Trung Quốc tiếp tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hôm nay (16/9), Trung Quốc sẽ tiến hành giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 0,5 % đối với tất cả các ngân hàng.
Động thái này được cho là nhằm bơm thêm thanh khoản vào hệ thống tài chính trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung –Mỹ vẫn đang ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế nước này.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Theo đó từ hôm nay (16/9), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản, tức 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng của nước này. Động thái được cho là sẽ giải phóng khoảng 900 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 126 tỷ USD) vào thị trường tài chính.
Trong một tuyên bố, PBOC cũng cho biết, việc giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc lần này nhằm hỗ trợ các tổ chức và cá nhân huy động vốn một cách dễ dàng hơn.
Đây là lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thứ 3 kể từ đầu năm 2019 và là lần thứ 7 kể từ năm 2018 đến nay. Trước đó, vào tháng 1/2019, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 1% đối với các ngân hàng và tháng 5 vừa qua áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc có ưu đãi đối với các ngân hàng vừa và nhỏ.
Theo các chuyên gia dự báo, sau động thái giảm tỷ lệ dữ trữ bắt buộc, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ hạ lãi suất đối với cơ chế cho vay trung hạn (MLF) nhằm cung cấp vốn giá rẻ cho thị trường liên ngân hàng.
Ngoài ra, nhiều khả năng đây sẽ không phải là đợt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cuối cùng trong năm nay, trong bối cảnh Trung Quốc đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm làm chậm lại đà suy giảm của nền kinh tế nước này – một trong những ảnh hưởng tiêu cực mà chiến tranh thương mại Trung – Mỹ gây ra.
Đinh Tuấn/VOV-Bắc Kinh

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.