Tiểu đoàn Đặc công 408: Những chiến công thầm lặng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm tháng trôi đi, chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng những trang sử hào hùng vẫn còn vang vọng mãi. Những chiến công oanh liệt một thời của những chiến sĩ thầm lặng, quả cảm, gan lỳ “Đặc công 408”, Bộ đội địa phương tỉnh Gia Lai luôn sống mãi trong tâm thức của mỗi người.

Với khẩu hiệu “Ra quân là đánh thắng”, trong suốt quá trình vừa xây dựng, vừa chiến đấu, Tiểu đoàn Đặc công 408, Bộ đội địa phương tỉnh Gia Lai đã nhanh chóng trưởng thành lập nên nhiều chiến công vang dội, “luồn sâu, đánh giỏi, liên tục tấn công vào thị xã Pleiku và các căn cứ của Mỹ-ngụy”, giáng cho địch những trận đòn chí mạng, tiêu diệt khối lượng lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch ngay từ hậu cứ của chúng. Dù chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng những trang sử hào hùng, oanh liệt với những mốc son lịch sử chói lọi của Tiểu đoàn Đặc công 408 vẫn luôn “sống” mãi trong tiềm thức của mỗi người.

Pleiku hoàn toàn giải phóng (Ảnh tư liệu).
Pleiku hoàn toàn giải phóng (Ảnh tư liệu).
Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ phải nhắc đến trận đánh đầu tiên của Tiểu đoàn sau 2 ngày được thành lập. Nhận nhiệm vụ trên giao, đêm 17-12-1967 đơn vị xuất quân, chia 2 hướng tập kích vào cứ điểm Lệ Chí. Đây là một cứ điểm kiên cố, có nhiệm vụ phòng thủ vòng ngoài cho hậu cứ Quân đoàn II ngụy ở Pleiku. Quân địch có 1 đại đội, được trang bị 4 khẩu cối 81 mm, súng đại liên, M79 và súng bộ binh, hệ thống phòng ngự của chúng kiên cố vững chắc với 5 lớp rào thép gai bao quanh. Tiểu đoàn sử dụng lực lượng 2 đại đội với 65 tay súng chia làm 6 mũi đánh trận nội, với trang bị ban đầu chỉ có súng AK và thủ pháo. 23 giờ 30 phút đơn vị nổ súng, chỉ sau 25 phút tiến công, lực lượng Tiểu đoàn đã làm chủ trận địa, diệt gọn cứ điểm, loại khỏi vòng chiến đấu gần 100 tên địch, phá hủy 4 khẩu cối 81 mm, 1 cối 61 mm, 2 kho đạn, thu 28 khẩu súng các loại, phá sập 10 lô cốt, 8 nhà lính. Trận đánh đã gây được tiếng vang lớn, tạo đà thúc đẩy phong trào du kích vùng ven thị xã. Đây là một đòn bất ngờ đối với hậu cứ Quân đoàn II ngụy ở Pleiku.


Căn cứ hậu cần Sư đoàn Bộ binh 4 Mỹ Kơty Prông ngày 23-8-1968 với hệ thống phòng thủ vững chắc, có đủ sân bay dã chiến, hệ thống kho tàng và bãi đậu xe, thường xuyên có khoảng 300 xe cơ giới các loại đậu thường trực, sẵn sàng làm nhiệm vụ tiếp tế, chi viện ứng cứu cho các cuộc hành quân càn quét trên địa bàn Bắc Tây Nguyên. Về phía ta, lực lượng tiểu đoàn có 178 cán bộ, chiến sĩ, sau 25 phút nổ súng tiến công, đơn vị diệt gọn các mục tiêu quy định, phá hủy 133 xe quân sự, loại khỏi vòng chiến đấu 70 tên Mỹ, phá sập 11 ngôi nhà, đốt cháy 1 kho xăng dầu, 6 lô cốt. Trận đánh là một đòn hiểm đánh thẳng vào dạ dày chiến lược của Bộ Tư lệnh Quân đoàn II ngụy ở Pleiku, mà trực tiếp là Sư đoàn Bộ binh 4 của Mỹ gây ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch hành quân càn quét nhằm đẩy lực lượng ta về biên giới phía Tây, giành lại thế chủ động trong Hè Thu 1968 của Mỹ- ngụy trên địa bàn.

