45 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ: Những cảm nhận của người trong cuộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Di chúc Bác viết vào dịp sinh nhật của mình trong suốt 5 năm, khi còn rất minh mẫn, sáng suốt. 5 năm Bác trăn trở, suy nghĩ kỹ càng, viết đi, viết lại, sửa chữa, bổ sung… Do vậy, bản Di chúc tuy vô cùng ngắn gọn súc tích, nhưng hầu như đã chứa đựng toàn vẹn. Bốn mươi lăm năm ngày Bác đi xa, tác giả viết bài này xin nêu những cảm nhận.

Là người sáng lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời chăm lo cho việc xây dựng Đảng, đảm bảo cho đảng đủ điều kiện và sức mạnh lãnh đạo toàn dân tộc. Điều đầu tiên Bác nhắc tới trong bản thảo năm 1965, bút tích sửa năm 1966, viết bổ sung năm 1968 là nói về Đảng. Người đánh giá cao vai trò tổ chức và lãnh đạo của Đảng trong lịch sử và hiện tại, đồng thời chỉ rõ: Điều làm nên sức mạnh của Đảng là sự Đoàn kết, phải giữ gìn sự đoàn kết như giữ con ngươi của mắt mình[1]. Bác nhắc các nguyên tắc sống còn của xây dựng Đảng là: Tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Lôgíc của Người rất rõ ràng: Muốn lãnh đạo toàn dân tộc, Đảng phải đoàn kết. Đoàn kết phải trên cơ sở dân chủ, tập trung, tự phê bình và phê bình. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: Trong phê bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đặt mệnh đề tự phê lên trước và Người nhiều lần dặn chúng ta cách phê bình. Từ năm 1947, khi viết Sửa đổi lối làm việc, Người dặn: Khi phê bình nhớ phê bình việc chứ đừng phê bình người. Năm 1966, Người chỉ bổ sung một câu vào Di chúc: Phê bình phải trên tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

 

Bản thảo Di chúc Hồ Chí Minh sửa chữa năm 1969.
Bản thảo Di chúc Hồ Chí Minh sửa chữa năm 1969.

Với sứ mệnh của một Đảng cầm quyền, điều Chủ tịch Hồ Chí Minh thường lo lắng là sự tha hóa của người có quyền lực trong tay. Do vậy, Người luôn luôn nhấn mạnh tới vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Trong bản Di chúc bổ sung năm 1968, Người dặn: Ngay sau khi giành thắng lợi, “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại đảng”. Trước đây, Lênin đã từng cảnh báo bệnh kiêu ngạo. Ngay sau khi có chính quyền chưa đầy một tháng, ngày 17 tháng 10 năm 1945, Hồ Chí Minh đã phải viết thư lên án các “quan cách mạng”. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh nêu gương đạo đức, thực hành đạo đức và yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải thực hành đạo đức. Bài viết trong loạt bài cuối cùng của Người là: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân và trong các bản Di chúc, Người dặn nhiều lần phải “thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư…”, phải “làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”.

Để kế tục sự nghiệp của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn phải chú ý bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, thông qua việc chăm sóc, đào tạo thế hệ trẻ có đạo đức, có năng lực”vừa hồng, vừa chuyên”.

Có được thành quả hôm nay, toàn dân ghi nhớ công ơn của Đảng và điều đó chứng tỏ Đảng đã làm theo lời dạy của Bác Hồ. Tuy vẫn còn “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, song tuyệt đại đa số đảng viên đã thực hiện tốt Điều lệ Đảng, giữ vững phẩm chất, khí tiết. Hiệu ứng tích cực của cuộc vận động: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang nhắc nhở mỗi người hãy làm tốt phận sự của mình, lấy hiệu quả công việc làm thước đo giá trị đạo đức.

Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc luôn luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là nghĩa vụ, trách nhiệm hàng đầu. Bản viết năm 1965, bản viết năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều khẳng định quyết tâm to lớn, kiên quyết giải phóng miền Nam dù có phải gian khổ hy sinh nhiều của, nhiều người. Tháng 5 năm 1982, người viết bài này có dịp được đi công tác miền Nam với đồng chí Vũ Kỳ, nguyên Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm đó là Phó Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trong một lần nói chuyện ở Phú Khánh, đồng chí Vũ Kỳ có kể rằng: Bác luôn đau đáu với việc giải phóng miền Nam. Bác đã từng viết: “Nếu tôi không được tự mắt trông thấy thực hiện cuộc thắng lợi đó, thì tôi phải tự trách mình không làm tròn nhiệm vụ đối với đồng bào miền Nam”. Không phải ngẫu nhiên mà phần nói về giải phóng miền Nam trong bản thảo mấy năm đầu Bác để ở giữa Di chúc, nhưng đến bản cuối cùng viết ngày 10/5/1969, Bác đưa ngay thành câu mở đầu.

Tháng 1-1973, thực hiện Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã làm lễ cuốn cờ rút khỏi Việt Nam. Hành động này của Mỹ đã ghi nhận thắng lợi đầu tiên của quân dân ta làm theo Thơ chúc Tết của Bác Hồ Xuân 1968: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” và ngày 30-4-1975, khi quân giải phóng cắm cờ trên nóc Dinh Độc lập, đập tan chính quyền Việt Nam Cộng hòa, chúng ta đã toàn thắng, non sông thu về một mối, thỏa lòng mong ước của Bác Hồ.

Quan tâm tới con người luôn chiếm vị trí quan trọng trong chỉ đạo và điều hành đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1945, Người đã từng nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”[2].

Lúc sinh thời, Người chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ của dân, lo phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, lo cho từ nơi cùng xóm vắng đến hải đảo xa xôi bi bô tiếng trẻ học bài. Những người tủi hèn nhất trong xã hội, nhận được ở Người tình thương yêu nhiều nhất.

Trong Di chúc, Người nhắc đến tất thảy mọi người, từ bà con lao động, công nhân, nông dân, thanh niên, học sinh, trí thức… Người căn dặn: Đảng “phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Sau Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, nhiều vấn đề hậu chiến được Bác đặc biệt quan tâm. Trong 6 trang viết thêm năm 1968, Người dành tới 4 trang để căn dặn kỹ mọi việc cần làm sau chiến thắng, đó là chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, quan tâm tới những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, nhất là phụ nữ, lựa chọn những người trẻ tuổi đã kinh qua chiến đấu cho đi học tập đào tạo; đặc biệt, cần quan tâm tới nông dân, giai cấp đông đảo nhất trong xã hội, đóng góp nhiều sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến. Người còn căn dặn: “Đối với nạn nhân của chế độ cũ… thì nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”.

40 mươi năm sau giải phóng, “điều đầu tiên là công việc đối với con người” đã được Đảng ta thực hành từng bước có hiệu quả. Sau gần 10 năm say sưa với thắng lợi cộng với sai lầm trong quản lý kinh tế, gây khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, năm 1986, Đảng đã tiến hành đổi mới toàn diện. Thành tựu gần 30 năm đổi mới đã biến một một nước thuộc diện đói nghèo trở thành một nước bước vào ngưỡng cửa của một xã hội phát triển. Tuy một số giá trị của thời “bao cấp” mất đi, như: giáo dục, chữa bệnh không mất tiền… song độc lập được giữ vững, chủ quyền được vẹn toàn, con người năng động hơn, kinh tế tăng trưởng tốt hơn, cuộc sống người dân và an sinh xã hội tốt hơn, người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí… Tinh thần hòa hợp dân tộc, xóa bỏ mặc cảm với những người từng cộng tác với chính quyền cũ… được các cấp chính quyền và nhân dân các tỉnh phía Nam thực hiện, đã đem lại cuộc sống bình yên cho tất cả mọi người. Các mục tiêu “Điện, Đường, Trường, Trạm” đã làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi hẳn. Nếu như trong Di chúc, Bác chỉ mới nêu miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân, năm 1990, Đảng thực hiện nhưng xin miễn chia ra làm hai năm để đỡ thất thu ngân sách, thì hôm nay, người nông dân không phải đóng bất cứ khoản thuế nào, kể cả “thủy lợi phí” cũng được miễn.

