Trở lại Hbông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 1. Thực ra thì thỉnh thoảng tôi vẫn có những chuyến qua lại xã Hbông, nhưng chỉ là... ngoài đường, lần này thì đến tận “nhà”. Xã này nằm dọc theo quốc lộ 25 từ ngã ba Cheo Reo (thị trấn Chư Sê) đi Phú Thiện, qua thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa để đến Tuy Hòa (Phú Yên) giáp quốc lộ 1. Phía bên trên đèo Chư Sê là ranh giới hành chính giữa 2 huyện Phú Thiện và Chư Sê, nhưng phía bên dưới đèo này là vùng lúa 2 vụ tập trung trên 1,3 vạn ha.

Cùng với xã Ayun, Hbông là nơi có lòng hồ của công trình thủy nông lớn nhất Tây Nguyên. Khi con sông Ayun được chặn dòng đầu năm 1994 cũng là lúc hàng vạn người con Bahnar, Jrai ở đây phải rời làng, chịu nhiều thiệt thòi, mà cho đến bây giờ, sau ngần ấy năm cái khó, cái khổ vẫn còn đeo bám họ...

 

Hội cựu chiến binh phường Diên Hồng tặng xe đạp cho các em học sinh nghèo vượt khó ở xã Hbông, huyện Chư Sê. Ảnh: Đức Thụy

Hội 

Ban liên lạc những người kháng chiến phường Diên Hồng tặng xe đạp cho các em học sinh nghèo vượt khó ở xã Hbông, huyện Chư Sê. Ảnh: Đức Thụy

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Cẩm, người có “thâm niên” làm công dân ở Hbông,  nói với tôi: Xã có 12 thôn làng thì làng nào cũng còn nghèo, mà nghèo nhất là Quen Đơn. Ở đấy có 120 hộ, gần 500 nhân khẩu, bà con người Jrai vẫn còn vất vả lắm. Anh Cẩm nói vậy là bởi sau khi đại diện Ban liên lạc những người kháng chiến của phường Diên Hồng (TP. Pleiku) trao 20 chiếc xe đạp cho các em học sinh là con em bà con người Bahnar và Jrai trong xã, nhà nghèo mà tích cực học khá giỏi, ý anh nhờ chúng tôi khi tìm được các nhà hảo tâm thì lại giúp xã anh lần nữa. Đương nhiên, tôi nghĩ vậy. Mới đây có người thông qua tôi muốn giúp bà con làng Quen Đơn một ít quà và đương nhiên tôi đã chuyển ý tốt ấy đến lãnh đạo xã Hbông, mong sự chia sẻ lòng tốt này nhanh chóng đến với bà con ở đấy.

2. Còn nhớ, những tháng cuối năm 1993 và đầu năm 1994, tôi được giao nhiệm vụ cùng một số anh chị em khối dân vận, Mặt trận huyện Chư Sê về các làng cùng ăn, cùng ở để vận động bà con ở dọc theo con sông Ayun dời làng đến định cư ở nơi mới để chặn dòng, đắp đập ngăn con sông Ayun lại, tạo ra một công trình thủy lợi lớn nhất khu vực Tây Nguyên, đưa nước từ hồ Ayun Hạ tưới cho hơn 13.500 ha ở những cánh đồng phía hạ lưu. Từ bao đời, bà con các dân tộc nơi đây chỉ canh tác một vụ nhờ vào mùa mưa, năng suất, sản lượng rất thấp bởi chịu tác động nhiều của tự nhiên, cho nên hàng vạn người vẫn phải chịu cảnh đói nghèo trong khi sống trên vùng đất rộng bao la, nhiều tiềm năng mà bao đời nó vẫn chỉ là tiềm năng. Khi đã thấu hiểu về điều đó, bà con ở Hbông, Ayun sẵn sàng rời làng, để lại vùng đất phù sa đôi bờ của con sông Ayun với bao ruộng rẫy, vườn tược cây trái, nơi chôn nhau cắt rốn của bao đời mà tổ tiên, ông bà đã đấu tranh sinh tồn và gầy dựng.

Đến vùng đất mới, dẫu vẫn cái truyền thống vốn có, chịu thương, chịu khó làm lụng quanh năm, cùng với sự hỗ trợ về nhiều mặt của cấp ủy và chính quyền, nhưng đời sống của một bộ phận không nhỏ bà con Bahnar và Jrai vẫn nghèo. Năm 2016, cả xã có 1.723 ha cây trồng các loại thì hạn hán đã làm ảnh hưởng nặng gần 300 ha; mà không chỉ có năm 2016, ở Hbông gần như năm nào cũng chịu tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp vì hạn hán. Và không chỉ có cây trồng, mà vật nuôi cũng chung số phận; cả xã năm vừa rồi theo thống kê có đàn bò gần 4.000 con, khi mùa nắng hạn, gần như nước và thức ăn cho chúng chẳng khi nào đáp ứng đủ. Được biết, năm 2016, nắng hạn kéo dài làm cho mực nước ngầm và cả các sông suối, ao hồ cạn kiệt. Giếng đào dùng cho sinh hoạt đã không nhiều nước lại còn bị nhiễm vôi. 11 làng được huyện hỗ trợ kinh phí để bà con mua bồn chứa nước, giúp trữ nước sinh hoạt vào mùa khô. Lúc cao điểm hạn, có cả lực lượng quân đội, các ngành của tỉnh và huyện về giúp bà con chống hạn cho cây trồng, chống khát cho con người và vật nuôi.

3. Trở lại Hbông lần này, sau vài cơn mưa đầu mùa, không khí đã trở nên dễ chịu phần nào, ruộng rẫy đã bắt đầu vào vụ mới, trên các thôn làng, vườn tược màu xanh đã dần trở lại. Những con đường làng nối làng đã được bê tông hóa. Hy vọng những gian khó, nhọc nhằn dần lùi lại phía sau, một vụ mùa mới bắt đầu luôn “thuận buồm xuôi gió”, giúp bà con nơi đây bớt dần đi cái nghèo đã từ lâu đeo bám. Lướt qua vài con số trong một văn bản của xã Hbông được coi là nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm 2017, tôi cảm thấy vui. Theo đó thì xã phấn đấu gieo trồng cả năm đạt 1.850 ha cây trồng các loại, trong đó cây lương thực là 709 ha. Ngoài cây trồng ra, con số về chăn nuôi cũng đáng quan tâm với 12.500 con gia súc, gia cầm...

Xã Hbông có diện tích không lớn, với chỉ trên 15.000 ha tự nhiên. Vùng đất vốn không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhưng dân số thì vào loại trung bình của Chư Sê, khoảng 8,5 ngàn người. Ở đấy có 11 dân tộc anh em định cư, người Jrai chiếm trên 51%, đứng thứ hai là người Kinh. Thiển nghĩ, nếu các cấp ủy và chính quyền từ xã đến huyện luôn quan tâm đến việc chỉ đạo cụ thể, sâu sát, hướng dẫn tận tình, chu đáo; xuất phát từ thực tế đất đai, thời tiết, khí hậu, sức lao động... và đầu tư thích hợp thì sẽ biến những điều bất lợi trở thành có lợi. Cái khó nào cũng không thể “bó hết cái khôn”-là người viết bài này suy nghĩ vậy!

Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.