(GLO)- Không thể phủ nhận giá trị kinh tế mà cây thuốc lá đem lại cho người dân tại các huyện phía Đông Nam tỉnh. Tuy nhiên, xung quanh việc canh tác loại cây từng gây nhiều bàn cãi này vẫn còn đó những vấn đề tiêu cực nảy sinh khi cán cân giữa việc bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, tài nguyên rừng chưa tìm được sự cân bằng...
“Hút máu” của rừng
Cây thuốc lá là một trong những loại cây trồng chủ lực ở vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai với diện tích trên dưới 3.000 ha mỗi năm. Thời điểm tháng 3, 4 hàng năm khi cây thuốc lá vào chính vụ thu hoạch thì trước đó vài tháng, những cánh rừng ở khu vực Đông Nam tỉnh đã được một số người “ghé thăm” để tìm nguồn củi gỗ chất sẵn chờ tới mùa sấy thuốc. Theo chia sẻ của người dân làm thuốc lá, họ phải lo kiếm củi tích trữ chờ sẵn ngay từ thời điểm trước Tết Nguyên đán để vừa có giá rẻ hơn, để lâu củi khô nỏ, đốt đượm hơn.
Người dân đang thu hoạch thuốc lá. Ảnh: Hải Lê |
Để phục vụ cho nhu cầu sấy hàng ngàn tấn thuốc lá mỗi vụ sẽ phải tiêu tốn một lượng củi không hề nhỏ. Chị Nguyễn Thị Thanh, ở thôn Bình Hòa (xã Chư Răng, huyện Ia Pa), làm phép tính: “Vụ này nhà tôi trồng 1,5 ha thuốc lá, ước tính thu khoảng 4 tấn thuốc lá khô. Vì lò sấy nhà tôi thuộc loại nhỏ nên phải mất 8 lần sấy mới hoàn tất công đoạn sấy thuốc. Một lần sấy tiêu tốn ít nhất 8 ster củi và chỉ tính sơ sơ, riêng tiền củi mua về sấy đã ngốn mất không dưới 20 triệu đồng”. Chiếu theo phép tính ấy, trung bình mỗi ha thuốc lá sẽ ngốn khoảng 16 ster củi để dành cho việc sấy. Với 3.000 ha cây thuốc lá hiện được trồng trong niên vụ vừa rồi, lượng củi được hóa tro đã lên đến khoảng 48.000 ster, tương đương với hơn 33.600 m3 củi-một con số dễ khiến bất cứ ai cũng phải giật mình trước mức độ “đốt củi” của cây thuốc lá.
Trong khi đó, củi sấy thuốc lá thông thường phải đảm bảo được nhiều tiêu chí: Độ lớn, đốt đượm và tiêu hao ít mới “trụ” nổi với 6-7 ngày ròng rã để sấy một mẻ thuốc. Thông thường, điều đó hay đi kèm với những loại cây cho gỗ chắc, có chất lượng tốt, củi lớn. Để có nguồn củi gỗ khổng lồ ấy, tất nhiên ngoài nguồn củi tận thu từ rừng, vườn tược thì trong đó cũng có một lượng không nhỏ được người dân khai thác từ rừng về. Hầu hết người trồng thuốc lá đều thừa nhận, củi rừng luôn là lựa chọn số 1 bởi độ chắc, đượm lửa và cho ra sản phẩm thuốc lá có màu vàng đẹp mắt. Và thực tế, các đống củi được chất đầy quanh khu lò sấy thuốc lá thường chỉ là củi rừng, không ít cây đường kính trên 25 cm, thậm chí có cây lên đến 30-40 cm.
Một đống củi được chuẩn bị cho vụ sấy thuốc lá. Ảnh: Hải Lê |
Thủ phạm gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất
Theo thống kê, niên vụ 2014-2015, khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai gieo trồng khoảng 3.000 ha cây thuốc lá, năng suất đạt khoảng 4-5 tấn thuốc lá khô/ha. Với giá mua hiện tại là 50 ngàn đồng/kg, trung bình, mỗi ha thuốc lá trừ hết chi phí người dân thu về khoảng 70-80 triệu đồng. Nguồn thu này được đánh giá là cao gấp đôi so với nhiều loại cây trồng khác như: Lúa, bắp...
Dưới cái nắng như đổ lửa đốt của một ngày giữa tháng 4, nhiều bà con nông dân ở các huyện Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện, thị xã Ayun Pa vẫn đang tất bật thu hoạch cây thuốc lá. Lá thuốc hái xong được đưa về nhà, xâu thành xâu dài để cho vào lò thực hiện công đoạn sấy khô. Tại một khu vực thuộc xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa, theo quan sát, ở đây nhà nào cũng có ít nhất một lò đốt thuốc lá. Một thôn có đến 12-15 lò nằm sát nhau, lò nào cũng hoạt động hết công suất. Các ống khói thi nhau nhả khói đen ngòm, mùi hăng hăng bao trùm khắp khu vực cả ngày lẫn đêm. Anh Phan Văn Thiên (xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa), chia sẻ: “Vẫn biết là nó độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng dân mình nghèo quá cứ phải làm thôi, chứ không lấy gì mà nuôi con?”.
Một lò sấy thuốc lá đang nhả khói đen gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hải Lê |
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu đã cho thấy, thuốc lá là cây háo nước nên chỉ có thể trồng ở vùng trũng hoặc gần ao hồ, nơi có nguồn nước tưới dồi dào. Thực tế theo thừa nhận của người dân làm thuốc lá, trên một mảnh đất, họ chỉ có thể gieo trồng được 3-4 vụ thuốc lá, sau đó đất bị suy thoái, cạn kiệt chất dinh dưỡng, trồng cây dễ bị sâu bệnh. Các nhà khoa học đã khuyến cáo, thuốc lá là loại cây trồng gây hại cho đất. Tuy nhiên, trước lợi ích kinh tế mà nó mang lại, nhiều người dân vẫn bất chấp đi theo loại cây trồng này.
Ông Nguyễn Hồng Sơn-Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa, thừa nhận: “Cây thuốc lá tuy mang lại lợi ích kinh tế cho người dân nhưng là loại cây không được UBND tỉnh khuyến khích mở rộng do các yếu tố như: Độc hại cho sức khỏe, khói bụi gây ô nhiễm môi trường và chất đốt đe dọa tài nguyên rừng. Đây chỉ là cứu cánh trước mắt, không phải hướng phát triển lâu dài”.
Còn ông Lê Minh Trí-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Ayun Pa thì cho biết: “Các lò sấy thủ công trên địa bàn đều không có giấy phép kinh doanh hay giấy phép xây dựng, đây chỉ là lò tự phát. Phòng đã tiến hành di dời các lò sấy trong khu dân cư ra xa để tránh gây ô nhiễm. Hiện tại các lò trên địa bàn chủ yếu nằm xa dân cư nên mức độ ảnh hưởng đến môi trường là không đáng kể. Trong tương lai, sau khi hoàn thành khu tiểu thủ công nghiệp đơn vị sẽ vận động, di dời tất cả lò sấy thuốc lá trên địa bàn vào đây để quy hoạch hạn chế thấp nhất mức độ gây ô nhiễm môi trường”.
… Không thể phủ nhận, thuốc lá đã từng là loại cây giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, nhiều người đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ chính loại cây trồng này. Tuy nhiên, giữa lợi ích trước mắt và những tác hại lâu dài để lại, thì liệu trồng cây thuốc lá có đúng là một lựa chọn mang tính kinh tế?
Hải Lê