45 năm sau ngày Bác mất, chúng ta vẫn chưa có chủ nghĩa xã hội thực sự, chúng ta đang trong quá trình đổi mới để biến nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, sang nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước. Từ năm 1957, nói chuyện ở trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Bác đã dặn: Đi lên chủ nghĩa xã hội là cả một quá trình lâu dài, không được nóng vội vì “chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta”[3]. Chúng ta vẫn trong chặng đường đầu tiên của chủ nghĩa xã hội, song những gì Đảng đã và đang mang lại cho dân theo chiều hướng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn, đó chính là chủ nghĩa xã hội, bởi với Người, chủ nghĩa xã hội rất giản dị và thực tế: “Chủ nghĩa xã hội là mọi người cùng ra sức lao động sản xuất để được ăn no, mặc ấm, và có nhà ở sạch sẽ”[4].

Có lẽ điều day dứt, bất an duy nhất của Bác trong Di chúc là khi nói về phong trào cộng sản quốc tế. Là người đã từng tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, người chịu trách nhiệm tổ chức phong trào cách mạng ở Đông Nam Á, là “người Cộng sản già” có uy tín trong Quốc tế Cộng sản, hơn ai hết, Hồ Chí Minh “đau lòng về sự bất hòa hiện nay giữa các Đảng anh em”. Thưa Bác, nếu còn sống chắc Bác còn đau lòng hơn khi thấy họ không chỉ bất hòa, mà còn nhân danh Đảng cầm quyền ở một nước lớn, xua quân sang” dạy cho (nước nhỏ) một bài học”… Tuy nhiên, tuân theo lời dạy của Bác, Đảng ta đã làm hết sức mình, có trách nhiệm với phong trào Cộng sản thế giới, với anh em, bè bạn. Và chỉ riêng việc Đảng ta kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đổi mới thắng lợi ở Việt Nam, đã là hành động thiết thực bảo vệ phong trào Cộng sản quốc tế. Lịch sử có lúc thăng trầm, nhưng xu hướng dân chủ, hòa bình và tiến bộ vẫn là dòng chủ lưu chính của xã hội hôm nay.

Về việc riêng: Có người đã cẩn thận đếm từng chữ trong mục “Về việc riêng” do Bác viết ở bản Di chúc năm 1969. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay cố ý: vừa đúng 79 chữ. Tôi cho rằng, Bác đã tiên lượng được sự ra đi của mình đang ngày một đến gần (Năm 1965, Bác viết: Ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm mấy tháng nữa? Năm 1968, Bác viết: Nhưng không ai đoán biết được tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy tháng, mấy năm nữa? và tới năm 1969, Bác viết: Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa? Như thế, Bác đã xác định thời điểm về với cõi vĩnh hằng khá chính xác: từ chỗ còn mấy năm, mấy tháng đến còn mấy tháng, mấy năm rồi không biết được bao lâu nữa?

Là người đã thừa hưởng ở truyền thống dân tộc và ở cha mẹ tính khiêm tốn, sự khí khái không muốn làm phiền người khác, trước sau, Bác luôn dặn Đảng ta không được “tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Cẩn thận hơn, Bác còn dặn: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng… Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó”.

Năm 1989, Đảng ta đã giải thích rõ việc xây dựng Lăng và giữ gìn thi hài Bác: “Thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa 3) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bạn bè quốc tế có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác. Chính vì lẽ đó mà chúng ta đã xin phép Bác về điểm này được làm khác với lời Bác dặn”[5].

Từ năm 1967, không báo cáo với Bác, Trung ương Đảng và quân đội đã chọn 3 bác sĩ giỏi, phẩm chất tốt đi Liên Xô học cách bảo quản thi hài. Ngày 2/9/1969, sau khi Hội đồng y khoa kết luận Bác đã qua đời, các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam bắt tay ngay vào việc bảo quản thi hài Bác… Năm 1970, Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh được thành lập để gìn giữ Khu Di tích Phủ Chủ tịch và xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Năm 1975, công trình Lăng Bác được khánh thành.

Hôm nay, tại mảnh đất thiêng Ba Đình, Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình đang mở cửa phục vụ khách tham quan trong nước và quốc tế, với số lượng hàng năm lên tới 4- 5 triệu lượt người[6]. Nhìn những dòng người dài vô tận sáng sáng xếp hàng vào Lăng viếng Bác, thăm Khu Di tích Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh, mới thấy ý Đảng, lòng dân đã tạo nên sức mạnh thần kỳ.

