(GLO)- Ngày 11-2-2014, UBND tỉnh có Công điện số 06/CĐ-UBND về việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng-chống dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh ở lợn, dịch lở mồm long móng gia súc trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, ở Trung Quốc, dịch cúm A(H7N9) đang bùng phát mạnh và có nguy cơ lâylan ra các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, việc xuất hiện nhiều nhánh virus của cúm A(H5N1) và chủng mới H7N9 gần đây đã làm cho việc phòng chống dịch cúm gia cầm trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó ở trong nước, dịch cúm gia cầm A(H5N1) đã tái bùng phát ở một số tỉnh như Đồng Tháp, Bình Phước, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, từ đầu năm 2014 đã có 2 người tử vong do cúm A(H5N1); dịch tai xanh ở lợn, dịch lở mồm long móng gia súc có nguy cơ tái phát và lây lan ở nước ta.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành chức năng và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh không được chủ quan lơ là mà phải chủ động triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, ngăn chặn, không cho các dịch bệnh lây lan vào tỉnh theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong đó tiếp tục tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh ở lợn, dịch lở mồm long móng gia súc trên địa bàn tỉnh như sau:
1. Sở Nông nghiệp và PTNT:
a) Chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh:
- Tăng cường công tác chốt chặn 24/24 giờ tại các trạm kiểm soát dịch bệnh động vật. Tạm thời, tiếp tục không cho nhập gia súc, gia cầm (sản phẩm gia súc, gia cầm) vào tỉnh để ngăn chặn dịch bệnh lở mồm long móng gia súc, cúm gia cầm, tai xanh ở lợn lây lan vào tỉnh, đặc biệt là từ các tỉnh đang xảy ra dịch bệnh nói trên. Xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng dịch lở mồm long móng gia súc đợt I năm 2014 theo Kế hoạch tiêm phòng năm 2014 đã được phê duyệt; thường xuyên tổ chức triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, địa điểm giết mổ, mua bán gia súc, gia cầm.
- Tăng cường kiểm tra việc chấp hành công tác kiểm dịch động vật, vệ sinh thú y tại các sơ sở chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh (nhất là việc bày bán gia súc, gia cầm tại các chợ).
- Khi có dịch tai xanh ở lợn, dịch lở mồm long móng gia súc, dịch cúm gia cầm xảy ra phải lấy mẫu gửi xét nghiệm và tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch theo đúng quy định.
- Tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, công tác phòng chống dịch gửi về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
b) Chỉ đạo Chi cục Quản Lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh: Thường xuyên kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh và xử lý vi phạm theo đúng quy định.
2. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
a) Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn và Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của các huyện, thị xã, thành phố tổ chức giám sát việc chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm đến tận thôn, làng, bản, tổ dân phố. Vận động nhân dân không được thả vịt chạy đồng để tránh lây lan.
b) Tuyên truyền, vận động dân dân chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; khi có gia súc, gia cầm bị ốm, chết phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y để kiểm tra, xác định dịch bệnh và triển khai các biện pháp chống dịch; tuyệt đối không được dấu dịch, không ăn tiết canh gia súc, gia cầm và ăn thịt gia súc, gia cầm bị ốm, chết; không bán chạy và vứt xác gia súc, gia cầm chết bừa bãi. Nếu hộ gia đình, tổ chức nào vi phạm quy định này phải xử lí nghiêm khắc theo đúng quy định của phát luật.
c) Khi có dịch tai xanh ở lợn, dịch lở mồm long móng gia súc, dịch cúm gia cầm và cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), cúm A(H10N8) ở người xảy ra phải báo cáo đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tham gia phòng, chống dịch, bảo vệ sản xuất chăn nuôi của địa phương, sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
d) Nghiêm túc thực hiện quy định của Nhà nước về chống dịch như: Kiểm soát chặt chẽ khu vực có dịch; cắm biển báo vùng dịch; nghiêm cấm vận chuyển, giết mổ, bán chạy gia súc, gia cầm bệnh ra khỏi ổ dịch; vệ sinh tiêu độc khử trùng tiêu diệt mầm bệnh để ngăn chặn bệnh tái phát, lây lan; tiêu hủy bắt buộc với lợn bệnh, chết do mắc bệnh tai xanh và gia cầm bệnh, chết do mắc bệnh cúm gia cầm (khi có dịch xảy ra).
e) Phối hợp Chi cục Thú y tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin phòng dịch cho đàn gia súc đợt I năm 2014 và vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, địa điểm giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm.
f) Chủ động sử dụng ngân sách địa phương để phòng, chống dịch theo đúng quy định hiện hành của nhà nước.
g) Báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh động vật, công tác phòng chống dịch và kiến nghị về Chi cục Thú y tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
3. Sở Y tế:
Chủ động rà soát, chuẩn bị đầy đủ trang-thiết bị, phương tiện và nhân lực để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), cúm A(H10N8) ở người khi có dịch xảy ra.
4. Sở Công Thương:
Chỉ đạo Chi cục Quản lí thị trường chủ trì phối hợp với Chi cục Thú y, Công an tỉnh kiểm tra việc mua bán gia súc, gia cầm (sản phẩm gia súc, gia cầm) tại các trung tâm thương mại, chợ, vận chuyển trên đường và xử lí vi phạm theo quy định.
5. Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:
Tạm thời không cho nhập gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm từ nước Campuchia vào tỉnh. Tăng cường ngăn chặn việc nhập lậu gia súc, gia cầm (kể cả sản phẩm gia súc, gia cầm) vào tỉnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và qua đường Biên giới.