Trường ĐH nêu phương án xét tuyển bài thi năng lực kiểu mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm nay, lần đầu tiên bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM có sự thay đổi lớn về cấu trúc để phù hợp với học sinh học theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Điều chỉnh này sẽ tác động gì đến việc sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển ĐH?

Công bố điểm từng phần bài thi năng lực

Bài thi đánh giá năng lực năm nay giữ cấu trúc phần sử dụng ngôn ngữ và toán học, đồng thời tăng số lượng câu hỏi của 2 phần này. Phần thứ 3 là logic - phân tích số liệu và giải quyết vấn đề của bài thi cũ nay được cấu trúc lại thành phần tư duy khoa học nhằm đánh giá năng lực của thí sinh (TS) về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội. Như vậy, phần này không còn các câu hỏi cụ thể về vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử-chính trị-xã hội.

Đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay thu hút hơn 126.000 TS dự thi. Kết quả kỳ thi dự kiến được sử dụng để xét tuyển vào hơn 100 trường ĐH và CĐ.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết như các năm qua, năm nay kết quả bài thi đánh giá năng lực được công bố điểm toàn bài và điểm từng phần cụ thể. Theo đó, điểm số tối đa của bài thi là 1.200; điểm tối đa từng phần của bài thi được thể hiện trên phiếu điểm gồm: tiếng Việt 300, tiếng Anh 300; toán học 300 và tư duy khoa học 300 điểm.

Có trường nhân đôi hệ số môn toán

Với cấu trúc bài thi thay đổi, các trường ĐH có những quy định khác nhau trong cách tính điểm xét tuyển. Trong đó, có trường giữ nguyên cách xét điểm toàn bài thi như cũ, ví dụ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết năm nay cấu trúc bài thi đánh giá năng lực có thay đổi nhưng phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường. Cụ thể, sự điều chỉnh tăng câu hỏi trong phần ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) giúp đánh giá tốt hơn người học khi xét tuyển các ngành lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của nhà trường. Do đó, trường vẫn sử dụng điểm toàn bài thi này với thang điểm tối đa 1.200 để xét tuyển TS.

Thí sinh dự thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay
Thí sinh dự thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay

Trong khi đó, có trường tính điểm trọng số cao hơn với phần thi môn toán trong bài đánh giá năng lực, như Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Năm nay, ngoài xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh, trường này chỉ sử dụng một phương thức xét tuyển tổng hợp dựa vào điểm học lực và điểm ưu tiên. Trong đó, điểm học lực gồm điểm năng lực (chiếm tỷ trọng 70%), điểm thi tốt nghiệp THPT (chiếm 20%) và điểm học tập THPT (chiếm 10%). Với TS có kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2025, điểm năng lực chính là điểm quy đổi của bài thi đánh giá năng lực, trong đó điểm môn toán được nhân hệ số 2 để thành thang điểm 1.500 (thay vì thang điểm 1.200 khi không nhân hệ số).

"Hội đồng tuyển sinh nhà trường quyết định lấy hệ số 2 môn toán bởi đây là nền tảng kiến thức quan trọng cần có của người học lĩnh vực kỹ thuật công nghệ", PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, lý giải.

Kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ

Một số trường thành viên khác thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM cũng sử dụng điểm toàn bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển năm nay như: Trường ĐH Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Kinh tế-Luật. Ngoài ra, Trường ĐH Nha Trang, Trường ĐH Sài Gòn… cũng áp dụng cách xét tuyển này.

Tuy nhiên, các trường có những quy định và cách xét riêng. Ví dụ, Trường ĐH Sài Gòn chỉ xét tuyển phương thức này với các ngành ngoài sư phạm. Trong khi đó, một số trường kết hợp kết quả bài thi năng lực với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Ví dụ, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) xét TS dựa vào điểm bài thi năng lực cộng điểm ưu tiên với TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Theo quy định của trường này, điểm ưu tiên áp dụng cho TS có chứng chỉ IELTS từ 6.5 hoặc chứng chỉ TOEFL iBT từ 65 điểm hoặc chứng chỉ JLPT từ N3 trở lên.

ĐH Kinh tế TP.HCM năm nay cũng có cách xét tuyển tương tự. Trường xét TS dự thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2025. Điểm xét tuyển theo thang điểm quy định của trường cho từng chương trình, là tổng điểm được quy đổi từ 2 tiêu chí (1 bắt buộc và 1 không bắt buộc). Trong đó, tiêu chí bắt buộc là điểm thi của TS ở kỳ thi năng lực, tiêu chí không bắt buộc là chứng chỉ tiếng Anh quốc tế còn thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) tương đương IELTS từ 6.0 hoặc TOEFL iBT từ 73 trở lên.

Trường ĐH Nha Trang cũng xét điểm toàn bài thi đánh giá năng lực theo tổng điểm 1.200. Tuy nhiên, trước đó trường tổ chức sơ tuyển dựa trên điểm học bạ trong 6 học kỳ THPT của nhóm môn học liên quan đến ngành học theo quy định của trường. Ngoài ra, TS có chứng chỉ IELTS được quy đổi thành điểm ưu tiên với phương thức này. Ví dụ, TS có chứng chỉ IELTS từ 6.0 được cộng 120 điểm vào tổng điểm bài thi đánh giá năng lực để tham gia xét tuyển.

Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực thay đổi, các trường ĐH có những quy định khác nhau trong cách tính điểm xét tuyển
Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực thay đổi, các trường ĐH có những quy định khác nhau trong cách tính điểm xét tuyển

Ngưỡng điểm xét tuyển

Đáng chú ý, một số trường đưa ra ngưỡng điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển với kết quả kỳ thi này.

Năm 2025, Trường ĐH Kinh tế-Luật tuyển sinh theo 3 phương thức xét tuyển, trong đó một phương thức xét TS dự thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Ngưỡng đảm bảo chất lượng dự kiến trường đưa ra từ mức 700 điểm. Tương tự, ĐH Kinh tế quốc dân xét tuyển TS đạt từ 700 điểm trở lên ở bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.

Trường ĐH Y dược Buôn Ma Thuột cũng sử dụng điểm bài thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức để xét tuyển vào các ngành sức khỏe. Điểm xét tuyển là tổng điểm bài thi nhưng TS cần đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng theo từng ngành. Ví dụ, 2 ngành y khoa và dược học, TS cần có học lực xếp loại giỏi năm lớp 12 hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8.0 trở lên; đồng thời có kết quả bài thi năng lực đạt từ 700 điểm trở lên với ngành y khoa, 600 điểm trở lên với ngành dược học...

Theo quy chế tuyển sinh năm nay, các trường ĐH không xác định chỉ tiêu của từng phương thức. Trước điểm mới này, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ nhận định: "Năm nay, theo quy chế tuyển sinh, các trường không phân định chỉ tiêu các phương thức. Dù vậy, việc xét tuyển vẫn trên nguyên tắc lấy TS có điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu từng ngành. Do đó, TS cần học thi để đạt kết quả cao nhất các phương thức xét tuyển vào ngành mong muốn".

Theo Hà Ánh (TNO)

Có thể bạn quan tâm