(GLO)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có dịp lên thăm Tây Nguyên, song đồng bào nơi đây vẫn một lòng, một dạ hướng về Người. Những lần hiếm hoi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Bắc, nhiều kỷ vật gắn với Bác luôn được những người con Tây Nguyên trân trọng.
Tình dân với Bác
“Tình dân với Bác” là một tổ hợp gồm các tài liệu, hiện vật có liên quan đến Bác Hồ được Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum sưu tầm trong nhân dân khắp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh và đem về trưng bày, lưu giữ. Cùng với những tài liệu là sách báo, các bài dự thi theo chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì các hiện vật được lưu giữ tại tổ hợp nhỏ này đều là những tác phẩm tranh, ảnh về Bác do chính những người dân Gia Lai sáng tác nhằm thể hiện niềm kính yêu với Người. Được treo ở vị trí trên cao cùng hai bức tranh “Bác Hồ với đồng bào Tây Nguyên” (họa sĩ Xu Man), bức “Bác Hồ đến thăm Trường Dân tộc miền Nam” (họa sĩ Nguyễn Đoan) là tranh Bác Hồ được ghép bằng tem và bức tranh vẽ bằng phấn của Đảng bộ xã Diên Phú (TP. Pleiku). Những bức tranh có nét vẽ giản dị, mộc mạc cho người thưởng lãm thấy được tấm lòng chân thành, tôn kính của mình đối với vị “Cha già của dân tộc”.
Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên là niềm tự hào của nhân dân Gia Lai. |
Đáng chú ý trong gần 100 tài liệu, hiện vật đang trưng bày ở tổ hợp “Tình dân với Bác” là bức tranh xoay của ông Nguyễn Hữu Nam (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ). Bức tranh xoay được đúc bằng xi măng, có hai mặt đặt trên một trục xoay. Một trong 2 mặt được ông Nam đắp nổi hình Bác Hồ, cạnh bên là bản đồ Việt Nam, có bến Nhà Rồng, một chiếc thuyền đang vươn ra biển thể hiện sự kiện lịch sử trọng đại ngày 5-6-1911 Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Những hoa văn, họa tiết trên bức tranh được ông Nam làm hoàn toàn bằng tay một cách tỉ mỉ, cẩn trọng, chứa đựng tấm lòng thành kính của ông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đáng quý hơn, góc trưng bày nhỏ còn chiếc rìu của ông Đinh Hmunh (xã Sơn Lang, huyện Kbang)-vốn là chiếc rìu dùng để đốn cây gỗ xây dựng Lăng Bác và một khúc gỗ trắc-một phần của cây gỗ trắc góp vào Lăng Bác của ông Đinh Văn Đoàn (xã Sơn Lang, huyện Kbang). Mặc dù chưa một lần được gặp Bác, song những vật dụng dù chỉ có mối gắn kết nhỏ bé với Người vẫn được người dân trân trọng gìn giữ như kỷ vật.
Ông Huỳnh Văn Kính-Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum chia sẻ: “Điểm đặc biệt khiến Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum khác với các bảo tàng khác chính là tổ hợp trưng bày “Tình dân với Bác” vừa được xây dựng vào năm 2014. Tổ hợp tập trung những hiện vật nhân dân các dân tộc làm để tưởng nhớ đến Bác. Qua đây, mọi người có thể thấy được tấm lòng của người dân Gia Lai đối với Bác Hồ”.
Tri ân Người
Với ông Siu Phích (02B hẻm Võ Thị Sáu, TP. Pleiku) thì lần được múa cho hai người bạn nước Anh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1958 là kỷ niệm mà ông mãi mãi không bao giờ quên. “Khi đó, tôi vinh dự được ở trong nhóm múa biểu diễn phục vụ Bác và khách quý. Trong lúc múa điệu đi lui, một người trong nhóm múa vô tình đụng làm rơi vỡ bình hoa của Bác. Ai cũng lo lắng nhưng Bác chỉ cười xòa lại còn cho người kê bàn, bày bánh kẹo mời chúng tôi ăn, vừa ăn chúng tôi vừa được Bác hỏi han đủ điều. Chưa bao giờ tôi được ở gần Bác đến vậy”. Năm 1969, khi Bác mất, ông Siu Phích được vào nhìn Bác lần cuối. Miếng khăn tang được ông Siu Phích lưu giữ, mang theo bên mình suốt những năm sau này như một kỷ vật nặng tình thương của ông dành cho Người.
Từ số tiền tiết kiệm gom góp suốt 30 năm, gia đình ông Nguyễn Đình Cẩn (khóm 6, phường An Phú, thị xã An Khê) đã xây dựng nên nhà thờ Bác Hồ ngay trong khuôn viên nhà. Ngôi nhà thờ được làm theo khuôn mẫu của chùa Một Cột, dưới nước thả cá, trồng sen, bức tượng Bác làm bằng đá trắng đặt trang trọng bên trong. Ngày ngày vợ chồng ông Cẩn lau chùi, quét dọn và hương khói đầy đủ. Công trình kỳ công này được xây dựng với kinh phí 340 triệu đồng đã trở thành nơi không chỉ cho riêng gia đình ông Cẩn mà còn cho tất cả mọi người đến dâng hương, tưởng nhớ Bác Hồ bất cứ khi nào.
Tây Nguyên chưa được đón Bác đến thăm thì Bác đã đi xa. Dù vậy, Bác vẫn luôn hiện hữu trong lòng mỗi người con nơi này. Từ năm 2012, Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được đặt trong khuôn viên của Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) trở thành một di sản vô cùng quý giá đối với nhân dân Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Bác đứng giơ tay vẫy chào vừa thân thương, hiền hậu trở thành hình ảnh gần gũi, quen thuộc với biết bao thế hệ người dân nơi này. Tượng đài Bác giữa lòng thành phố là niềm tự hào, trở thành nơi để những người con đến tưởng nhớ, tri ân, nhắc nhở nhau về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, quật cường của dân tộc.
Phương Linh