Thu nhập tiền tỉ nhờ nuôi rắn hổ mang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sở hữu trại rắn hổ mang 14.000 con, mỗi năm anh Phan Thanh Bình (35 tuổi, ngụ ấp Mỹ Lợi C, xã Mỹ Tú, H.Mỹ Tú, Sóc Trăng) thu nhập trên 2 tỉ đồng từ bán rắn giống và thương phẩm.

Anh Phan Thanh Bình chăm sóc rắn trong trại DUY TÂN
Anh Phan Thanh Bình chăm sóc rắn trong trại DUY TÂN
Trước đây, với mong muốn nuôi động vật hoang dã vừa để phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo hướng đi riêng biệt, anh Bình đầu tư nuôi ba ba và trăn. Tuy nhiên, được một thời gian thì thị trường bão hòa, đầu ra khó, giá cả bấp bênh dẫn đến thu nhập không cao.
Năm 2015, tình cờ biết được mô hình nuôi rắn hổ mang cho thu nhập cao, anh tìm hiểu rồi quyết định chuyển sang nuôi rắn. “Thời điểm đó ở miền Tây ít người nuôi trong khi nhu cầu tiêu thụ tại nhà hàng, quán ăn khá cao. Vì vậy, tôi quyết định cải tạo chuồng trăn, tìm mua rắn hổ mang giống về nuôi thử nghiệm”, anh Bình kể.
Sau khi được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng cấp giấy phép, anh Bình mua 70 con rắn giống ở tỉnh Vĩnh Long đem về nuôi. Do nguồn giống trôi nổi và bản thân anh Bình chưa có kinh nghiệm nuôi nên số rắn giống ban đầu chết hơn phân nửa. Không nản lòng, anh miệt mài tìm tòi, cập nhật thông tin trên mạng và đến các trại nuôi rắn học hỏi. Sau đó anh xây dựng chuồng nuôi hợp lý và áp dụng đúng kỹ thuật nuôi.
Bằng sự gan dạ và nhẫn nại, anh Bình đã thuần phục được loài vật nuôi nguy hiểm, mang về lợi nhuận “khủng” cho gia đình. Từ vài chục con giống ban đầu, sau gần 5 năm nuôi, đến nay anh đã nhân đàn thành công, sở hữu đàn rắn lên đến 14.000 con, trong đó hơn 1.000 rắn bố mẹ. Trong chuồng nuôi lúc nào cũng duy trì 2.000 - 3.000 con rắn thương phẩm để cung cấp cho nhà hàng, quán ăn.
Theo anh Bình, muốn nuôi rắn hổ mang phải đăng ký và được cơ quan chức năng cấp phép. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho người nuôi và mọi người xung quanh, chuồng nuôi rắn phải xây đạt chuẩn theo quy định.
“Rắn hổ mang rất nguy hiểm. Vì vậy, trại nuôi rắn được tôi xây dựng biệt lập với các hộ dân lân cận. Mỗi khu đều được xây dựng kiên cố bằng bê tông, có cửa khóa chắc chắn. Rắn giống nuôi trong chuồng, rắn bố mẹ nuôi trong hộc và che chắn rất kỹ bằng lưới sắt mắt nhỏ”, anh Bình chia sẻ.
Ngoài ra, anh còn phân chia thành 4 khu nuôi riêng biệt để dễ quản lý và chăm sóc, gồm: khu nuôi dưỡng rắn giống, khu nuôi rắn thương phẩm, khu nuôi rắn giống bố mẹ và khu nuôi rắn sinh sản.
Thức ăn cho rắn là vịt mới nở, được xử lý sạch lông. Cứ cách 5 ngày cho rắn ăn 1 lần, sau đó làm vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Rắn con nuôi khoảng 15 - 17 tháng, trọng lượng từ 2 - 3 kg/con thì có thể xuất bán. Riêng rắn sinh sản chỉ đẻ 1 lần/năm vào độ tháng 10, mỗi con đẻ 20 - 30 trứng/lần và trứng được ấp nở đạt tỷ lệ trên 97%. Sau khi trứng nở, rắn con được nuôi khoảng 2 tháng thì có thể bán làm con giống. Hiện rắn thương phẩm có giá 700.000 - 750.000 đồng/kg, rắn giống từ 100.000 - 150.000 đồng/con.
Thời gian tới, anh Bình dự định mở thêm 2 chuồng nuôi với diện tích khoảng 300 m2 để tăng số lượng đàn rắn bố mẹ lên hơn 2.000 con. Khi đó, số rắn giống sản xuất ra sẽ gấp đôi so với hiện tại.
Theo Duy Tân (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.