Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại, Người Cha già của dân tộc trước khi đi xa đã căn dặn về việc “không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. 45 năm qua, thực hiện di huấn của Người, Đảng, Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của người dân.
Một trong những nội dung của việc chăm lo, nâng cao đời sống của nhân dân chính là thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo toàn diện và bền vững.
Trước khi trở về cõi vĩnh hằng, trong Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân, cho hậu thế muôn đời, Hồ Chí Minh đã căn dặn nhiều điều, trong đó không quên nhắc nhở trách nhiệm của Đảng phải chăm lo cho đời sống của nhân dân.
Chăm lo đời sống nhân dân gắn với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt xóa đói giảm nghèo. |
Di chúc của Người có đoạn viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Lời di huấn trên đã được Đảng và Nhà nước ta nghiêm túc thực hiện. Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, nắm bắt nhiều thời cơ và đối mặt không ít thách thức, Đảng và Nhà nước ta vẫn không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cả về vật chất và tinh thần, đáp ứng đúng mong mỏi và nguyện vọng của Người.
Việc chăm lo đời sống của nhân dân là mục tiêu mà khi dấn thân theo con đường cách mạng, Hồ Chí Minh đã xác định rất cụ thể và rõ ràng. Người đã từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Và ngay từ khi lập nước, Người cho rằng, đói nghèo là một trong ba thứ "giặc" cần phải diệt và giao nhiệm vụ cho quốc dân đồng bào "diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm".
Suốt 45 năm qua, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta ra sức thực hiện Di chúc của Người. Đảng đã đề ra và lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công công cuộc đổi mới, đưa nước ta từng bước ra khỏi khủng hoảng, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Đặc biệt, Đảng và Nhà nước không ngừng bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách về xóa đói, giảm nghèo. Nhiều nghị quyết, chỉ thị, chiến lược, quyết định, chính sách quan trọng về công tác xóa đói, giảm nghèo đã được ban hành để phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước. Các chương trình, chính sách giảm nghèo đã huy động sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội (các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội) và sự vươn lên của chính người nghèo..., tạo nguồn lực to lớn cùng với nguồn lực của Nhà nước thực hiện hiệu quả công tác có ý nghĩa xã hội sâu sắc này. Kết quả tích cực của công cuộc xóa đói, giảm nghèo đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng xã hội, an sinh xã hội cho người dân vùng đặc biệt khó khăn.
Tính đến 2011, chỉ trong vòng 25 năm, kể từ năm 1986, Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người dưới 100 đô la Mỹ, đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, với thu nhập đầu người 1.200 đô la Mỹ… Đến năm 2012, Việt Nam có 500 ngàn lượt hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở, 542 triệu lượt người được hỗ trợ bảo hiểm xã hội. Điều kiện sống của người nghèo được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo và các huyện nghèo giảm nhanh, hoàn thành vượt mục tiêu Quốc hội đề ra từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 9,6% (năm 2012). Thông qua thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm từ 47% (năm 2006) xuống còn 28,8% (năm 2010), thu nhập bình quân đầu người là 4,2 triệu đồng/người/năm. Sau gần 4 năm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo ở 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a đã giảm từ 58,33% (năm 2010) xuống còn 43,89% (năm 2012), bình quân giảm trên 7%/năm. Các địa phương còn tổ chức đào tạo nghề cho hơn 10.000 lao động nghèo để tạo việc làm tại chỗ, ngoài địa bàn hoặc tham gia xuất khẩu lao động; 225 nghìn hộ được vay vốn với tổng số tiền 1.122 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để chăn nuôi gia cầm, gia súc, phát triển ngành nghề...
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, ngày 24-1-2013: Trong vòng 20 năm (1990-2010), tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 60% xuống còn 20,7% với khoảng hơn 30 triệu người thoát nghèo. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đạt được thành tựu ấn tượng về giáo dục và y tế. Tỷ lệ nhập học ở bậc tiểu học của người nghèo là trên 90% và ở bậc trung học cơ sở là 70%. Trình độ học vấn tăng và sự đa dạng hóa các hoạt động phi nông nghiệp, cơ hội làm việc ở công trường, nhà máy... cũng đóng góp tích cực cho công tác xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam .
Không chỉ Ngân hàng thế giới mà nhiều nước và tổ chức quốc tế khác cũng đánh giá cao, coi Việt Nam là "một điểm sáng thành công" trong xóa đói giảm nghèo. Mới đây, tại Italia, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã tổ chức "Công nhận thành tích nổi bật trong đấu tranh xóa đói giảm nghèo" cho 38 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng nằm trong nhóm 18 quốc gia được trao Bằng khen chứng nhận việc sớm đạt được Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ 1 (MDG 1) - hướng tới mục tiêu giảm một nửa số người bị đói vào năm 2015.
Có thể thấy, 45 năm thực hiện Di chúc của Bác về nâng cao đời sống của nhân dân, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu, đặc biệt là công tác xóa đói, giảm nghèo. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã, đang và sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện nguyện vọng của Bác trong Di chúc về: “Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Theo đcsvn