Thúc đầu tư công để có thêm việc làm trong bối cảnh dịch COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc chuyển đổi 3 dự án đầu tư BOT cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công là một trong những giải pháp đẩy mạnh đầu tư công nhằm tiếp sức cho nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh.
 
Điểm cuối của cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Nút giao thông Dầu Giây sẽ là điểm kết nối với tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây - Ảnh: Q.ĐỊNH
Thường trực Chính phủ vừa quyết định trình Quốc hội chủ trương chuyển 3/8 dự án BOT trên tuyến cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công trong kỳ họp tháng 5-2020 nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Đây cũng là giải pháp đẩy mạnh đầu tư công nhằm "tiếp sức" trong bối cảnh dịch covid-19 đang ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.
Phải hiệu quả, có tính lan tỏa
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI), cho rằng việc chuyển đổi 3 dự án BOT trên tuyến cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ dự án, rút ngắn thời gian thực hiện là cần thiết, nếu dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công và được tính toán hiệu quả kỹ lưỡng.
Chuyển sang hình thức đầu tư công sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ 3 dự án này trong bối cảnh tư nhân khó khăn, không thu xếp được nguồn vốn tham gia các dự án. "Tuy nhiên, cần tránh bỏ vốn ngân sách đầu tư chỉ vì mục tiêu duy nhất kích cầu nhằm tăng trưởng cao hơn nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế như đã từng xảy ra trong giai đoạn kích cầu trước đây" - ông Minh nói.
Trong khi đó, theo TS Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, Chính phủ quyết định tăng chi tiêu công hoàn toàn đúng về nguyên lý và thực tiễn. Trước hết, đây là chi tiêu ngược chu kỳ. 
Lúc nền kinh tế khó khăn, ngân sách cần chi tiêu mạnh hơn để tạo nguồn lực cho nền kinh tế vận hành, còn lúc nền kinh tế đang tăng trưởng tốt thì chi tiêu ngân sách tiết kiệm hơn.
Dịch covid-19 đang ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, việc Chính phủ bơm thêm nguồn lực vào nền kinh tế thông qua đẩy mạnh đầu tư công là phù hợp. Hơn nữa những năm gần đây đầu tư công giải ngân rất chậm nhưng chưa có giải pháp để tháo nút thắt này. 
"Trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, Chính phủ cần có biện pháp mạnh để tháo bỏ tắc nghẽn trong đầu tư công lâu nay bằng các giải pháp đột phá tương thích với thời buổi không bình thường" - ông Thiên nói.
Nhiều chuyên gia cũng ủng hộ việc chuyển đổi sang đầu tư công với các dự án này, nhưng cho rằng điều quan trọng là Chính phủ phải cân đối nguồn lực có đủ hay không khi ngân sách eo hẹp, các nguồn thu thuế, phí có xu hướng giảm, trong khi đâu cũng cần chi tiêu cả. Đến thời điểm hiện tại chi phí phòng chống dịch vẫn là một ẩn số vì chưa biết khi nào dịch sẽ kết thúc.
"Dịch bệnh còn kéo dài, số người mất việc, thất nghiệp sẽ gia tăng, nên sẽ phải chi tiêu nhiều ngân sách hơn để thực hiện chính sách hỗ trợ thất nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội" - một chuyên gia khuyến cáo.
 
Cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam) đoạn qua huyện Cần Giờ, TP.HCM (ảnh chụp trưa 13-3) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cần những ràng buộc nghiêm ngặt
Theo ông Trần Đình Thiên, việc chuyển từ đầu tư PPP sang đầu tư công 3 dự án trên cao tốc Bắc - Nam, nếu Chính phủ làm được sẽ có những bài học để giải quyết bài toán giải ngân chậm trong đầu tư công thời gian qua. Như vậy, cả trong ngắn hạn và dài hạn, việc đẩy mạnh đầu tư công hiện nay đều có ý nghĩa tích cực.
Tuy nhiên, theo ông Thiên, quyết định chuyển các đầu tư BOT cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công là ngược dòng. Do vậy, điều kiện thực thi phải đáp ứng yêu cầu sử dụng vốn đầu tư hiệu quả cao nhất. 
Đầu tư công lâu nay chậm, hiệu quả không cao, lãng phí lớn, nên trong tình thế cấp bách, dịch bệnh hiện nay việc áp dụng giải pháp chuyển từ đầu tư BOT sang đầu tư công phải giải quyết được vấn đề thời gian thực hiện đầu tư dự án nhanh nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn cao nhất để tiếp sức cho nền kinh tế.
"Ở đây không chỉ có bơm tiền ra, mà con đường cao tốc Bắc - Nam cũng phải được thông nhanh nhất. Đây là một thách thức lớn, tạo áp lực để Chính phủ phải có biện pháp mạnh giải quyết" - ông Thiên nói.
Theo một số chuyên gia, đầu tư công các dự án giao thông đường bộ thường kéo dài vì trải qua nhiều khâu, nhiều giai đoạn từ giải tỏa đền bù, lựa chọn đầu tư, đến thi công, giải ngân vốn, quyết toán dự án. Những năm qua, hàng loạt dự án giao thông chậm, đội vốn đã làm chậm quá trình tăng trưởng đất nước. Các vấn đề này cần có phương án giải, đầu tư dự án trong tình thế đặc biệt thì các cam kết thực hiện dự án cũng phải đặc biệt.
Theo các chuyên gia, chế độ khuyến khích đặc biệt trong đầu tư cần đi với những ràng buộc nghiêm ngặt trong hợp đồng, thực thi chế độ hợp đồng khắt khe, chế tài mạnh, như vậy mới bảo đảm tiến độ dự án. 
Chuyên gia Đinh Tuấn Minh cũng cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều bất định, nên việc đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng ngân sách vào các dự án quan trọng trong dài hạn nhưng trước mắt chưa thực sự cấp bách thì cần cân nhắc kỹ. 
"Việt Nam chưa phải là quốc gia rủng rỉnh về ngân sách, kích cầu sẽ cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng cần lưu ý các khoản đầu tư công lúc này phải thực sự hiệu quả, có tính lan tỏa" - ông Minh nói.
33.600 tỉ đồng cho 3 dự án

Ba dự án BOT cao tốc Bắc - Nam sẽ được chuyển đổi sang hình thức đầu tư công để rút ngắn thời gian đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến cao tốc xương sống của đất nước gồm: dự án đoạn tuyến Mai Sơn - quốc lộ 45 dài 64km, tổng vốn đầu tư dự kiến 12.918 tỉ đồng; đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43km, tổng vốn đầu tư dự kiến 6.333 tỉ đồng; đoạn từ Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km, tổng vốn đầu tư dự kiến 14.359 tỉ đồng. Ba dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 33.600 tỉ đồng.

Bảo Ngọc (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.