Trung Quốc "săn" doanh nghiệp Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Doanh nghiệp cần có giải pháp chống thâu tóm hoặc tìm cách phát triển bền vững hơn để không bị lấn sân, mất cơ hội ngay trên sân nhà
Nhiều người môi giới và doanh nghiệp (DN) có liên quan đến Trung Quốc đang mua lại, góp cổ phần vào các DN xuất khẩu nông sản, thủy hải sản quy mô nhỏ và vừa của Việt Nam.
Lùng mua DN Việt
Một chuyên gia tài chính kể mới đây một số nhà môi giới làm việc cho Trung Quốc đã đặt hàng ông "săn" các DN nhỏ và vừa đang niêm yết trên sàn UpCom hoặc hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản để tham gia góp vốn đầu tư, giành quyền chi phối.
 
Các ngành sản xuất nông sản xuất khẩu nhiều lợi thế như điều, gạo, tiêu... rất được các doanh nghiệp Trung Quốc săn đón. Ảnh: Sơn Nhung
Tổng Giám đốc Công ty CP Hạt điều Gia Bảo (tỉnh Bình Phước), ông Trần Văn Sơn, cho hay nhiều DN Trung Quốc đang rải người đi tìm mua DN, đặc biệt là DN thua lỗ hoặc thiếu vốn. Chính công ty của ông cũng nằm trong tầm ngắm của nhà đầu tư Trung Quốc.
Trong một chuyến xúc tiến xuất nhập khẩu tại Mỹ, một nhóm 3 DN Trung Quốc gặp và đặt vấn đề góp vốn vào công ty Gia Bảo. Một tháng sau, 3 DN này sang Việt Nam đàm phán với ông Sơn về việc định giá và góp cổ phần. "Họ vẽ ra bức tranh hợp tác bền vững trong phát triển ra thị trường quốc tế đồng thời bơm một khoảng vốn hơn 50% giá trị mình định ra để DN thích thú và hợp tác. Điều kiện là phải nhường cho họ quyền trực tiếp điều hành"- ông Sơn kể và cho biết ông đã từ chối lời đề nghị có vẻ hấp dẫn này sau khi tham khảo một số DN cùng ngành.
Không thuyết phục được Công ty Gia Bảo, bằng hình thức tương tự, nhóm DN này đã mua vài công ty ở Bình Phước. "Nhà đầu tư Trung Quốc trực tiếp điều hành hoạt động xuất nhập khẩu của công ty, cho người tìm hiểu nghề rang xay của Việt Nam. 3-4 tháng sau, khi đã nắm rõ quy trình, họ đàm phán mua lại hết cổ phần hoặc đưa ra viễn cảnh khó khăn, làm cho DN thua lỗ và yêu cầu bỏ vốn đầu tư thêm theo tỉ lệ 50%-50%. Nếu mình không đủ tiền, họ sẽ ép thoái hết vốn hoặc làm cho công ty thua lỗ kéo dài… mục đích cuối cùng là thâu tóm toàn bộ DN" - ông Sơn cảnh báo.
Lãnh đạo một công ty tại Vĩnh Long chuyên xuất khẩu gạo sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch cũng thông tin đã từ chối nhiều lời đề nghị mua lại công ty từ các DN Trung Quốc.
Cân nhắc chống thâu tóm
Thống kê mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy năm 2018, các nhà đầu tư Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đã bỏ khoảng 3,4 tỉ USD mua bán lại cổ phần, cổ phiếu của các DN tại Việt Nam. Cụ thể, tổng vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam là 2,46 tỉ USD, vốn đầu tư trực tiếp FDI cấp mới và tăng thêm là 1,6 tỉ USD, còn lại hơn 800 triệu USD là vốn đầu tư gián tiếp thông qua việc mua bán cổ phần DN. Đáng nói, hơn 1.029 lượt dự án góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư đến từ quốc gia này. Tính trung bình nhà đầu tư Trung Quốc bỏ ra hơn 770.000 USD để góp vốn vào DN Việt, tăng gấp đôi về lượng vốn so với con số 487 triệu USD cho hơn 800 dự án trong năm 2017.
Một chuyên gia tài chính phân tích việc xé nhỏ các đồng vốn và chia đều vào các dự án, DN Việt Nam cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc đang nhắm đến Việt Nam để thâu tóm DN, tìm hiểu thị trường và sẵn sàng chuyển vốn sang Việt Nam khi cần. Việc đầu tư vốn cổ phần sẽ có lợi cho DN Việt khi tăng vốn, lên sàn, tuy nhiên nếu nhà đầu tư Trung Quốc có cổ phần lớn, chắc chắn quyền điều hành DN sẽ rơi vào tay họ.
TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM, xác nhận thực trạng này đang và sẽ tiếp diễn. Theo ông Thắng, DN Trung Quốc thích hợp tác, mua lại DN Việt Nam là do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Chính vì vậy, DN Trung Quốc tìm cách đa dạng hóa ra bên ngoài bằng cách chọn nước thứ 3 là Việt Nam - quốc gia có nhiều nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Chưa kể, Việt Nam đang có nhiều lợi thế vì đã tham gia nhiều hiệp định thương mại, mới đây nhất là CPTPP… nên các DN Trung Quốc có pháp nhân tại Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong hoạt động xuất khẩu.
Ông Thắng khuyến cáo các DN Việt cần có giải pháp chống thâu tóm hoặc tìm cách phát triển bền vững hơn để không bị lấn sân, mất cơ hội trong hoạt động xuất khẩu nông sản ngay tại sân nhà. 
Đừng kỳ vọng rồi thất vọng
Tổng giám đốc một DN nông sản xuất khẩu Việt Nam cho rằng DN nội địa không kỳ thị đối tác, nhà đầu tư đến từ Trung Quốc nhưng phải thận trọng cân nhắc, hiểu họ muốn gì, cần gì để có cách ứng xử phù hợp. "Nếu chúng ta hiểu và chấp nhận họ ngay từ đầu thì tham gia; nếu kỳ vọng họ sẽ mang lại những điều kiện thuận lợi, nâng tầm DN... rồi sau đó thất vọng thì nên xem xét lại" - vị tổng giám đốc nói.
Sơn Nhung (Người Lao Động)

Có thể bạn quan tâm

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.