Tránh sai sót trong thời hạn cuối đăng ký xét tuyển ĐH

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau hơn một tuần đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển ĐH trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT, nhiều thí sinh cho biết đã gặp khó khăn do chưa nắm các thao tác và quy định xét tuyển.

Từ đó, đại diện các trường ĐH cũng lưu ý thí sinh về rất nhiều sai sót cần tránh để không bỏ lỡ bất cứ cơ hội trúng tuyển nào.

Sáng 23.7, Nguyễn Hoàng Lân, cựu học sinh Trường THPT Trần Phú (TP.HCM), truy cập hệ thống xét tuyển để đăng ký nguyện vọng (NV). Lân cho biết mình đăng ký ngành y khoa của Trường ĐH Y dược TP.HCM nhưng không thao tác được ở phương thức xét kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Tưởng hệ thống bị lỗi, Lân thoát ra và một lúc sau vào lại vẫn không được. Thí sinh (TS) này bèn gọi điện đến bộ phận tuyển sinh của trường hỏi thì được biết chỉ cần đăng ký ngành, sau đó trường sẽ tự xét theo các phương thức mà TS có khả năng trúng tuyển cao nhất.

Trong một tình huống khác, Nguyễn Bảo Hân (ngụ H.Nhơn Trạch, Đồng Nai) đăng ký 3 NV, gồm 1 NV mới bằng điểm thi và 2 NV đã trúng tuyển sớm trước đó. Tuy nhiên đăng ký xong, hệ thống báo "nguyện vọng chưa được thanh toán" khiến Hân lo lắng nếu bấm gửi đi thì có được xét tuyển hay không. Hân gọi điện đến Trường ĐH Tôn Đức Thắng hỏi thì được biết sau ngày 30.7 mới phải nộp lệ phí xét tuyển.

Thí sinh và phụ huynh đến trực tiếp các trường ĐH để được tư vấn. Ảnh ĐÀO NGỌC THẠCH

Thí sinh và phụ huynh đến trực tiếp các trường ĐH để được tư vấn. Ảnh ĐÀO NGỌC THẠCH

HÀNG TRĂM CUỘC ĐIỆN THOẠI NHỜ GIẢI ĐÁP MỖI NGÀY

Rất nhiều TS khác gặp phải những tình huống trục trặc trong quá trình đăng ký do chưa nắm rõ thông tin. Bộ phận tuyển sinh của các trường ĐH cho biết mỗi ngày nhận được hàng trăm cuộc điện thoại từ TS, chủ yếu thắc mắc về cách đăng ký, sắp xếp NV xét tuyển và các thao tác kỹ thuật trong quá trình đăng ký.

PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: "Những ngày vừa qua, TS và phụ huynh gọi điện đến trường rất nhiều xoay quanh các câu hỏi như trúng tuyển phương thức xét tuyển sớm rồi thì cần đăng ký NV lên hệ thống, có cần đặt ở NV 1 và có cần đóng lệ phí xét tuyển nữa hay không, điểm sàn xét tuyển là bao nhiêu, điểm chuẩn năm nay có tăng không?...".

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay ngay từ ngày đầu tiên cho đến thời điểm hiện tại nhiều TS trực tiếp đến trường cũng như liên hệ qua các kênh tư vấn trực tuyến để tìm hiểu kỹ một số thông tin.

"Những vấn đề các em thắc mắc và cần hỗ trợ đầu tiên là các thao tác cụ thể khi thực hiện đăng ký NV trên cổng thông tin của Bộ, cách thức điều chỉnh những thông tin sai sót hoặc những NV đã đăng ký (điều chỉnh ngành, vị trí các NV). Trong quá trình thực hiện đăng ký thì sai sót TS thường phải chỉnh sửa là thông tin cá nhân (tên, ngày tháng năm sinh, CCCD, số điện thoại, email, quê quán). Có TS lại quên mã đăng nhập... Các em còn hỏi về thời gian nhập học, học phí, hồ sơ, lệ phí xét tuyển, những chính sách hỗ trợ của trường khi nhập học...", thạc sĩ Dung thông tin.

Trong khi đó, có những TS gọi điện đến Trường ĐH Công thương TP.HCM hỏi: Nếu em trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm mà không đăng ký NV thì có được đi học không? Hiện em đã trúng tuyển tuyển sớm nhưng em chưa có dữ liệu trên hệ thống (do em chưa có tài khoản); có lúc em truy cập vào hệ thống không được; em chưa hiểu cách sắp xếp thứ tự NV như thế nào để có cơ hội trúng tuyển cao nhất…

"Nhiều em vẫn chưa biết cách đăng ký NV và không nắm thông tin về việc đóng lệ phí xét tuyển vào thời gian nào, đóng ở đâu…", tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, chia sẻ.

