(GLO)- Trong thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có những chuyến biến tích cực, song vẫn còn một số tồn tại. Trước tình hình trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh có Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng-chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai, yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện:
Sở Y tế triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm để quản lý hiệu quả đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; chỉ đạo triển khai các phương pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống, các bữa ăn đông người, tiệc cưới lưu động và nhân rộng các mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, mô hình phòng-chống ngộ độc thực phẩm;
Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại TP. Pleiku. Ảnh: Đức Phương |
Quản lý chặt chẽ các hội nghị, hội thảo quảng cáo, giới thiệu thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng trên địa bàn và tập trung kiểm soát việc xác nhận nội dung quảng cáo; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức thực hiện quảng cáo không theo nội dung đã được xác nhận;
Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tổ chức quản lý, giám sát chất lượng, nguồn nước sạch sử dụng trong sản xuất thực phẩm, ăn uống, sinh hoạt. Trước mắt, tập trung kiểm soát tốt chất lượng nguồn nước cung cấp tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, các hệ thống cấp nước tập trung. Hàng năm, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương, các ban ngành liên quan các địa phương tổ chức, triển khai “Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm” từ ngày 15-4 đến 15-5.
Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Sở Y tế trong việc triển khai hoạt động truyền thông thuộc liên ngành và đẩy mạnh hoạt động truyền thông chuyên ngành trong lĩnh vực được phân công quản lý; Quản lý chặt chẽ về điều kiện sản xuất, nuôi trồng, khai thác nông-lâm-thủy sản. Có giải pháp kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, tồn dư kháng sinh, thuốc kích thích tăng trưởng trong nuôi trồng. Chỉ đạo Chi cục Thú y làm đầu mối phối hợp với các đơn vị Chi cục Quản lý Thị Trường, lực lượng Công an... tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ và kinh doanh các sản phẩm động vật.
Thường xuyên giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất độc hại đối với nông sản thực phẩm trong các khâu sơ chế, chế biến bảo quản và kinh doanh nông sản thực phẩm trái cây tại các chợ; kiểm soát chặt chẽ về điều kiện vệ sinh thú y, thủy sản đối với các hoạt động giết mổ, vận chuyển, kinh doanh sản phẩm động vật và thủy hải sản trên thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh sản phẩm nông-lâm-thủy hải sản theo phân cấp của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tổ chức phối hợp liên ngành kiểm soát chặt chẽ các nguồn nông sản thực phẩm lưu thông trên địa bàn tỉnh.
Tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch các vùng sản xuất nông sản an toàn thực phẩm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; xây dựng và phát triển nhân rộng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và khai thác nông-lâm-thủy sản an toàn, quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi.
Sở Công thương phối hợp với Sở Y tế trong việc triển khai hoạt động truyền thông liên ngành và đẩy mạnh hoạt động truyền thông chuyên ngành trong lĩnh vực được phân công quản lý; Tăng cường triển khai các biện pháp an toàn thực phẩm để quản lý hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia, nước giải khát và sữa chế biến; Phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị và các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm; Xây dựng, triển khai các mô hình điểm chợ đảm bảo an toàn thực phẩm; Chủ trì và phối hợp với Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh từng bước kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc và nhập lậu.
Sở Tài chính phân bổ kinh phí đầy đủ và kịp thời cho các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm theo kế hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm, đăng tải thông tin các gương tốt về an toàn thực phẩm và phê phán các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Sở Y tế kiểm soát hoạt động quảng cáo thực phẩm của các đơn vị phát hành theo đúng nội dung đã được phê duyệt, bảo đảm thông tin quảng cáo chính xác, trung thực, khách quan, tránh gây hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng xấu trong xã hội.
Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Tổ chức, triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành bảo đảm an toàn thực phẩm giữa các cấp chính quyền, các ngành chức năng trên địa bàn quản lý; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục để chuyển đổi hành vi, tập quán lạc hậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hoạt động kinh doanh tiệc cưới lưu động theo phân cấp quản lý; Quy hoạch, xây dựng các mô hình kinh doanh thức ăn đường phố; Kiện toàn, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh thực phẩm tuyến huyện, tuyến xã nhằm đáp ứng năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm; Cân đối, bố trí ngân sách cho địa phương để triển khai có hiệu quả các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Các sở, ban ngành liên quan: Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm; Tổ chức triển khai các biện pháp phù hợp để góp phần nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm.
Phan Kiều