* * *

Năm Bác mất tôi 15 tuổi, đã là Đoàn viên thanh niên, đang học lớp 9 của trường cấp 3 trong huyện. Lịch sử không ngờ lại ưu ái cho tôi trở thành một trong những chứng nhân, là người trong cuộc của quá trình cả nước thực hiện Di chúc Bác Hồ. Chiều thứ 7, từ nơi trọ học về nhà thấy mẹ vừa khóc vừa may băng tang. Bố và chị là đảng viên được đeo băng nửa đen, nửa đỏ, còn cả nhà đều đeo băng đen. Chiếc băng chỉ to bằng hai ngón tay song nặng trĩu trái tim người… bởi nỗi lo chung khôn tả ở mỗi người là: Bác mất đi thì ai giải phóng miền Nam? Ai tiếp tục được sự nghiệp của Người? Dần dần được đọc báo, nghe đài, được thầy giáo giảng giải chúng tôi yên tâm rằng: Bác mất đi song còn các cộng sự, còn cả một Đảng do Bác sáng lập và rèn luyện, sẽ tiếp tục sự nghiệp của Bác. Tháng 10, được đọc Thư gửi Bác Hồ của Nguyễn Kim càng thấy ấm lòng vì không những sự nghiệp, mà cả di tích của Bác ở Phủ Chủ tịch cũng đang được quan tâm gìn giữ như ngày Bác còn sống.

17 tuổi, tôi lên Hà Nội vào đại học, 18 tuổi được tổng động viên đi bộ đội, cuối năm 1972, đi B và chiến đấu ở trong đó cho tới ngày toàn thắng; năm 1976, được trở lại trường đại học. Năm 1980, tôi tốt nghiệp ra trường xin được việc làm và cũng như bao người chịu cảnh: Gạo mốc, bo bo, ngô răng ngựa… của những ngày đói gạo. Thoắt cái đã 45 năm. Ai đó còn chưa hài lòng với thành quả hôm nay, chứ riêng tôi, tôi thấy quả là tuyệt vời. Bởi lẽ, phải từ hoàn cảnh của nước mình, điểm xuất phát của nước mình để đánh giá và chiêm nghiệm. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, xuất phát điểm quá thấp, lại chiến tranh liên miên với giặc ngoại xâm…, đạt được thành quả thế này quả là vĩ đại. Tuy nhiên, chúng ta có thể đạt thành quả lớn hơn, nếu không phạm phải sai lầm trong quản lý kinh tế, kéo dài quá lâu mô hình tập trung, bao cấp, không bị phân tán nguồn lực vì chiến tranh, không bị tham nhũng, lãng phí hoành hành.

45 năm, đọc lại Di chúc Bác Hồ, càng vững tin vào con đường mà Bác và Đảng đã chọn. Bởi lịch sử đã chứng minh, những điều Bác đã tiên liệu là vô cùng chính xác, bởi Di chúc Bác Hồ chính là “Cẩm nang thần kỳ”, vừa tổng kết lịch sử, vừa định hướng tương lai.

[1] Những chữ in nghiêng trong bài đều trích từ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t. 4, tr. 64

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 92

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.17

 [5] Thông báo của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam về một số vấn đề liên quan tới Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh số 151-TB/TƯ ngày 19/8/1989 do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ký.

[6] Kết quả phục vụ khách tham quan năm 2012 như sau: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đón 1.922.769 lượt người, trong đó có 556.233 lượt khách nước ngoài. Khu di tích Phủ Chủ tịch đón 2.382.141 lượt người, trong đó có 455.407 lượt khách nước ngoài. Bảo tàng Hồ Chí Minh đón 1.063.566 lượt người, trong đó có 212.563 lượt khách nước ngoài. (Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2012 của Ban Chỉ đạo phối hợp hoạt động Cụm di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình. Lưu trữ Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Theo đcsvn

Có thể bạn quan tâm

"Góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới"

"Góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới"

(GLO)- Trong Di chúc lịch sử để lại cho chúng ta, ngoài việc gửi gắm niềm tin tưởng về một nước Việt Nam “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh“, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi vào đây niềm hy vọng và cũng là yêu cầu chúng ta phải “góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới“.
45 năm lời dặn của Bác: Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về xóa đói, giảm nghèo

45 năm lời dặn của Bác: Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về xóa đói, giảm nghèo

