Tự do tôn giáo-thước đo nhân quyền ở Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Đảng và Nhà nước ta luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó, khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đối với tín ngưỡng, tôn giáo và phát huy quyền con người trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.

Tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động

Theo thống kê của Ban Tôn giáo tỉnh Kon Tum, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 tôn giáo là Công giáo, Phật giáo, Cao đài, Tin lành và Phật giáo Hoà Hảo, với tổng số hơn 215.000 tín đồ, 337 chức sắc, 1.313 chức việc.

Trong đó có gần 173.000 tín đồ Công giáo, hơn 21.500 tín đồ Phật giáo, trên 20.500 tín đồ Tin lành, 338 tín đồ Cao đài và 33 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo.

Các tôn giáo được tạo mọi điều kiện để xây dựng cơ sở thờ tự hợp pháp, với 110 cơ sở Công giáo, 39 cơ sở Phật giáo, 4 cơ sở Tin lành và 3 cơ sở Cao đài.

Hoạt động của các tôn giáo tại Kon Tum cũng được tổ chức, thực hiện thường xuyên, liên tục trong những năm qua, trên cơ sở tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và Hiến chương, Điều lệ của từng Giáo hội.

Gặp mặt các chức sắc tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Ảnh: P.L

Gặp mặt các chức sắc tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Ảnh: P.L

Các tổ chức tôn giáo cũng tăng cường củng cố tổ chức như đào tạo, bồi dưỡng; bổ nhiệm, phong thẩm; thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành; thành lập các tổ chức tôn giáo trực thuộc.

Thượng tọa Thích Nhuận Bảo- Ủy viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh gửi lời cảm ơn đến các cấp ủy, chính quyền tỉnh Kon Tum đã tạo mọi điều kiện cho các tôn giáo hoạt động tự do. Riêng Phật giáo, đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện để hoạt động những ngày lễ lớn như Rằm tháng Giêng, Lễ Vu lan, Lễ Phật đản. Qua đó, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của bà con nhân dân trên địa bàn.

Linh mục Giuse Đỗ Hiệu- Tổng đại diện Giáo phận Kon Tum cũng nhận định, trong năm 2023, đa số các mong muốn, nguyện vọng của Giáo phận đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương đáp ứng nhanh chóng. Điều này cho thấy sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng đối với Giáo phận, bà con giáo dân nói riêng và đối với tất cả các tôn giáo trên địa bàn tỉnh nói chung.

Bà Nguyễn Thị Nhung- chức sắc Tin lành thuộc họ truyền giáo Cơ đốc Việt Nam chia sẻ, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, mọi hoạt động của Hội thánh Diên Bình (huyện Đăk Tô) đã diễn ra thuận lợi. Vào các dịp lễ, nhất là Lễ Giáng sinh, chính quyền xã đều đến thăm hỏi, động viên, tạo mọi điều kiện để các tín đồ thể hiện đức tin của mình.

Các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 30/11, Đại tướng Tô Lâm- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã đến thăm Tòa Giám mục Giáo phận Kon Tum và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum.

Đấu tranh với các “tà đạo”, “đạo lạ”

Song song với việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Kon Tum cũng thường xuyên theo dõi, đấu tranh với các “tà đạo”, “đạo lạ” du nhập vào tỉnh.

Đây là những tôn giáo chưa được công nhận tại Việt Nam nhưng tự ý phát triển, lôi kéo một số người dân tham gia, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự, gây ảnh hưởng đến hoạt động của các tôn giáo chính thống trên địa bàn tỉnh.

Theo Ban Tôn giáo tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số tôn giáo chưa được công nhận như “Pháp môn Diệu Âm”, “Nhóm trừ quỷ Bảo Lộc”, “Hội thánh Đức Chúa trời toàn năng”, “Pháp luân công”, “Pháp lý vi vô khoa học huyền bí phật pháp”, “Phật giáo Việt Nam thống nhất”, “Thiên tâm đạo Trời của Cha Mẹ”.

Tín đồ các tôn giáo đoàn kết xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hoài Tiến

Tín đồ các tôn giáo đoàn kết xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hoài Tiến

Ngoài ra, có hai tôn giáo không được công nhận khác là “Tà đạo Hà Mòn” và “Tổ chức Tin lành Đấng Christ” hiện đã bị xóa bỏ qua công tác đấu tranh, tuyên truyền, vận động của các cấp ủy, chính quyền địa phương.

Nhìn chung, các “tà đạo”, “đạo lạ” trên địa bàn tỉnh hiện chưa có các hoạt động liên quan đến an ninh, trật tự tại địa phương. Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan theo dõi chặt chẽ hoạt động của các tôn giáo không chính thống, chưa được Nhà nước công nhận.

“Chúng tôi luôn ủng hộ việc làm này của các cấp chính quyền. Trong các buổi sinh hoạt tôn giáo, chúng tôi luôn dạy các tín đồ không tin, nghe theo các tôn giáo lạ, chưa được công nhận. Chúng tôi cũng nhận diện đây là những tôn giáo xấu, độc, có nguy cơ gây mất tinh thần đoàn kết giữa các tín đồ, giữa các tôn giáo với nhau”- Linh mục Giuse Đỗ Hiệu chia sẻ.

Ông Vũ Quang Dũng- Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh cho biết, trong thời gian tới, Ban Tôn giáo tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn. Đồng thời, kịp thời xem xét hoặc tham mưu giải quyết theo thẩm quyền nhu cầu, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo.

Bên cạnh đó, tích cực phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc phức tạp nảy sinh, các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, không để xảy ra “điểm nóng” về tôn giáo. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cho cán bộ, công chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

Đặc biệt, phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong việc tuyên truyền, hướng dẫn tín đồ tích cực tham gia thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh, phát triển kinh tế - xã hội và các phong trào thi đua yêu nước do địa phương phát động. Qua đó khẳng định chủ trương tự do tôn giáo, tôn giáo đồng hành cùng dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm