“Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” - Đây là câu nói bất hủ của Bác Hồ trong cuộc gặp các cán bộ Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong), tại Đền Giếng (thuộc khu di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ).
Trước khi vào tiếp quản Thủ đô, Đại đoàn 308 có vinh dự được Bác Hồ trực tiếp giao nhiệm vụ. Trong kháng chiến chống Pháp, đã nhiều lần Bác đến với Đại đoàn 308 - đơn vị chủ lực đầu tiên của quân đội ta, nhưng lần này là một cuộc gặp gỡ đặc biệt, vào một thời điểm đặc biệt: Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa thắng lợi; cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới; nơi gặp là một địa linh: Đó là Đền Hùng, biểu tượng của cội nguồn dân tộc.
Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên Phong ngày 19 tháng 9 năm 1954. Ảnh tư liệu |
Chính tại nơi đây, trong cuộc gặp gỡ, giao nhiệm vụ lịch sử với cán bộ Đại đoàn 308, Bác Hồ đã có câu nói bất hủ để lại cho muôn đời con cháu mai sau: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Tháng 9-1954, các trung đoàn thuộc Đại đoàn 308 đang hành quân về tập kết gần Hà Nội. Bỗng có lệnh triệu tập một số cán bộ từ đại đội trở lên đi gặp cấp trên nhận chỉ thị.
Sáng 19-9-1954, cán bộ đại đoàn đã đến Đền Giếng. Đồng chí Đại đoàn phó Vũ Yên tập hợp bộ đội. Cửa Đền Giếng mở, Bác Hồ từ trong nhà bước ra. Mọi người reo lên: “Bác Hồ! Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bác vẫy tay ra hiệu cho mọi người tiến lên, ngồi quanh mình. Rồi Bác cũng ngồi ngay xuống bậc cửa đền. Cũng như mọi lần, cuộc gặp gỡ của Bác với cán bộ Đại đoàn 308 vô cùng thân mật, gần gũi và giản dị. Bác cháu quây quần bên nhau. Bên phải Bác là Chính ủy Song Hào, bên trái Bác là đồng chí Thanh Quảng. Trong tiết thu, trời mát, Bác mặc bộ quần áo nâu, áo khoác ngoài màu sáng, chân đi dép cao su. Bác vừa hỏi: “Các chú có mệt không?”, mọi người đã đồng thanh đáp: “Thưa Bác, không ạ!”.
Chỉ tay lên đền, Bác hỏi: “Các chú có biết đây là nơi nào không? Đây chính là Đền thờ Vua Hùng, tổ tiên chúng ta, người sáng lập nước ta. Bác cháu ta gặp nhau ở đây là rất có ý nghĩa. Ngày xưa, các Vua Hùng dựng nước, nay Bác cháu ta là những người giành lại đất nước. Trải qua bao nhiêu thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô. Tám, chín năm nay, do quân và dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Các chú được Trung ương, Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự rất lớn”.
Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ vào tiếp quản Thủ đô phải giữ nghiêm kỷ luật, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, chống mọi hành động phá hoại của kẻ thù. Phải bảo vệ công thương nghiệp, kể cả công thương nghiệp của ngoại kiều. Bộ đội phải giúp đỡ nhân dân, tuyên truyền giải thích cho nhân dân, không được làm điều gì phiền nhiễu nhân dân, sao cho từ cụ già đến em bé đều quý mến, tin tưởng. Giữ gìn phẩm chất bộ đội cách mạng. Không sa ngã, bắt chước lối sống không tốt. Cán bộ phải gương mẫu, gần gũi chiến sĩ, đoàn kết thương yêu nhau.
Bác nói về tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Bác nhắc nhở quân đội không vì hòa bình mà lơi lỏng tay súng. Còn đế quốc ở miền Nam ta còn phải xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn rất nặng nề. Bác nói: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Lời nói ấy Bác cất lên từ Đền Hùng trở thành một lời hịch thiêng liêng của non sông đất nước, âm vang trong tâm hồn mỗi người con đất Việt ở khắp mọi miền, với mọi thế hệ. Lời căn dặn của Bác không chỉ nói với Đại đoàn 308 mà còn nói với toàn quân, toàn dân, không chỉ nói với thế hệ ngày ấy, thế hệ hôm nay mà còn nói với các thế hệ mai sau. Một lời nói vang vọng thiên thu, trường tồn với đời đời con cháu.
Không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống, lời nói ấy còn có nội hàm là một quy luật. Chỉ vẻn vẹn hai câu mà khái quát cả mấy nghìn năm lịch sử, rút ra quy luật tồn tại và phát triển muôn đời của đất nước và con người Việt Nam: “Dựng nước phải đi đôi với giữ nước”.
Theo Vietnamnet