(GLO)- Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra (huyện Mang Yang) vừa tổ chức tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho hơn 200 hộ nhận khoán nhằm mục tiêu cải thiện nhận thức của người dân trong bảo vệ rừng.
Mặc dù chưa đến giờ triển khai các hoạt động tuyên truyền nhưng các hộ dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã Hà Ra đã tụ tập đông đủ trong khuôn viên của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra. Với cách tiếp cận gần gũi, thông qua máy chiếu, đại diện Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chuyển tải những hình ảnh liên quan đến vai trò, ý nghĩa của rừng đối với cuộc sống; lợi ích, tác động của chính sách chi trả DVMTR; tầm quan trọng của công tác bảo vệ rừng… khiến không khí buổi tuyên truyền trở nên sôi động hơn.
Ông Băk-Tổ trưởng Tổ quản lý bảo vệ rừng làng Kon Chrah-cho hay: Lâu nay, 40 hộ dân tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ gần 1.000 ha rừng, với mức chi trả 400 ngàn đồng/ha/năm. Từ nguồn tiền DVMTR, các hộ được hưởng thông qua việc bảo vệ rừng đã giúp rất nhiều gia đình có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Ý thức được việc này, các hộ dân trong làng lập kế hoạch, phân thành từng tổ chia nhau tuần tra bảo vệ nên việc đốt phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ trái phép gần như không còn xảy ra trong khu vực nhận bảo vệ.
“Thông qua buổi tuyên truyền, bà con được giải thích cặn kẽ hơn về vai trò, giá trị, tầm quan trọng của rừng đối với đời sống. Với mức thu nhập hơn 9 triệu đồng/năm đã giúp họ có cuộc sống ổn định hơn từ việc tham gia giữ rừng. Do vậy, mỗi người dân tham gia nhận khoán và được hưởng lợi từ tiền chi trả DVMTR đều phải có trách nhiệm bảo vệ rừng, không ai còn có ý định lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy hay xâm hại đến tài nguyên rừng”-ông Băk khẳng định.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chính sách chi trả DVMTR tại xã Hà Ra (huyện Mang Yang). Ảnh: Minh Nguyễn |
Từng tham gia trồng, chăm sóc rừng thông khu vực đèo Mang Yang, ông Bùi Thanh Trung-Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng cũng như 18 hộ dân ở đây hiểu được những lợi ích kinh tế mang lại từ việc nhận khoán bảo vệ hơn 500 ha rừng. “Bên cạnh việc thành lập các tổ tuần tra bảo vệ khu vực rừng nhận khoán, chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng hộ dân đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Buổi tuyên truyền hôm nay đã giúp các hộ dân hiểu rõ hơn về chính sách chi trả DVMTR mang lại, từ đó họ sẽ tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng”-ông Trung cho hay.
Ông Nguyễn Văn Chín-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra-cho biết: Nhiều năm nay, đơn vị đã giao khoán hơn 6.421 ha rừng cho 374 hộ dân thuộc 12 cộng đồng làng và 13 nhóm hộ với mức chi trả hàng năm gần 2,4 tỷ đồng. Các mô hình nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng ngày càng phát huy hiệu quả tích cực, không những hạn chế các hành vi xâm hại rừng mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các hộ dân trong cộng đồng. “Chúng tôi chú trọng việc tuyên truyền cho cán bộ địa phương, người có uy tín đối với công tác bảo vệ rừng; đồng thời, gắn quyền lợi, trách nhiệm của người dân và cộng đồng dân cư với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thông qua các nội dung tuyên truyền đã giúp bà con tham gia nhận khoán bảo vệ rừng hiểu được giá trị của chính sách chi trả DVMTR trong việc cải thiện sinh kế, từ đó tích cực cùng với lực lượng chuyên trách tham gia bảo vệ rừng”-ông Chín cho hay.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Quỳnh-Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho rằng, các hoạt động tuyên truyền chính là cầu nối góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm cũng như quyền lợi của người dân trong việc chung tay bảo vệ rừng. Với nhiều nội dung tuyên truyền như: tầm quan trọng của rừng đối với đời sống; quyền lợi và trách nhiệm của người dân tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, cung ứng hưởng lợi từ tiền chi trả DVMTR; phân tích những hành vi vi phạm liên quan đến rừng bị pháp luật nghiêm cấm; định hướng sử dụng tiền DVMTR nhằm cải thiện sinh kế của người dân… góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh khẳng định: “Thực hiện tốt công tác tuyên truyền sẽ giúp các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, nhất là hộ dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức và có hành động cụ thể hơn. Từ đó, không những rừng được bảo vệ tốt hơn, môi trường sinh thái được cải thiện mà người dân còn được hưởng tiền chi trả DVMTR hàng năm, giúp họ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần đưa chính sách chi trả DVMTR đi vào cuộc sống”.
MINH PHƯƠNG