(GLO)- Khi nghe tin ông Phạm Nhật Vượng khởi sự làm ô tô Việt Nam, cảm xúc đầu tiên của những người yêu thương nước Việt là mừng rỡ. Nhưng liền theo niềm vui đó là sự băn khoăn.
Sau bao năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhưng người Việt vẫn còn sính ngoại! Hoặc ít ra nếu người Việt có quan tâm đến sản phẩm của người Việt thì cũng là chiếc La Dalat ngày trước, chứ vẫn không chịu đón nhận chiếc VinFast của ngày hôm nay.
Ảnh minh họa |
Về bản chất, Công ty Xe hơi Sài Gòn sản xuất ra chiếc La Dalat, tiền thân của nó là phân xưởng sản xuất ô tô của hãng Citroen (Pháp), đặt tại miền Nam Việt Nam. Chiếc La Dalat vẫn phải nhập động cơ nước ngoài, đạt 40% nội địa hóa. Mặc dù nó không phải là chiếc xe hoàn toàn do Việt Nam sản xuất nhưng mãi đến giờ người Việt vẫn tự hào về nó.
Thực ra, cách đi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hôm nay không khác mấy với phương thức sản xuất chiếc La Dalat ngày trước. Vingroup đã không giấu giếm mà nói rõ rằng về mẫu mã sẽ mời các studio thiết kế xe hàng đầu của Ý; bộ phận chính của xe sẽ do các công ty Mỹ và châu Âu sản xuất; phụ kiện, thiết bị phụ trợ sẽ được các nhà sản xuất lớn của thế giới cung cấp; các trung tâm công nghệ hàng đầu của ngành ô tô tại châu Âu sẽ nghiên cứu và chọn lựa các giải pháp công nghệ.
Nếu đạt đến điều này thì tại sao người ta vẫn ca ngợi chiếc La Dalat 40% nội địa hóa nhưng lại bĩu môi với chiếc VinFast được nội địa hóa lên đến 60%?
Điều đó cho thấy, vấn đề ở đây là thái độ, là tư duy, kể cả là định kiến hay sự đón nhận của người Việt đối với sản phẩm chứ không còn là do đặc điểm tính chất, chất lượng sản phẩm. Chiếc ô tô sản xuất ra có được công nhận là “ô tô Việt” hay không là do ở ý nghĩ của người Việt, chứ không còn là công nghệ, kỹ thuật, nguyên liệu, vật liệu.
Trong khi đó, có cảm giác sự tự ti đã ăn vào tiềm thức của người Việt, đến mức không tin vào thành quả của chính người Việt làm. Người ta vẫn lấy chi tiết “không sản xuất nổi con ốc” (sự kiện Samsung) để mỉa mai về ý tưởng sản xuất ô tô của ông Phạm Nhật Vượng. Tuy nhiên, theo thông tin mà ai cũng biết, tỷ phú đô la Việt Nam sẽ huy động trí tuệ của “cả thế giới” vào chiếc VinFast, chứ đâu phải là kỹ thuật, cơ khí, luyện kim…
Rồi người ta lại đem Vinaxuki ra mà bảo rằng đấy là tấm gương tày liếp. Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Vinaxuki bị thất bại có nhiều lý do, trong đó không được ngân hàng hỗ trợ vốn. Thực hư lời ông Huyên nói chưa rõ đúng đến mức nào, nhưng trước mắt điều dễ thấy nhất là sự chuẩn bị không chu đáo về vốn đã khiến ông chủ Vinaxuki phải trả giá. Mà điều này thì ông Phạm Nhật Vượng, đương nhiên đã có tham khảo và chuẩn bị để không lặp lại vết xe trượt của Vinaxuki.
Một nền công nghiệp mới, một sản phẩm nắm bắt xu thế và cạnh tranh với thế giới là vấn đề quốc gia đại sự chứ không thể xem đó là chuyện riêng của doanh nghiệp, rồi để doanh nghiệp tự bơi. Quốc gia phải vào cuộc cùng doanh nghiệp.
Xét cho cùng, với chiếc ô tô 60% nội địa, động cơ ngoại nhập, công nghệ ngoại nhập, có thể không nói đó là ô tô Việt. Nhưng nói “ô tô công nghệ nước ngoài do người Việt sản xuất”, “ô tô thương hiệu Việt” cũng chẳng có gì sai.
Nói tóm lại, giấc mơ ô tô Việt có thực hiện được hay không, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, còn lại là tư duy của người Việt.
Đặng Vỹ