Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức phải được trả theo vị trí công việc trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức và hiệu quả thực thi nhiệm vụ, công vụ, cung cấp dịch vụ công.
Đây là ý kiến đóng góp của tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội đối với chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2013-2020.
Hội thảo định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn này đã được Bộ Nội vụ và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 26/12. tại Hà Nội.
Theo định hướng của Bộ Nội vụ, mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội sẽ có 3 phương án.
Phương án thứ nhất là bằng mức lương tối thiểu vùng 1 của khu vực doanh nghiệp, vùng có thị trường lao động phát triển nhất.
Như vậy tính theo mức lương tối thiểu vùng cao nhất quy định tại Nghị định số 70/2011/NĐ-CP thì mức lương tối thiểu năm 2012 là 2 triệu đồng.
Điều này sẽ giúp cán bộ, công chức sống được bằng tiền lương, thu hút được người giỏi vào làm cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên tiền lương của cán bộ, công chức ở các vùng nông thôn sẽ cao hơn nhiều so với lao động trên cùng địa bàn.
Phương án thứ hai là bằng mức bình quân của các mức lương tối thiểu vùng (4 vùng) của khu vực doanh nghiệp, đồng thời áp dụng hệ số tăng thêm đối với cán bộ, công chức ở những vùng có thị trường lao động phát triển để mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức cao hơn mức lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp trên cùng địa bàn. Mức này là sẽ 1.680.000 đồng/tháng.
Phương án ba là xác định nhu cầu của bản thân người lao động bằng mức chi tiêu bình quân đầu người của cả nước cộng thêm nhu cầu nuôi dưỡng cha mẹ, con cái, mức lương tối thiểu năm 2012 là 3,15 triệu đồng.
Mức lương tối thiểu đối với viên chức sự nghiệp có 2 phương án, áp dụng lương tối thiểu vùng như đối với doanh nghiệp hoặc như đối với cán bộ, công chức.
Giai đoạn 2013-2015, hàng năm tập trung nguồn lực ưu tiên điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội. Giai đoạn 2016-2020 tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội của đất nước.
Từ năm 2016 thực hiện mở rộng quan hệ mức lương tối thiểu-trung bình-tối đa từ 1-2,34-10 như hiện nay lên 1-3,2-15, trên cơ sở đó ban hành hệ thống bảng lương, ngạch, bậc mới đảm bảo tính hợp lý phù hợp với thứ bậc trong hệ thống chính trị. Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp lương trên cơ sở xem xét đưa một số chế độ phụ cấp lương hiện hành vào mức lương theo quan hệ tiền lương mới.
Không đồng tình với một số quan điểm nêu trong dự thảo của Bộ Nội vụ, một chuyên gia đã có 20 năm hoạt động trong lĩnh vực lao động, tiền lương- ông Đặng Như Lợi- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng tiền lương ở mức trung bình khá trong xã
Mức sống trung bình khá trong xã hội là gì, ai xác định, cách xác định ra sao, ai công bố và định kỳ công bố thế nào để điều chỉnh tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức? Gần 20 năm thực hiện cải cách tiền lương tại sao vẫn quy định mức lương ngạch bậc theo hệ số mà không phải là mức lương cụ thể?- đại biểu này đặt vấn đề.
Theo ông Đặng Như Lợi cần đưa tiền lương về với nguyên bản của nó như tiền lương năm 1960, 1985 với việc xác định chức danh thấp nhất về trình độ trong cán bộ, công chức, viên chức dựa trên căn cứ tổ chức, phân công lao động, chức danh tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ. Xây dựng thang bảng lương theo ngạch, bậc đối với công chức chuyên môn nghiệp vụ, ngạch khởi điểm theo chức danh thấp nhất về trình độ.
Tất cả các mức lương đều được quy định cụ thể và ổn định một số năm, bỏ hệ số mức lương, không điều chỉnh theo lương tối thiểu xã hội do Chính phủ công bố, mà xem xét mức thu nhập bình quân của lao động khu vực sản xuất, kinh doanh để điều chỉnh mức lương của cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng vấn đề đặc biệt quan trọng trong cải cách tiền lương là cải cách cơ chế chính sách, việc thiết kế thang bảng lương thực chất là vấn đề kỹ thuật, song tiền lương “đổ” hay được là do việc thiết kế thang bảng lương.
Việc phụ cấp chức vụ cao, “phụ” quan trọng hơn chính, đó là bất cập của Việt Nam, thực hiện theo định hướng cải cách tiền lương sẽ giảm mức phụ cấp ưu đãi theo nghề, trách nhiệm theo nghề cao nhất từ 70% hiện nay xuống 30%, chỉ áp dụng với một số ít ngành, nghề có điều kiện lao động cao hơn bình thường hoặc thật sự cần thiết phải có ưu đãi của Nhà nước.
Nghiên cứu bãi bỏ chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với một số đối tượng để đảm bảo tương quan chung sau khi đã mở rộng quan hệ tiền lương.
Theo TTXVN