Tiếp tục giảm lãi suất cho khách hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tính đến ngày 20-8-2012, các Ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh huy động ước đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 6,5% so với đầu năm. Cùng thời điểm, dư nợ cho vay ước đạt 28.100 tỷ đồng, tăng 2%. Tuy có khả quan do những khó khăn của nền kinh tế nhưng nhìn chung tình hình vẫn còn nhiều thách thức.

Công tác huy động dưới hình thức tiền gửi dân cư có tăng nhưng vẫn ở mức thấp, trong khi đó, dư nợ tăng không đáng kể: 2% so với kế hoạch là 10%. Điều này cũng có nghĩa trong 4 tháng còn lại của năm 2012, dư nợ của các NHTM phải phấn đấu tăng ở mức 2%/ tháng. Trong đó đặc biệt chú trọng cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ. Hiện các NHTM triển khai chương trình cho vay xuất khẩu với lãi suất ưu đãi 10-11%/ năm. Cùng với các giải pháp khác, có thể xem đây là một trong những giải pháp đẩy nhanh hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ.
 

 

Song để đạt kế hoạch đòi hỏi phải có sự chỉ đạo và quyết tâm cao của các bên liên quan từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến triển khai thực hiện, cơ chế kiểm tra giám sát. Bởi trên thực tế nền kinh tế đất nước và địa phương vẫn chưa ra khỏi khó khăn, sức mua xã hội thấp, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế yếu, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trì trệ, hàng tồn kho nhiều,...

Thời gian qua, các NHTM đã tích cực phối hợp với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn bằng nhiều giải pháp tích cực, được doanh nghiệp, khách hàng đánh giá cao và rất phấn khởi. Tuy vậy chính sách đối với khách hàng của các NHTM vẫn còn nhiều “áp lực”.

Điều kiện vay vốn buộc phải có tài sản thế chấp là bắt buộc, trong khi gần như các doanh nghiệp trải qua thời gian khó khăn đến nay gần như đã không còn tài sản thế chấp để vay tiếp hay vay lại. Các ngân hàng cũng “soi xét” kỹ hơn phương án, dự án sản xuất kinh doanh của khách hàng và nếu không khả thi, hiệu quả thì cũng không thể giải quyết vay vốn.

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, sau hội nghị bàn biện pháp tháo gỡ do UBND tỉnh tổ chức, vừa qua hội nghị kết nối giữa ngành Ngân hàng với UBND tỉnh cũng đã diễn ra với sự đồng thuận cao, thống nhất giải quyết khá nhiều vướng mắc. Đặc biệt tại hội nghị này, vấn đề rà soát, xem xét thật kỹ tình hình tài chính, năng lực hoạt động của doanh nghiệp để có hướng giải quyết vốn vay được mổ xẻ phân tích khá kỹ, sự chỉ đạo của ngành Ngân hàng và chính quyền địa phương cũng trở nên cụ thể, trực tiếp. Nếu doanh nghiệp chỉ gặp khó khăn tạm thời thì ngân hàng phải tháo gỡ, tiếp tục tài trợ vốn. Cách “hành xử” này của ngân hàng chính là biểu hiện của sự sòng phẳng và ân tình trong quan hệ với các doanh nghiệp, cũng là thực hiện khẩu hiệu phương châm “đồng hành với doanh nghiệp trên đường phát triển”.

Về phía Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, ngoài việc chỉ  đạo triển khai thực hiện các văn bản của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng đã yêu cầu các NHTM tiếp tục có những giải pháp cụ thể để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn phù hợp với tình hình hoạt động của đơn vị và của doanh nghiệp, phù hợp với  quy định của pháp luật. Quan trọng nhất là việc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp. Với quyết định này, nhiều doanh nghiệp đã cảm thấy “dễ thở” hơn để sau đó tiếp tục cầm cự với tình hình, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hay đầu tư tái sản xuất mở rộng.

Để tháo gỡ khó khăn về vốn vay và đảm bảo tăng trưởng dư nợ, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các NHTM phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội như: Xây dựng, Nông sản trên địa bàn tỉnh đánh giá khả năng hoạt động, nhu cầu vốn và việc đáp ứng vốn cho các doanh nghiệp. Hoạt động này một mặt kết nối các hiệp hội với ngân hàng vốn trước đây xây dựng chưa được chặt chẽ mà còn cung cấp thêm thông tin về tình hình của hiệp hội, của các doanh nghiệp, vốn là mối quan tâm của các NHTM.

Với nhiều động thái và giải pháp, kết quả của việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cho đến ngày 20-8-2012, dư nợ cho vay các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh được điều chỉnh lãi suất từ khi triển khai chủ trương đến cuối kỳ là 18.380 tỷ đồng (trong đó của doanh nghiệp là 2.400 tỷ đồng) với 3.175 khách hàng (trong đó có 101 doanh nghiệp). Khoản dư nợ với lãi suất còn trên 15%/năm hiện vào khoảng 4.500 tỷ đồng với 10.000 khách hàng (trong đó có 150 doanh nghiệp). Tỷ trọng dư nợ với lãi suất trên 15%/năm là 20%. Nhiều NHTM đã tuân thủ giảm lãi suất các món vay cũ về dưới mức 15%/năm đi đôi với áp dụng chính sách lãi suất mới cạnh tranh 12-13%/năm và có thể còn thấp hơn.

Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn chậm thực hiện chủ trương quan trọng này, do đó nhiệm vụ của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh trong thời gian tới là tiếp tục kiểm tra việc hạ lãi suất đối với các món vay cũ cho khách hàng, đảm bảo quyết định của ngành được thực hiện nghiêm túc trên thực tế-ông Nguyễn Văn Cư-Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.