(GLO)- Hơn tuần qua, dư luận trong và ngoài nước hết sức bất bình bởi hậu quả của sự việc nhân danh lòng yêu nước để biểu tình, gây mất trật tự công cộng, tấn công đập phá trụ sở, hủy hoại tài sản một số cơ quan, đơn vị trong nước, nhất là tại tỉnh Bình Thuận. Ở Gia Lai, có đối tượng phản động manh nha “té nước theo mưa”, đưa người từ địa phương khác đến vận động, lôi kéo người dân hưởng ứng, tổ chức “biểu tình”.
Cái cớ để các đối tượng xấu kích động người dân phản ứng là không cho nước ngoài thuê đất 99 năm, nhân danh điều hết sức tốt đẹp là truyền thống yêu nước của người Việt Nam và sự cảnh giác với mưu đồ bành trướng từ phương Bắc để thực hiện âm mưu chống chính quyền của thế lực thù địch.
Ảnh internet |
Xem hình ảnh một số người bị kích động đốt xe, đập phá trụ sở ở Bình Thuận hay Nguyen Wiliam Anh (quốc tịch Mỹ) lôi kéo, kích động người dân đi trên một số đường phố ở TP. Hồ Chí Minh vốn đã kẹt cứng người, mới thấy rằng tác hại của những hành vi thiếu kiềm chế mà một số người bị lợi dụng gây ra cho xã hội là rất nghiêm trọng, đến mức phải truy cứu trước pháp luật. Những kẻ đứng sau giấu mặt kích động khiến một số người dân với tình cảm yêu nước hồn nhiên trong phút chốc thiếu kiềm chế, dẫn đến hành động nông nổi, gây tác hại cho xã hội và buộc phải trả giá cho hậu quả những hành vi mình gây ra là rất đáng tiếc. Gia đình đang yên đang lành, chỉ vì nghe những lời lẽ lôi kéo, kích động đập phá tài sản, đốt xe của cá nhân, tổ chức hay tấn công đánh đập người khác, gây rối, giờ bị bắt giam, rồi sẽ bị tù tội, phải trả giá cho hành vi mình gây ra, còn khiến người thân phải khổ sở vì mình.
Bây giờ, các thiết bị ghi âm, ghi hình hết sức hiện đại, tinh vi; những lời nói, việc làm của từng cá nhân trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền tải, trên đường phố... rất dễ bị phát hiện, truy cứu. Đừng ngờ nghệch nghĩ mình làm gì trên mạng xã hội không ai biết. Có người thay hàng trăm sim điện thoại, tạo lập hàng chục tài khoản ảo, cho rằng như thế là an toàn, không ai phát hiện ra mình làm gì, nói gì trên ấy, mặc sức chém gió, chửi bới người khác, nói xấu cá nhân, chính quyền, kích động những người có cùng tâm lý bức xúc, bất mãn vì một lý do nào đó-thường là do lợi ích cá nhân không được thỏa mãn, để chống đối chính quyền, chống phá Nhà nước. Người ta không biết rằng dù dùng hàng trăm sim điện thoại thì cũng từ điểm phát sóng bên cạnh sự di chuyển cá nhân đó, dù dùng hàng chục tài khoản ảo, máy tính công cộng thì vẫn trong khu vực người ấy sinh sống, và sự di chuyển của họ đã có các thiết bị công cộng ghi lại, để lực lượng chức năng khi cần có thể mở ra, truy cứu. Pháp luật quy định khá đầy đủ về quyền của cá nhân, những hành vi chúng ta được làm và không được làm, cách chúng ta thể hiện lòng yêu nước, sự thượng tôn pháp luật. Nhân danh lòng yêu nước rồi xúc phạm người khác, gây tổn hại đến cá nhân khác, đến tổ chức, đến đất nước thì chắc chắn pháp luật không cho phép, sẽ bị nghiêm trị.
Chính quyền và đa số nhân dân Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đã hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch “vừa là đối tác, vừa là đối tượng” bên ngoài, cũng như một số phần tử cơ hội, phản động trong nước. Bất kỳ xã hội nào cũng không bao giờ có sự đồng thuận tuyệt đối. Ngay trong mỗi con người, hành vi, thái độ không hẳn đã bất biến, hôm nay có thể phản ứng, song ngày mai hiểu ra lại đồng thuận, chia sẻ, thông cảm... Vì thế, việc chưa thông hiểu, sự phản đối của một bộ phận quần chúng thiếu kiềm chế về một vấn đề nào đó là bình thường. Nhà nước ta hiểu điều đó, đang cho xây dựng dự án luật biểu tình để người dân được bày tỏ thái độ một cách có trách nhiệm. Biểu tình bạo động gây tổn hại đến người khác, mất trật tự an toàn xã hội, gây rối an ninh chắc chắn không được chấp nhận, phải được xử lý nghiêm minh.
Gia Lai đã có những bài học từ tình hình an ninh trật tự thời gian qua, nhất là năm 2001 và 2004. Vì thế, hầu hết người dân đều hiểu ra, cơ quan chức năng đã có kinh nghiệm trong xử lý tình huống có vấn đề. Vì vậy mà vừa qua khi xảy ra biểu tình ở một số địa phương khác, kẻ xấu cố tình kích động lôi kéo một số người ở Gia Lai, có kẻ nóng lòng đã trực tiếp đến một số địa phương trong tỉnh kêu gọi lôi kéo nhân dân biểu tình, phản ứng, nhưng lại bị chính những người họ định lôi kéo ngầm báo cho cơ quan chức năng can thiệp, xử lý.
Bác Hồ từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Lòng yêu nước là vốn quý của quốc gia, của mỗi người, của dân tộc ta. Tuy nhiên, lòng yêu nước nếu bị kẻ xấu lợi dụng, biến thành công cụ trong mưu đồ của các thế lực thù địch thì lại gây tổn hại cho quê hương, đất nước. Vì thế, người dân cần cảnh giác, tránh bị lôi kéo để rồi vi phạm pháp luật không cần thiết.
Nhật Cường