Thành tích đã được ghi nhận:

- Đánh 245 trận, loại khỏi vòng chiến đấu trên 8.300 tên địch, làm bị thương khoảng hơn 1.000 tên. Phá hủy 151 máy bay các loại; phá sập 1.028 nhà, 281 lô cốt-hầm ngầm; phá hủy, phá hỏng hơn 720 xe quân sự các loại; 16 kho với hơn 130.000 tấn bom đạn, hơn 50 kho xăng dầu trên 13,45 triệu lít; phá hủy khoảng 272 súng, pháo các loại, thu hơn 250 khẩu…

- Được tặng 1 cờ “Luồn sâu đánh giỏi, liên tục tấn công thị xã và căn cứ Mỹ”; 4 cờ “Đơn vị Thành đồng quyết thắng”; 10 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất; 7 Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì; 14 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.
...Chiến dịch Tây Nguyên mùa Xuân 1975, Pleiku là hướng nghi binh chiến dịch, cấp trên yêu cầu phải liên tục tấn công để giam chân, thu hút địch. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, đòi hỏi người chiến sĩ đặc công phải kiên cường chịu đựng, bám trụ địa bàn, khôn khéo đánh lừa địch. Trước yêu cầu nhiệm vụ, các chiến sĩ đặc công đã gánh trên vai nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Để đánh được Tổng kho Aria các chiến sĩ đặc công vừa phải tìm mọi cách bám trụ địa bàn, vừa phải điều tra nghiên cứu địa hình thật kỹ để tìm cách bí mật xâm nhập mà không đánh động địch. Ban ngày ém quân, ban đêm khôn khéo luồn tránh địch, áp sát mục tiêu, cắt hàng rào thép gai, vượt qua bãi mìn dày đặc và tránh được các vọng gác tuần tra sáng đêm của địch. Gần sáng quay ra, rồi cắt cử một đồng chí bí mật ngụy trang nằm lại theo dõi.
Sau 2 đêm liên tục đột nhập, các chiến sĩ đặc công đã tìm cách vào được tổng kho. Đêm 14 rạng ngày 15-3, Đại đội 60 tổ chức thành một mũi, chia làm hai tổ, tập kích vào Tổng kho Area, phá hủy một kho đạn lớn với hơn 100 tấn bom đạn làm rung chuyển cả thị xã Pleiku kéo dài nhiều giờ liền, góp phần làm hoang mang dao động tinh thần địch. Đặc biệt vào ngày 17-3-1975 một tổ của Đại đội 70 do Đại đội trưởng Chu Quang Tùy phụ trách đã trực tiếp hạ cờ ba que của địch, cắm cờ giải phóng trên nóc Tòa Hành chính tỉnh đánh dấu một mốc son lịch sử chói lọi, giải phóng hoàn toàn tỉnh Gia Lai.

Không thể kể hết những năm tháng gian khó mà Tiểu đoàn đặc công 408 đã trải qua. Sân bay, tổng kho, sở chỉ huy đều nằm sâu trong hậu cứ địch, muốn đánh phải vượt qua nhiều ấp chiến lược, nhiều tiền đồn, điểm chốt, nhiều lớp rào, bãi mìn, đồi núi, suối sâu, ruộng lầy… Như lời Bác Hồ dạy các chiến sĩ đặc công: “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí sáng tạo, đánh hiểm thắng lớn” đã khắc sâu vào tâm trí cán bộ, chiến sĩ đặc công. Những cựu chiến binh năm xưa với những kỷ niệm một thời oanh liệt, một quãng đời họ đã sống thật ý nghĩa, cống hiến xương máu cho xã hội. Họ thật vinh quang luôn sống trong tâm thức của mỗi người.

Tháng 8-1975, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Tiểu đoàn Đặc công 408 nhận quyết định giải thể. Đã 36 năm trôi qua dù Tiểu đoàn Đặc công 408 đã không còn biên chế trong lực lượng vũ trang hiện nay nhưng mốc son lịch sử và những chiến công bất khuất một thời vẫn còn vang mãi. Và ngày 30-1-2011, Tiểu đoàn Đặc công 408, Bộ đội địa phương tỉnh Gia Lai đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đây là một niềm tự hào, một vinh dự to lớn của tất cả cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 408 năm xưa.
 
Xuân Hoàng

Có thể bạn quan tâm