HƯỚNG DẪN CÁCH KHẮC PHỤC SAI SÓT

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết: "Các em vẫn chưa thực sự hiểu rõ về điểm sàn và điểm chuẩn của các trường, dẫn đến băn khoăn về cơ hội trúng tuyển khi điểm của mình chỉ vừa bằng điểm sàn. Bên cạnh đó, một số em gặp gián đoạn trong việc nhận mã OTP khi thao tác, do chưa nắm chắc quy trình thực hiện. Có những em sai sót thông tin giữa hồ sơ cá nhân và hồ sơ nhập lên phần mềm và chưa biết cách giải quyết. Cán bộ tuyển sinh của trường đã hướng dẫn các em khắc phục những sai sót này".

Thí sinh còn 5 ngày để hoàn tất đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Ảnh ĐÀO NGỌC THẠCH
Thí sinh còn 5 ngày để hoàn tất đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Ảnh ĐÀO NGỌC THẠCH

Về những trục trặc hay khó khăn mà TS đang gặp phải, PGS-TS Nguyễn Văn Thụy nhấn mạnh: "Các em phải luôn nhớ trường hợp đã trúng tuyển sớm bằng các phương thức xét học bạ, đánh giá năng lực..., nhất định phải đăng ký NV lên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Hiện chỉ còn 5 ngày để các em thực hiện. Các em có thể đăng ký không giới hạn số NV, bao gồm cả NV xét tuyển sớm và NV sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Sau thời hạn trên, hệ thống sẽ đóng lại, TS không thể bổ sung, điều chỉnh được nữa".

PGS-TS Thụy lưu ý hệ thống sẽ xét từ trên xuống, TS đỗ ở NV nào sẽ dừng ở NV đó, không xét tiếp nữa. Vì thế, nếu TS để NV đã trúng tuyển sớm ở cuối nhưng các NV xếp ở trên không đậu thì hệ thống vẫn xác định TS đỗ NV này.

Đối với TS đang lo lắng điểm thi thấp hơn hoặc gần bằng điểm chuẩn của năm ngoái khoảng 0,5 -1 điểm, theo PGS-TS Thụy, TS cứ mạnh dạn đăng ký ngành và trường yêu thích ở NV đầu tiên, vì điểm chuẩn các năm chỉ mang tính chất tham khảo và so sánh. Mỗi năm, điểm chuẩn các trường, các ngành đều có thể thay đổi phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh của phương thức, số lượng NV đăng ký vào.

Theo tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, những sai sót TS hay gặp phải dẫn đến bị mất cơ hội trúng tuyển gồm: đặt sai thứ tự NV, hoặc đã trúng tuyển sớm nhưng không đăng ký lên hệ thống, hoặc không đóng lệ phí xét tuyển với tất cả các NV đã đăng ký...

Để tránh trượt oan, thạc sĩ Cao Quảng Tư nhắc nhở: "Các em nhất định không được chủ quan. Sau khi hoàn tất quy trình lần 1, các em nên thoát phần mềm và đăng nhập lại để kiểm tra toàn bộ thông tin một lần nữa rồi mới bấm vào kết thúc quy trình".

Tuân thủ các mốc thời gian của Bộ GD-ĐT

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, trong 5 ngày cuối, TS có thể sẽ gặp một số trục trặc về kỹ thuật như bị đăng xuất ra khỏi hệ thống. Để hạn chế lỗi này, TS nên thao tác trên máy có đường truyền ổn định và hạn chế thực hiện vào giờ cao điểm.

"Trong thời gian cho phép, TS đăng ký, điều chỉnh, bổ sung không giới hạn số lượng NV nên các em hoàn toàn yên tâm có thể thay đổi, điều chỉnh ưng ý nhất ở những ngày còn lại. Tuy nhiên, để đăng ký phù hợp và tránh sai sót phải điều chỉnh nhiều lần, các em nên liệt kê các ngành học, trường đào tạo mà bản thân mong muốn theo thứ tự ưu tiên ra giấy trước, cân nhắc kỹ và chốt thứ tự ưu tiên rồi nhập liệu lên hệ thống", thạc sĩ Dung chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả cũng khuyên: Trong 5 ngày cuối, nếu TS gặp tình huống khó khăn, cần gọi trực tiếp số hotline trên hệ thống của Bộ GD-ĐT hoặc số hotline của trường, liên hệ trung tâm tuyển sinh của trường để được hỗ trợ.

"Các em nhớ tuân thủ theo các mốc thời gian đăng ký xét tuyển mà Bộ GD-ĐT đã công bố", tiến sĩ Khả lưu ý thêm.

Có thể bạn quan tâm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Bỏ xét tuyển sớm, bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm, nhóm ngành Sức khỏe - Y dược (có cấp chứng chỉ hành nghề) là hai điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 mà Ban soạn thảo vừa điều chỉnh.

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non với nhiều điểm mới. Theo dự thảo, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Học viên Lào trên đất Gia Lai

Học viên Lào trên đất Gia Lai

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Binh đoàn 15 đã tiếp nhận đào tạo cho 100 học viên đến từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Dẫu khác nhau về phong tục tập quán nhưng các học viên đã nhanh chóng hòa nhập và tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích để góp phần xây dựng đất nước.