Thủ lĩnh miệt vườn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuộc sống dư dả nhưng chị Trần Thị Kiều Thơ (48 tuổi, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức, TPHCM), vẫn gắn bó với mảnh vườn có những giàn hoa, túi nấm và vạt rau xanh. Chị Thơ cho biết mình không làm vì kinh tế, mà làm để có kinh nghiệm chia sẻ lại cho hội viên trong Hội Nông dân phường Bình Chiểu.
 Chị Kiều Thơ (đứng giữa) hướng dẫn hội viên chăm sóc hoa lan
Chị Kiều Thơ (đứng giữa) hướng dẫn hội viên chăm sóc hoa lan
Thủ lĩnh trách nhiệm
“Chị Thơ ơi, mấy chậu lan nhà tui hôm nay lạ lắm, nó bị bệnh rồi”, chị Trần Thị Liễu (ngụ phường Bình Chiểu) hớt hải chạy sang báo.
Đang gieo mớ hạt rau trong vườn nhà, chị Thơ buông vội, cùng chị Liễu qua xem đám lan đang xanh tốt bỗng dưng héo úa, khô lá. Cẩn thận ghi lại triệu chứng của bệnh, chị về lục tìm trên mạng và tài liệu kỹ thuật của các đợt tham gia tập huấn, liên hệ với các chuyên gia để tham khảo thêm.
Khi nắm rõ nguyên nhân và cách trị bệnh, chị Thơ lại tất tả sang nhà chị Liễu để chỉ dẫn và cùng nhau chăm sóc cho đến khi những chậu lan xanh tốt, khỏe mạnh trở lại. Chị phó chủ nhiệm câu lạc bộ lo việc người khác như việc của mình, cho nên cứ hễ cây trồng có vấn đề gì, các hội viên và nhiều nông dân ở nơi khác đều tìm đến chị.
Đám vườn của chị Thơ trồng đủ thứ, mỗi đợt có chủ trương đổi mới cây trồng, chị lại quây vườn, xung phong thử nghiệm. Bởi vậy mà lan, mai, rau hay nấm… vườn nhà chị có đủ. “Tôi trồng để mai mốt bà con có chỗ thực hành. Hơn nữa mình trồng thì mình mới nắm rõ được kỹ thuật, cách chăm sóc để chia sẻ với các hội viên”, chị Thơ cho biết. Nhờ vậy, mỗi đợt triển khai tập huấn trồng cây, vườn nhà chị Thơ lại tập trung nhiều nông dân và chuyên gia, người dạy, người thực hành.
Ông Nguyễn Phúc Duy Khang, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bình Chiểu, nhận định chị Thơ có nhiều đóng góp trong hội. Với vai trò là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, chị Thơ luôn chủ động phát động các thành viên trong câu lạc bộ làm theo Bác thông qua các mô hình “Lấy nông dân dạy nghề cho nông dân”; “Nông dân khá giúp đỡ nông dân nghèo”. Từ mô hình này, chị đã kết nối được 181 nông dân trong phường thường xuyên giúp đỡ nhau, từ trao đổi kinh nghiệm trồng trọt đến hỗ trợ vốn để cùng nhau mưu sinh trên mảnh vườn nhà. 
Nhiều năm qua, chị Thơ đã vận động và đi đầu trong phong trào người có giống cây thì giúp nhau giống, người sản xuất phân bón thì giúp các hội viên khác mua phân bón trả tiền sau nhưng không tính lãi, nỗ lực tìm ra những rào cản về kỹ thuật trong trồng trọt mà các hội viên gặp phải… Nhờ vậy, đến nay, hội viên Hội Nông dân phường Bình Chiểu không còn hộ nghèo và đang vươn lên làm giàu trên đất.
Cùng địa phương gánh vác việc chung

Với chị Trần Thị Kiều Thơ, những năm qua, lời Bác dạy: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm” là kim chỉ nam để chị xung kích vì những người xung quanh.

Gia đình chị Thơ sinh sống ở phường Bình Chiểu khi nơi này còn là vùng nông thôn nghèo khó, rồi đô thị hóa tràn về, người dân tứ xứ tới lập nghiệp. Như bao gia đình khác, chị Thơ cất phòng trọ cho thuê. Hơn 6 năm nay, 50 căn phòng trọ của gia đình chị đã trở thành mái ấm của nhiều người tha phương. Ở thành phố này, nhiều người làm giàu từ cho thuê phòng trọ, nhưng riêng dãy nhà trọ của chị, 6 năm qua không tăng giá. Các dãy nhà trọ xung quanh, mỗi năm đều đặn tăng giá 100.000 - 200.000 đồng/tháng, bởi vậy mà không ít người rỉ tai nói chị dại khi giá phòng trọ của chị thấp hơn mặt bằng chung cả triệu đồng, nhưng với chị bấy nhiêu là đủ, cái chính là giúp người lao động bớt nhọc nhằn hơn trong cuộc mưu sinh. 
Chị Thơ tâm sự: “Người ta cũng ở xa về đây lập nghiệp, còn khó khăn nên mới phải đi thuê nhà. Họ đều là công nhân, người lao động, có dư dả đâu mà tăng tiền phòng chi cho tội, mình thấy đủ là đủ, chạy theo thị trường sao được”. Chẳng những lấy giá phòng trọ hữu nghị, hàng năm, chị Thơ còn tặng học bổng cho đám trẻ ở trọ để động viên tụi nhỏ chăm học thành tài. 
Ở phường Bình Chiểu còn nhiều gia đình khó khăn, sức chăm lo của địa phương có hạn, chị Thơ tự nguyện nhận trợ vốn cho các gia đình có hướng làm ăn vươn lên thoát nghèo; chăm lo cho 30 gia đình nghèo, người già neo đơn ở khu phố 2. Đáng quý là số tiền thu hoạch từ rau, nấm ở vườn được bao nhiêu chị đều bỏ ống heo, một đôi tháng khui heo một lần, toàn bộ số tiền ấy chị đi siêu thị mua nhu yếu phẩm và vài món lạ cải thiện bữa ăn tặng các gia đình nghèo. Niềm vui của người nghèo khi nhận những phần quà được chị gom cả vào mảnh vườn, luống rau, rồi chị chăm chút hơn, tần tảo hơn để những vạt rau thêm tốt, để ống heo nhanh đầy.
Là một trong những cá nhân được Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM biểu dương thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chị Thơ coi đây là động lực để bản thân tiếp tục các hoạt động cộng đồng.
THU HƯỜNG (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.