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại, Người Cha già của dân tộc trước khi đi xa đã căn dặn về việc “không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân“. 45 năm qua, thực hiện di huấn của Người, Đảng, Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của người dân.
Ngành Hậu cần Quân đoàn 3 làm theo lời Bác

Ngành Hậu cần Quân đoàn 3 làm theo lời Bác

(GLO)- Ngành Hậu cần Quân đoàn 3 là một trong những “mắt xích“ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác, phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Chính vì thế, đơn vị đã cụ thể hóa phong trào thi đua “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy“ bằng nhiều việc làm thiết thực.
Phụ nữ thực hành tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế

Phụ nữ thực hành tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế

(GLO)- Những năm qua, việc học tập và làm theo gương Bác đã thực sự trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh. Đặc biệt, quá trình học tập, làm theo luôn có sự phân công trách nhiệm rõ ràng đối với từng cán bộ, hội viên và được cụ thể hóa bằng những việc làm như: thực hành tiết kiệm chống tham nhũng lãng phí, sửa đổi tác phong lề lối làm việc, sâu sát cơ sở hay thông qua các mô hình: “kho thóc tình thương“, “ống tiền tiết kiệm“, “hũ gạo tiết kiệm“, “nuôi heo đất“, quỹ “mái ấm tình thương“...
Lời Người dặn về "trồng người"

Lời Người dặn về "trồng người"

Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm chăm lo mọi mặt cho thanh- thiếu niên, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ về lý tưởng, đạo đức cách mạng, về văn hóa, khoa học kỹ thuật, rèn luyện năng lực hoạt động thực tiễn... để thế hệ trẻ kế thừa và phát huy được những kinh nghiệm của các thế hệ trước. Cho đến những dòng cuối cùng để lại trong Di chúc, những lời căn dặn của Người vẫn là nền tảng định hướng cho sự phát triển các thế hệ thanh niên Việt Nam hôm nay.
Lời Bác dặn với "nhiệm vụ then chốt"

Lời Bác dặn với "nhiệm vụ then chốt"

(GLO)- Trong Di chúc, Bác đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. “Trước hết nói về Đảng“, Bác dặn dò: “...Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân“. Những vấn đề về công tác xây dựng Đảng như lời Bác để lại trước lúc ra đi, đã nhiều lần, trong nhiều nội dung các văn kiện của Đảng đã đề cập. Đặc biệt là những năm gần đây.
Lực lượng vũ trang tỉnh học tập và làm theo gương Bác

Lực lượng vũ trang tỉnh học tập và làm theo gương Bác

(GLO)- Những năm qua, thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng ủy-Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị và phong trào thi đua quyết thắng cùng các cuộc vận động khác.
"Tuổi già nhưng chí không già"

"Tuổi già nhưng chí không già"

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng và quan tâm đến người cao tuổi. Người luôn đánh giá cao vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong suốt cuộc đời, dù bận nhiều việc nhưng Hồ Chí Minh vẫn luôn dành cho người cao tuổi Việt Nam những tình cảm ân cần và sự quan tâm sâu sắc.
Ngành Tòa án: Làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngành Tòa án: Làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(GLO)- Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị và Thông tri số 05-TT/TU ngày 16-6-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian qua, ngành Tòa án tỉnh đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức và thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ đó, cán bộ, công chức có sự tiến bộ về nhận thức, nâng cao văn hóa ứng xử, thực hiện dân chủ, hoàn thành các công việc được giao...
Bác Hồ dạy phải đoàn kết chặt chẽ trong Đảng

Bác Hồ dạy phải đoàn kết chặt chẽ trong Đảng

(GLO)- Trước lúc đi “gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác...“, trong Di chúc của mình, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, mà muốn xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh thì phải đoàn kết chặt chẽ. Bác khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác“.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết các dân tộc

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết các dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới tôn vinh là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa. Người đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta những di sản vô giá, trong đó, tư tưởng nổi bật và chủ đạo của Người là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung, xây dựng khối đoàn kết các dân tộc thiểu số nói riêng.
Đảng viên phải là tấm gương cho thanh niên

Đảng viên phải là tấm gương cho thanh niên

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng“ vừa “chuyên“. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết“.