG ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. (...) Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".[7]

Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bản Di chúc của Người, trong đó, có phần về đại đoàn kết các dân tộc thiểu số, những năm qua, nhất là thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước ta luôn dành nhiều sự quan tâm đặc biệt đối với vùng miền núi, dân tộc.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (năm 2011), Đảng ta đã tiếp tục khẳng định: "Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh mới. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng; xoá bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung... để tập hợp, đoàn kết mọi người vào mặt trận chung, tăng cường đồng thuận xã hội".

Ngày 14 tháng 1 năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc nhằm bảo đảm và thúc đẩy sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển, tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc cùng chung sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghị định này cũng nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử, chia rẽ, phá hoại đoàn kết các dân tộc; lợi dụng các vấn đề về dân tộc để tuyên truyền xuyên tạc, chống lại đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong bản Hiến pháp năm 2013, đã dành hẳn Điều 5 để nói về vấn đề dân tộc: "Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước".

Các trích dẫn trên đây là những ví dụ điển hình để minh chứng cho thấy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những điều Người dặn dò trong Di chúc về xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nghiêm túc thực hiện, qua đó góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Ghi chú:

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, Tập 9, tr. 579 – 597

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Sđd, Tập 4, tr. 110 – 111

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Sđd, Tập 4, tr. 155 – 156

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Sđd, Tập 4, tr. 217 – 218

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Sđd, Tập 7, tr. 543 – 544

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập. Sđd, Tập 10, tr. 325 – 328

[7] Trích trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo dangcongsan.vn

Có thể bạn quan tâm

"Góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới"

"Góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới"

(GLO)- Trong Di chúc lịch sử để lại cho chúng ta, ngoài việc gửi gắm niềm tin tưởng về một nước Việt Nam “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh“, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi vào đây niềm hy vọng và cũng là yêu cầu chúng ta phải “góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới“.
45 năm lời dặn của Bác: Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về xóa đói, giảm nghèo

45 năm lời dặn của Bác: Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về xóa đói, giảm nghèo

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại, Người Cha già của dân tộc trước khi đi xa đã căn dặn về việc “không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân“. 45 năm qua, thực hiện di huấn của Người, Đảng, Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của người dân.
Ngành Hậu cần Quân đoàn 3 làm theo lời Bác

Ngành Hậu cần Quân đoàn 3 làm theo lời Bác

(GLO)- Ngành Hậu cần Quân đoàn 3 là một trong những “mắt xích“ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Chính vì thế, đơn vị đã cụ thể hóa phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy“ bằng nhiều việc làm thiết thực.
Phụ nữ thực hành tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế

Phụ nữ thực hành tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế

(GLO)- Những năm qua, việc học tập và làm theo gương Bác đã thực sự trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh. Đặc biệt, quá trình học tập, làm theo luôn có sự phân công trách nhiệm rõ ràng đối với từng cán bộ, hội viên và được cụ thể hóa bằng những việc làm như: thực hành tiết kiệm chống tham nhũng lãng phí, sửa đổi tác phong lề lối làm việc, sâu sát cơ sở hay thông qua các mô hình: “kho thóc tình thương“, “ống tiền tiết kiệm“, “hũ gạo tiết kiệm“, “nuôi heo đất“, quỹ “mái ấm tình thương“...
Lời Người dặn về "trồng người"

Lời Người dặn về "trồng người"

Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm chăm lo mọi mặt cho thanh- thiếu niên, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ về lý tưởng, đạo đức cách mạng, về văn hóa, khoa học kỹ thuật, rèn luyện năng lực hoạt động thực tiễn... để thế hệ trẻ kế thừa và phát huy được những kinh nghiệm của các thế hệ trước. Cho đến những dòng cuối cùng để lại trong Di chúc, những lời căn dặn của Người vẫn là nền tảng định hướng cho sự phát triển các thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay.
Lời Bác dặn với "nhiệm vụ then chốt"

Lời Bác dặn với "nhiệm vụ then chốt"

(GLO)- Trong Di chúc, Bác đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. “Trước hết nói về Đảng“, Bác dặn dò: “...Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân“. Những vấn đề về công tác xây dựng Đảng như lời Bác để lại trước lúc ra đi, đã nhiều lần, trong nhiều nội dung các văn kiện của Đảng đã đề cập. Đặc biệt là những năm gần đây.
45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Những cảm nhận của người trong cuộc

45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Những cảm nhận của người trong cuộc

Di chúc Bác viết vào dịp sinh nhật của mình trong suốt 5 năm, khi còn rất minh mẫn, sáng suốt. 5 năm Bác trăn trở, suy nghĩ kỹ càng, viết đi, viết lại, sửa chữa, bổ sung… Do vậy, bản Di chúc tuy vô cùng ngắn gọn súc tích, nhưng hầu như đã chứa đựng toàn vẹn. Bốn mươi lăm năm ngày Bác đi xa, tác giả viết bài này xin nêu những cảm nhận.
Lực lượng vũ trang tỉnh học tập và làm theo gương Bác

Lực lượng vũ trang tỉnh học tập và làm theo gương Bác

(GLO)- Những năm qua, thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng ủy-Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị và phong trào thi đua quyết thắng cùng các cuộc vận động khác.
"Tuổi già nhưng chí không già"

"Tuổi già nhưng chí không già"

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và quan tâm đến người cao tuổi. Người luôn đánh giá cao vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt cuộc đời, dù bận nhiều việc nhưng Hồ Chí Minh vẫn luôn dành cho người cao tuổi Việt Nam những tình cảm ân cần và sự quan tâm sâu sắc.
Ngành Tòa án: Làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngành Tòa án: Làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(GLO)- Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị và Thông tri số 05-TT/TU ngày 16-6-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian qua, ngành Tòa án tỉnh đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức và thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ đó, cán bộ, công chức có sự tiến bộ về nhận thức, nâng cao văn hóa ứng xử, thực hiện dân chủ, hoàn thành các công việc được giao...
Đảng viên phải là tấm gương cho thanh niên

Đảng viên phải là tấm gương cho thanh niên

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng“ vừa “chuyên“. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết“.